Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Những "chiến binh Bluse"

Xuân Nhâm Dần đang về, mọi nhà, mọi người rộn ràng trong không khí đón năm mới, cầu mong những điều tốt đẹp sẽ tới và dịch bệnh năm cũ qua đi. Đón Xuân mới yên bình, những người dân từng sống trong “vùng đỏ” không quên hình ảnh những chiến sỹ áo trắng đã sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy, về các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2; tận tâm bên bệnh nhân F0 để theo dõi, điều trị... tất cả vì sức khỏe nhân dân.

                          

Cán bộ y tế chia tay người thân đi hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19.

             

hớ lại trung tuần tháng 5/2021, tỉnh Sơn La ghi nhận bệnh nhân F0 đầu tiên (BN4367) tại xóm Mỏ Đồng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, trở về từ tỉnh Bắc Giang. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Mặc dù chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân F0, nhưng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều trị thành công ca mắc Covid-19 đầu tiên trên địa bàn. Sau ca bệnh này, đội ngũ thầy thuốc trong toàn tỉnh đã điều trị khỏi cho trên 300 bệnh nhân F0, không có trường hợp nào tử vong.

             

Bác sỹ Đỗ Xuân Thụ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: Đây là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, chỉ cần sơ suất nhỏ, nguy cơ nhiễm bệnh của nhân viên y tế rất cao. Bệnh viện đã lựa chọn các y, bác sỹ, điều dưỡng viên vững chuyên môn tham gia kíp điều trị. Trong 37 ngày, kíp điều trị luôn theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân để có phác đồ điều trị phù hợp. Bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện trong niềm vui vỡ òa của tất cả mọi người.

             

Khu cách ly tập trung tại Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh.

             

Mấy tháng sau đó, tại huyện Phù Yên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, với gần 300 bệnh nhân F0 phát hiện trong khu cách ly và ngoài cộng đồng; rà soát truy vết hàng chục nghìn trường hợp liên quan; tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhân dân; lấy mẫu xét nghiệm diện rộng... Trong trận chiến quyết liệt đó, ngành Y tế đã điều động 130 cán bộ y tế hỗ trợ huyện chống dịch.

             

Là một trong những cán bộ y tế “bám trụ” tại Phù Yên trong suốt thời gian dịch bệnh phức tạp, bác sỹ Lê Hồng Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên, lực lượng cán bộ y tế được huy động nhiều nhất, quy mô lớn nhất để chống dịch. Chúng tôi đã phối hợp với lực lượng y tế trên địa bàn điều trị các bệnh nhân F0; thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng; tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân các công ty, nhà máy và nhân dân các xã có nguy cơ cao. Làm việc không kể ngày, đêm và có thể bị lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, song chúng tôi luôn có mặt ở những nơi vất vả, nguy hiểm nhất trong suốt cuộc chiến chống dịch ở Phù Yên.

             

Nhớ lại những ngày được điều động hỗ trợ huyện Phù Yên trong chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trung tâm Y tế huyện Mai Sơn, chia sẻ: Chúng tôi đã cùng đồng nghiệp ở huyện đến các xã vùng có nguy cơ cao để lấy mẫu xét nghiệm. Có hôm trời mưa to, về xã Nam Phong lấy mẫu, đến tối vẫn chưa xong việc, chúng tôi cùng nhau ăn tạm lương khô và làm thâu đêm, hoàn thành công việc mới trở về huyện. Mệt, vất vả, nhưng ai cũng cố gắng để góp sức bảo vệ sức khỏe người dân.

             

Điều trị bệnh nhân FO tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

             

Trong trận chiến chống dịch Covid-19, lĩnh vực xét nghiệm cũng có nhiều cam go, vất vả. Chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ 4, có ngày cao điểm, labo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã thực hiện xét nghiệm PCR hơn 2.000 mẫu bệnh phẩm. Anh Đàm Hải Dương, kỹ thuật viên, Khoa Huyết học truyền máu vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), tâm sự: Cường độ công việc cao, chúng tôi đã làm việc “xuyên ngày, thâu đêm” để có kết quả xét nghiệm kịp thời, chính xác, phục vụ công tác rà soát, truy vết, khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan, bởi xét nghiệm là phương tiện duy nhất để chẩn đoán người mắc Covid-19.

             

Dịch bùng phát ở Phù Yên và nguy cơ lan rộng khắp tỉnh, nhưng với tinh thần chia sẻ với các tỉnh phía Nam trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, 30 “chiến binh áo trắng” trong Đoàn công tác ngành Y tế của tỉnh đã lên đường hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, như sống lại khí thế đoàn quân năm xưa tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Trong gần 2 tháng nhận nhiệm vụ chăm sóc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 12 đặt tại thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh), quy mô 1.000 giường bệnh, Đoàn cán bộ y tế của tỉnh đã phối hợp với Đoàn cán bộ y tế của tỉnh Quảng Ninh thu dung điều trị cho hơn 4.000 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, trên 3.800 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.

             

Tâm sự về thời gian thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12 (thành phố Thủ Đức), bác sỹ Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền Sơn La, Trưởng đoàn công tác, nhớ lại: Chúng tôi đã “lao” vào cuộc chiến trong tâm thế “tranh thủ từng giây, từng phút, bảo vệ các bệnh nhân F0 không nặng lên và đưa về thể nhẹ, quyết chiến giành lại sự sống cho người bệnh”. Các bệnh nhân nhập viện rồi xuất viện đã cho chúng tôi những cảm xúc buồn, vui lẫn lộn... Sự mong manh trong ranh giới sinh tử của bệnh nhân Covid-19 khiến chúng tôi càng nỗ lực nhiều hơn trong điều kiện nguy hiểm có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào và cường độ làm việc cao hơn bao giờ hết.

             

Sự an vui của mỗi gia đình tạo thêm động lực cho những “chiến binh áo trắng” tiếp tục vững vàng với cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới với nhiều cam go, phức tạp, góp sức mang về những mùa xuân đầm ấm, yên vui cho mọi nhà, mọi người.

Hồng Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới