Sông Mã xây dựng đời sống văn hóa

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Sông Mã đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo nhân dân, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Giọng nữ
Đội văn nghệ người cao tuổi bản Mường Cang, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã luyện tập.

Chúng tôi đến xã Mường Lầm, cảm nhận được sự đổi thay tích cực nơi đây với những con đường bê tông sạch đẹp nối đến các bản Phèn Sàng, Mường Nưa, Mường Tợ, Mường Cang, Nà Và, Bản Hịa. Mường Lầm có 1.220 hộ, 6.085 nhân khẩu; trong đó, dân tộc Thái chiếm trên 80%. Năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Kinh tế ổn đinh, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao.

Ông Lò Văn Tới, Chủ tịch UBND xã Mường Lầm, thông tin: Hằng năm, xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt 5 nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng các thiết chế văn hóa; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xã đã huy động người dân đóng góp ngày công xây dựng công trình nhà văn hóa; trồng trên 500 cây hoa tại trụ sở xã và dọc một số tuyến đường bản. Đến nay, 8/8 bản có nhà văn hóa; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển, thu hút đông đảo người dân tham gia, với 13 đội văn nghệ, 14 đội thể thao; xã giữ vững tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 về văn hóa.

Thi đấu đẩy gậy xã Mường Hung, huyện Sông Mã.

Thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã, bản, chị Lường Thị Thu, đội trưởng đội văn nghệ bản Phèn Sàng, xã Mường Lầm, chia sẻ: Đội văn nghệ bản có 6 thành viên, mỗi khi xã phát động phong trào, ai cũng hăng hái tham gia, từ chị em phụ nữ, thanh niên cho đến các cụ cao tuổi. Chúng tôi không chỉ gìn giữ điệu xòe, lời ca, tiếng hát truyền thống, mà còn sáng tạo thêm nhiều tiết mục mới, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Còn tại xã Chiềng Cang, có 2.751 hộ, thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú cùng sinh sống. Ông Cầm Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân quan tâm thực hiện. Hiện nay, xã có 25 đội văn nghệ bản, 5 đội văn nghệ xung kích và 1 câu lạc bộ văn hóa người cao tuổi. Các lễ hội cầu mùa, mừng cơm mới, mừng nhà mới; các làn điệu dân ca ru con, hát đối đáp, các điệu xòe cổ được phục dựng, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Đội văn nghệ bản Phèn Sàng, xã Mường Lầm, huyện Sông Mã, phục dựng điệu múa khăn Piêu.

Với phương châm văn hóa vừa là mục tiêu và vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ông Vũ Trường Minh, Phó trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Sông Mã, chia sẻ: Đến nay, toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 16/19 xã, thị trấn, 286/314 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa; 86 bản, tổ dân phố có sân thể thao; 178 đội thể thao, 314 đội văn nghệ. Năm 2024, toàn huyện có 66,1% số gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; 40,1% số bản, tổ dân phố được công nhận bản, tổ dân phố văn hóa.

CLB văn hóa người cao tuổi bản Chiềng Cang, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã trình diễn điệu múa khăn Piêu.

Đổi thay dễ nhận thấy từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa là việc nhân dân đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Các cơ quan, đơn vị tích cực hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng môi trường làm việc văn hóa, văn minh. Các phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Học tập, lao động sáng tạo”, “Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến”... được triển khai sâu rộng, nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.     

Cùng với đó, huyện thường xuyên quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở. Từ năm 2023 đến nay, từ nguồn kinh phí của các chương trình, dự án, cùng với sự đóng góp của nhân dân, huyện đã sửa chữa và xây mới 2 nhà văn hóa xã, 92 nhà văn hóa bản. Đến nay, huyện có 1 sân vận động, 1 thư viện cấp huyện; 8/19 xã, thị trấn có nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn; 96/314 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt tiêu chí; 30% dân số tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; 22,5% số hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể thao; duy trì 178 câu lạc bộ thể dục thể thao.

Nhà văn hóa bản Huổi Khoong, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Tòng Văn Tươi, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pát, xã Bó Sinh, chia sẻ: Cuối năm 2024, nhà văn hóa bản được đầu tư xây dựng, giúp các đội văn nghệ của bản có nơi để tập luyện, giao lưu văn nghệ trong những ngày lễ, Tết và là nơi tổ chức thi đấu thể thao. Người dân trong bản phấn khởi, có điều kiện vui chơi, rèn luyện sức khỏe, tạo sự gắn bó, đoàn kết, phát huy “tình làng, nghĩa xóm”.

Phát huy những kết quả đạt được, huyện Sông Mã tập trung huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, cơ sở; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa, đoàn kết xây dựng quê hương phát triển.

Minh Ngọc (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới