Đến Quỳnh Nhai, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên mà còn được thưởng thức văn hóa ẩm thực. Nhiều món ăn của người dân địa phương mang hương vị đặc trưng, riêng có của vùng núi rừng Tây Bắc, trong đó không thể không nhắc đến món cá tép dầu khô. Hiện, sản phẩm cá tép dầu khô do HTX Thái Tuấn, xã Mường Giàng chế biến là sản phẩm đầu tiên của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Lòng hồ thủy điện Sơn La ở Quỳnh Nhai không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn...
Trước kia, việc đánh bắt cá tép dầu của người dân chủ yếu phục vụ sinh hoạt. Cá tép dầu không lớn, mỗi con chỉ bằng 2 đến 3 đầu ngón tay. Khi lòng hồ thủy điện Sơn La tích nước, việc đánh bắt loài cá này có nhiều thuận lợi, từ đó, nhiều người đã học cách chế biến cá tép dầu khô. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, năm 2017, chị Đinh Thị Yến, xóm 1, xã Mường Giàng đã vận động 8 hộ tham gia HTX Thái Tuấn; trung bình mỗi năm HTX bán khoảng 3 tấn cá khô ra thị trường.
... mà còn tạo nguồn lợi thủy sản phong phú.
Việc chế biến cá tép dầu khô không khó. Sau khi mua cá từ thuyền sẽ dùng dao nhỏ, sắc để mổ từ lưng cá, vứt bỏ ruột và đầu, rửa sạch cá, để ráo nước tới đâu ướp gia vị tới đó, bởi cá tép dầu thân mỏng, khi mổ xong phân hủy rất nhanh.
Người dân đánh bắt cá tép dầu.
Sau khi cá được ướp với ớt tươi, đường, muối, sa tế và gia vị đặc trưng của địa phương, trộn đều để thêm 15 phút cho ngấm gia vị rồi đem phơi trên những tấm phên được làm bằng tre hoặc căng lưới, tùy thuộc vào thời tiết mà cá sẽ được phơi từ 2-4 ngày là có được sản phẩm cá tép dầu khô. Trung bình 5 kg cá tép dầu tươi chế biến được một kg cá tép dầu khô, giá bán 300.000 đồng/kg.
Cá tép dầu không lớn, chỉ bé bằng 2 đến 3 đầu ngón tay.
Thành viên HTX Thái Tuấn sơ chế cá tép dầu.
Chị Mùi Thị Nhàn, thành viên HTX, thông tin: Tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn cách sơ chế, bảo quản sản phẩm. Cá tép dầu sau khi chế biến thành sản phẩm rất giống với cá ba chỉ vàng. Nhờ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ làm cá tép dầu khô.
Cá tép dầu được ướp gia vị đặc trưng của địa phương.
Thành viên HTX dàn cá lên phên để phơi nắng.
Chị Đinh Thị Yến, Giám đốc HTX Thái Tuấn, thông tin: Năm 2019, tham Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, HTX đã được cơ quan chuyên môn chuyển giao khoa học kỹ thuật; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ nhãn mác và bao bì; sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. HTX được tỉnh hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng Điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu tỉnh.
Sản phẩm cá tép dầu khô của HTX Thái Tuấn.
Thành viên HTX đóng gói sản phẩm.
Từ một sản phẩm đặc trưng của bà con dân tộc Thái Quỳnh Nhai, đến nay, cá tép dầu khô đã trở thành một sản phẩm thủy sản lợi thế của địa phương. Hiện, sản phẩm đang được bày bán tại các Trung tâm Giới thiệu hàng nông sản sạch của tỉnh, huyện và một số đại lý tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên và tham gia bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Sản phẩm cá tép dầu khô của HTX trưng bày tại Đại hội đại biểu Phụ nữ huyện nhiệm kỳ 2021-2026.
HTX Thái Tuấn được hỗ trợ xây dựng Điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu tỉnh.
Du khách tham quan, mua sản phẩm cá tép dầu tại Điểm bán, trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu tỉnh.
Sản phẩm cá tép dầu khô của HTX đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Để cá tép dầu khô đứng vững trên thị trường, HTX Thái Tuấn rất mong nhận được quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu để đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trong tỉnh. Qua đó, quảng bá, đưa sản phẩm vươn ra thị trường toàn quốc, từng bước khẳng định thương hiệu cá “Sông Đà” Sơn La.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!