Sơn La là tỉnh miền núi cao, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,5% số dân. Gần 60 năm, thực hiện lời Bác dạy khi Người lên thăm và nói chuyện với đồng bào Tây Bắc và hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La luôn đoàn kết, vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng vào thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho trên 1,1 triệu người dân trong tỉnh; 3.325 bản, tiểu khu, tổ dân phố được đổi mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Nông dân xã Phổng Lái (Thuận Châu) triển khai mô hình ghép nhãn chín muộn.
Tuy vậy, hiện Sơn La vẫn còn 5 huyện nghèo thuộc chương trình theo Nghị quyết 30a/NQ-CP, với 102 xã, 1.341 bản đặc biệt khó khăn; tỷ lệ nghèo còn 31,91%... Đó là điều trăn trở của gần 80 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Xây dựng “bước đi” phù hợp để thoát nghèo
Là tỉnh có 12 dân tộc anh em chung sống lâu đời trên vùng đất rộng hơn 14.000 km2. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Sơn La có vị trí quan trọng được ví như “phên dậu” phía Tây Bắc của Tổ quốc. Do vậy, nhiều năm qua, nhất là từ năm 1986 đến nay, trên cơ sở các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) chuyên đề về dân tộc trong thời kỳ đổi mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và nhiều Nghị quyết, chương trình của Chính phủ như Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, Chương trình 135... Hơn 30 năm qua, với 7 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (Từ Đại hội VIII năm 1985) đến nay, Đảng bộ luôn xác định: Phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng Sơn La sớm trở thành một tỉnh giàu mạnh, văn minh, trong đó tập trung phát triển mạnh vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 6; vùng kinh tế dọc sông Đà và vùng kinh tế vùng cao và biên giới, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường trạm; thực hiện các chính sách dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc khó khăn vươn lên... Theo đó, năm 2010, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trong công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững và ngay sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 05-NQ/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020. Thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều Nghị quyết, chương trình chăm lo đời sống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh như: Quyết định 2269/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách ổn định sản xuất và đời sống ở các bản có điều kiện kinh tế, xã hội còn đặc biệt khó khăn, Nghị quyết 41/NQ-HĐND của HĐND về hỗ trợ đầu tư cho phát triển giao thông nội bản, tiểu khu, tổ dân phố... Đó là chủ trương, đường lối, là quyết sách, nền tảng cho bước đường phát triển kinh tế, xã hội đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người từng bước đi lên xóa đói, giảm nghèo để thoát nghèo bền vững...
Với Sơn La, xuất phát điểm là tỉnh nghèo, lạc hậu, cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ dân trí thấp. Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo 4 vấn đề chủ yếu: Cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy và cán bộ; chuyển mạnh nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa từ các thế mạnh của địa phương; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp...
Bà con bản Nà Quền, xã Quy Hướng (Mộc Châu) phát triển nuôi cá lồng.
Trên cơ sở lấy kinh tế hộ nông dân làm đơn vị kinh tế tự chủ, Tỉnh ủy chủ trương tách hộ, giãn bản, lập trang trại, trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư theo chương trình mục tiêu của Chính phủ như Chương trình 135, 134, 186; Nghị quyết 30a... Sau 30 năm chuyển từ nền kinh tế tự cấp tự túc, sản xuất nông - lâm còn nhỏ lẻ, hằng năm tổng sản lượng lương thực chỉ đạt 15-16 vạn tấn, khoảng 15 vạn người thiếu đói, 4 vạn người bị đứt bữa; thu ngân sách địa phương vào khoảng 200 triệu đồng/năm... Đến nay, toàn tỉnh hình thành vùng cây công nghiệp tập trung với trên 60.500 ha gắn với sản xuất chế biến như: Chè Mộc Châu; mía, cà phê Mai Sơn, Thuận Châu; vùng cây nông nghiệp công nghệ cao ở các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, xóa dần tính độc canh và sản xuất tự cung tự cấp, giảm mạnh tình hình di dịch cư tự do, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 22.400 tỷ đồng, thu ngân sách trên địa bàn 4.006 tỷ đồng; thu nhập bình quân 25,4 triệu đồng/năm, sản lượng lương thực đạt gần 800 nghìn tấn, 100% số xã có trạm y tế, có đường ô tô, có điện lưới quốc gia, trong đó 86,7% hộ nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, gần 90% số hộ nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,2%/năm, hỗ trợ xóa được gần 16.000 nhà tạm. Các vấn đề xã hội được giải quyết, các chế độ, chính sách dân tộc được giải quyết kịp thời, đời sống của đồng bào, nhất là đồng bào ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, vùng đặc biệt khó khăn ngày một nâng lên, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; diện mạo nông thôn vùng dân tộc có nhiều đổi thay, toàn tỉnh có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hàng vạn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...
Những vấn đề rút ra từ thực tiễn
Có được những thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào hoàn cảnh thực tế của địa phương, nhất là các chính sách về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Vũ Điền, Phó Ban Dân tộc tỉnh: Những năm qua, Trung ương, tỉnh có nhiều chính sách và đầu tư cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con các dân tộc. Nhưng tỷ lệ nghèo còn cao, nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản là trình độ một số cán bộ lãnh đạo ở bản, xã còn yếu; một bộ phận đồng bào các dân tộc còn trông chờ ỷ lại, nhất là hộ nghèo, một số người nghèo không muốn thoát nghèo do được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp. Việc huy động các nguồn lực từ người dân và trong cộng đồng chưa hiệu quả, chưa nhân rộng những mô hình giảm nghèo có tính đột phá, giúp người dân giảm nghèo nhanh và bền vững...
Để sớm đưa Sơn La thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, cùng với thực hiện tốt Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020, trong vấn đề đầu tư, nên đầu tư tập trung để “ra tấm ra miếng” không nên đầu tư dàn trải; việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi cần được xem xét trên cơ sở thị trường và có quy hoạch phù hợp với thực tế ở cơ sở vì trình độ bắt nhịp với khoa học, kỹ thuật của bà con còn hạn chế. Việc xét hộ nghèo cũng cần chặt chẽ, đúng tiêu chí, thực tế không nên đánh đồng, chung chung. Cùng với đó, cần tuyên truyền, vận động bà con, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; tích cực chủ động trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
(Còn nữa)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!