Tây Tiến, đọng mãi trong lòng nhân dân

Chúng tôi về thăm khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, được xây dựng tại đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu. Khu Di tích lịch sử mang ý tưởng bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - một chiến sĩ của Trung đoàn năm xưa, thể hiện bức tranh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và hình ảnh người lính Tây Tiến kiên cường, bất khuất.

                                       

Khu Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, đồi Nà Bó, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

             

Trung đoàn Tây Tiến được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào bảo vệ vùng biên giới Tổ quốc. Chiến sĩ của đoàn quân Tây Tiến phần đông là những thanh niên, học sinh, trí thức trẻ ở Hà Nội, khi đất nước còn giặc xâm lăng, họ đã xung phong tự nguyện ghi tên, cầm súng ra chiến trường. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, chủ yếu là các tỉnh vùng cao Tây Bắc như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa...; chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đoàn quân Tây Tiến đã vượt mọi khó khăn về địa hình để lập nên những chiến công vang dội. Trung đoàn đã vinh dự được tặng “Cờ quyết chiến, chiến thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được mang tên truyền thống đoàn Đông Biên. Trung đoàn được tặng 8 Huân chương Quân công và 218 Huân chương các hạng.

             

Đến nay, những chiến công oanh liệt của Trung đoàn còn vang mãi, gắn liền với lịch sử hào hùng của mặt trận Tây Bắc và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như cho mối tình hữu nghị Việt Nam - Lào.

             

Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến tọa lạc trên đồi Nà Bó giữa không gian thoáng đãng, cảnh vật núi rừng thơ mộng, hoang sơ, đậm chất Tây Bắc. Quần thể khu di tích gồm các hạng mục như: Khu nhà truyền thống, 5 bức phù điêu, đài tưởng niệm, bia ghi danh chiến sĩ Tây Tiến, khu hoài niệm, đài vọng tưởng. Mỗi hạng mục trong khu di tích đều là một câu chuyện, một kỷ niệm, một chiến công gắn với đoàn quân Tây Tiến.

             

Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Pha Luông - Đơn vị được giao quản lý Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, cho biết: Khu di tích lịch sử Trung đoàn 52 Tây Tiến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia năm 2017; công trình được xây dựng bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng của nhân dân đối với những người lính nguyện hy sinh tuổi xuân vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch, học sinh, sinh viên các trường học trong huyện, tỉnh và cả nước đến thăm.

             

Vào khu di tích, du khách đi theo 52 bậc đá là tên của Trung đoàn 52, bậc đá được thiết kế có đoạn thẳng vút, có đoạn uốn lượn tượng trưng cho chặng đường hành quân của đoàn binh Tây Tiến qua những dốc cao, vực sâu vô cùng hiểm trở như câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” của nhà thơ Quang Dũng trong bài “Tây Tiến”. Năm bức phù điêu được thiết kế xung quanh quần thể ghi lại những câu chuyện cảm động về chiến công của đoàn quân Tây Tiến. Đài tưởng niệm ở vị trí cao nhất của quần thể, được thiết kế hình cụm lưỡi lê, biểu tượng cho ý chí và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của đoàn binh Tây Tiến. Nhìn biểu tượng lưỡi lê, mũi súng hướng lên trời cao, du khách lại vang vọng câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” của nhà thơ Quang Dũng.

             

Phía trước đài tưởng niệm là hai biểu tượng gắn liền với chặng đường hành quân của Trung đoàn 52, đó là Thạt Luông, biểu tượng của văn hóa, tinh thần của các bộ tộc Lào gửi tặng đoàn binh Tây Tiến và hoa lau, loài cây rừng gắn với chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến tạo nên một không gian thơ mộng, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc, như câu thơ: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” (Tây Tiến). Khu hoài niệm, đài vọng tưởng được thiết kế khá đặc biệt với sự bao bọc của kính trong suốt, tượng trưng cho vẻ đẹp của sương khói hư ảo miền Tây Bắc, mở ra một không gian rộng ngút tầm mắt, tại đây có thể quan sát thấy đồn Mộc Lỵ của thực dân Pháp, là hệ thống phòng thủ liên hoàn gồm 9 lô cốt bê tông kiên cố, có lỗ châu mai bắn ra các hướng, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt, được xây dựng trên những vách đá tai mèo hiểm trở, có nhiều đoạn dựng đứng, có thể ứng cứu cho nhau khi bị tấn công.

             

Đứng trên đài cao ngắm núi rừng Tây Bắc, trong lòng du khách hoài niệm về đoàn binh Tây Tiến với những chàng trai đất Hà thành hào hoa, lãng mạn mà vô cùng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì đất nước: “Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi/Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”...

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới