Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng ở Sông Mã

Đời sống nhân dân được nâng cao, các hoạt động văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Sông Mã duy trì, phát triển, đáp ứng nhu cầu tinh thần và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong chuyến công tác về xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, chúng tôi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ do đội văn nghệ bản Mé Bon biểu diễn mừng lễ hội Xên bản. Các tiết mục được chị em chuẩn bị kỹ lưỡng, từ trang phục, đạo cụ đến các điệu múa.

Chị Vì Thị Hà, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Đội trưởng đội văn nghệ bản Mé Bon, cho biết: Đội có 10 thành viên, chúng tôi chủ yếu biểu diễn các tiết mục múa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được các mẹ, các chị truyền dạy. Ngoài ra, đội còn sưu tầm cải biên một số bài hát, điệu múa qua mạng Internet để làm phong phú thêm các điệu múa dân tộc, tuyên truyền cho nhiều người biết về truyền thống văn hóa dân tộc mình.

Một tiết mục văn nghệ của đội văn nghệ bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, Sông Mã. 

Bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương có 2 đội văn nghệ của người cao tuổi và chi hội phụ nữ. Anh Quàng Văn Giới, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm dân tộc hoặc bản tổ chức ngày đại đoàn kết, 2 đội văn nghệ đều tham gia biểu diễn. Ngoài ra, bản còn giao lưu văn nghệ với một số bản lân cận của nước bạn Lào vào Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng 3/3, Ngày Tết nguyên đán và Tết Lào. Văn nghệ quần chúng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống dân cư, phục vụ nhu cầu văn hóa văn nghệ của bà con.  

Hiện nay, huyện Sông Mã có 331 đội văn nghệ quần chúng, với hơn 3.000 diễn viên, hạt nhân văn nghệ tại các bản, cơ quan, đơn vị, trường học. Mỗi đội có từ 8 đến 12 người. Ngoài được hỗ trợ 2 triệu đồng/đội văn nghệ bản/năm theo nghị quyết của HĐND tỉnh, các đội còn tự đóng góp kinh phí, mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn. Nhiều thành viên đội văn nghệ có khả năng sáng tác và dàn dựng các tiết mục văn nghệ, các tiểu phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu thưởng thức của nhân dân ở cơ sở.

Tiết mục múa xòe của đội văn nghệ quần chúng xã Nà Nghịu. 

Hằng năm, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho những người làm công tác văn hóa, văn nghệ ở các xã, thị trấn, các hạt nhân văn nghệ ở bản và các cơ quan, đơn vị. Định kỳ tổ chức các cuộc thi, hội diễn văn nghệ quần chúng cấp xã, cấp huyện, qua đó phát hiện tài năng văn nghệ để bồi dưỡng, bổ sung cho đội văn nghệ của huyện. Các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số do những nghệ nhân, diễn viên quần chúng trình bày đã tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với người xem. Đồng thời, kết hợp duy trì và phát triển múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái; múa khèn, thổi sáo, ném pao, tu lu của dân tộc Mông, múa ver guông của dân tộc Khơ Mú. 

Đội văn nghệ bản Lọng Lót, xã Mường Sai, huyện Sông Mã biểu diễn văn nghệ tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Bên cạnh đó, huyện đã tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa, trang bị ánh sáng, hệ thống âm thanh và các thiết bị phụ trợ, cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Hiện nay, toàn huyện có 321 nhà văn hóa bản, riêng giai đoạn năm 2021-2022, huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 25 nhà văn hóa, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.

Tiết mục văn nghệ của Trường THCS xã Nà Nghịu. 

Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện Sông Mã đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, gắn bó trong cộng đồng, cổ vũ, khích lệ nhân dân tích cực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới