Với hơn 10.500 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La trải dọc địa bàn 9 xã, đây là điều kiện thuận lợi để người dân huyện Quỳnh Nhai khai thác nguồn cá tự nhiên, tạo ra các sản phẩm, như nước mắm cá mương, cá mương phơi khô, mắm tép sông Đà, cá sấy khô... Đến nay, có 1 sản phẩm cá tép dầu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 2 sản phẩm chế biến từ cá đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP năm 2022. Tuy nhiên, không ít người dân sử dụng một số ngư cụ trong danh mục cấm khai thác để đánh bắt thủy sản, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái tự nhiên vùng lòng hồ.
Nhiều vó bè được đặt gần khu vực nuôi cá lồng của người dân tại xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai.
Ngược lòng hồ từ xã Chiềng Bằng đến Cà Nàng, không khó để bắt gặp những chiếc vó đèn của các người dân đặt trên mặt hồ. Gọi là vó đèn, bởi đây là những chiếc vó lớn có treo một chiếc đèn ở giữa, chiều tối thả vó xuống, ánh sáng của đèn thu hút các loài côn trùng dẫn dụ cá đến tập trung dưới bóng đèn, sau đó người dân sẽ kéo lưới lên thu hoạch cá. Trong đó rất nhiều vó đèn sử dụng mắt lưới rất nhỏ đánh bắt hầu hết các loại cá bé, đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng cá tự nhiên bị khai thác tận diệt.
Tại xã Chiềng Bằng có trên 2.000 ha mặt nước, đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nghề nuôi cá lồng và khai thác đánh bắt thủy sản. Việc nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, góp phần giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm. Nhưng một thực tế đặt ra là việc khai thác của người dân vẫn còn mang tính hủy diệt, do người dân sử dụng một số ngư cụ như: vó đèn, kích điện, lưới bát quái....
Ông Mè Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Chiềng Bằng, thông tin: Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân, UBND xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng các loại ngư cụ trong danh mục cấm để khai thác, đánh bắt thủy sản. Phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp khai thác đánh bắt theo hình thức hủy diệt; buộc các chủ phương tiện ngừng việc khai thác, đánh bắt khi ngư cụ không đảm bảo quy định.
“Tôi làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ được 7 năm. Trước kia, tôi chủ yếu sử dụng lưới bát quái để đánh bắt thủy sản, có ngày thu được 50-70 kg tôm, cá. Trong một lần đánh bắt tôi bị cơ quan chức năng thu giữ lưới bát quái và giải thích việc sử dụng ngư cụ trong danh mục cấm khai thác sẽ hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Qua đó, tôi hiểu được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chính là bảo vệ nguồn thu nhập chính của gia đình nói riêng và của bà con trong bản, trong xã nói chung. Bây giờ, tôi luôn tuân thủ các quy định về mắt lưới đánh cá, khu vực được phép đánh cá theo thông báo của UBND xã. Ngoài ra, gia đình tôi cũng nuôi 4 lồng cá”. Ông Là Văn Lấng, xã Chiềng Bằng chia sẻ.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai hiện có 6 HTX, 557 hộ gia đình tham gia hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản với 627 phương tiện (thuyền mộc chèo tay, thuyền máy công suất nhỏ); trên 97.000 ngư cụ sử dụng đánh bắt, trong đó, chủ yếu là lưới vây, rọ tôm. Chấn chỉnh việc khai thác, đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện Quỳnh Nhai đã thành lập tổ công tác liên ngành, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, đánh bắt có tính chất hủy diệt.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành 115 lượt tuần tra, kiểm tra, thu giữ và xử lý 318 lưới bát quái, 24 chiếc vó đèn có mắt lưới không theo quy định, 8 tàu gắn te. Phối hợp tổ chức 57 buổi truyền thông tại các xóm, bản, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó, có ý thức, trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản.
Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Nhai cho biết: Công tác bảo vệ nguồn thủy sản trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, như địa bàn rộng, nhiều thuyền khai thác vãng lai, việc đánh bắt thường diễn ra vào ban đêm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của một số người dân chưa tốt, vẫn còn tình trạng sử dụng các loại ngư cụ bị cấm. Công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản của một số xã chưa thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; một số xã lúng túng trong việc áp dụng văn bản xử lý vi phạm... Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, tạo sinh kế bền vững. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng, phối hợp với các xã vùng lòng hồ kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; vận động các bản, xóm đưa nội dung quy định khai thác, đánh bắt thủy sản vào quy ước, hương ước; tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!