Bên cạnh lực lượng thanh niên có trình độ học vấn, sức khỏe, năng động, sáng tạo, có ý chí vươn lên, vẫn còn một bộ phận đoàn viên, thanh niên lười học tập, lao động, mắc các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng xã hội. Trước thực tế đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, tạo chuyển biến trong nhận thức và ý thức phòng, chống tệ nạn xã hội trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) về phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH), với nhiều hình thức, như: Hội nghị, nói chuyện chuyên đề; đăng tải tin bài tuyên truyền trên trang mạng xã hội của các cơ sở đoàn; tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật; treo băng rôn, khẩu hiệu, pano áp phích về phòng, chống TNXH.

Từ năm 2022 đến nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đăng tải 49 tin bài tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, TNXH trên mạng xã hội của tổ chức đoàn các cấp. Tổ chức 538 buổi tuyên truyền, giáo dục, hoạt động tại các trường học, cơ sở đoàn, thu hút 37.504 lượt ĐVTN tham dự. Biên tập, in ấn, phát 52.282 tờ rơi, tờ gấp, tài liệu và căng treo 2.089 băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích tuyên truyền về phòng, chống tội phạm tại các nơi công cộng, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về TNXH trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn đã xây dựng và duy trì hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ: “Thắp sáng niềm tin”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS”; “Thanh thiếu niên trường học không mắc tệ nạn xã hội”; tư vấn, trợ giúp pháp lý cho đoàn viên thanh niên... Riêng Đoàn thanh niên Công an tỉnh xây dựng mô hình tuyên truyền giáo dục pháp luật qua mạng xã hội với hình thức Sổ tay điện tử tố giác tội phạm. Hiện nay, toàn tỉnh có 195 mô hình tuyên truyền lưu động, 91 CLB, tổ, đội, nhóm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, duy trì hoạt động với 22.134 ĐVTN tham gia.

Là các xã biên giới của huyện Mộc Châu, Chiềng Sơn, Chiềng Khừa là những địa bàn khá phức tạp về các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Tháng 3/2023, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với một số đơn vị triển khai mô hình “Xây dựng khu dân cư không có thanh, thiếu niên mắc TNXH” tại 2 xã.
Chị Trần Thị Đức, Bí thư Đoàn xã Chiềng Sơn, thông tin: Đoàn xã đã phối hợp với Công an xã tổ chức cho các hộ gia đình trong khu dân cư tại tiểu khu 5 có con em trong độ tuổi từ 9 đến 30 tuổi và 100% ĐVTN trong tiểu khu ký cam kết phối hợp quản lý, giáo dục thanh thiếu niên không phạm tội và không mắc TNXH. Thành lập Đội thanh niên xung kích bảo vệ ANTT; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và các hệ lụy, tác hại của rượu, bia, thuốc lá và ma túy trong đoàn viên, thanh thiếu niên… Đồng thời, tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, xây dựng lối sống lành mạnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.

Mô hình “Phiên tòa giả định” do Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Sông Mã tổ chức tại các trường học trong huyện đã giúp các thanh, thiếu niên nhận thức về hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật. Chị Hà Thị Phương Linh, Phó Bí thư Liên Chi đoàn Viện Kiểm sát nhân dân huyện - Tòa án nhân dân huyện, chia sẻ: Bằng hình thức sân khấu hóa, phiên tòa giả định dựa trên một bản án có thật về các tội phạm như ma túy, cờ bạc, mại dâm được tái hiện giúp ĐVTN hiểu hơn các quy định pháp luật, gắn vào những tình huống, vụ việc cụ thể trong đời sống hàng ngày. Đây là cách tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực quan, dễ hiểu, tác động vào ý thức và phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật trong ĐVTN. Trong 6 tháng đầu năm, Chi đoàn đã phối hợp tổ chức 4 phiên toàn giả định tại các trường học.
Bên cạnh đó, các cấp bộ đoàn trong tỉnh còn quan tâm thực hiện công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 75 hoạt động đồng hành, hỗ trợ, chăm lo cho đối tượng thanh niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, thanh niên hoàn lương, thanh niên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; 3 hoạt động giao lưu, định hướng lối sống cho thanh niên phạm pháp trong thời gian cải tạo, giam giữ tại các trại giam. Có 11 thanh niên yếu thế được hỗ trợ có việc làm ổn định; 80 thanh niên sau cai nghiện được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Anh Nguyễn Duy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Phát huy vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thực hiện phòng, chống TNXH, Tỉnh đoàn tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới, đa dạng hình thức truyền thông, trong đó chú trọng xây dựng các ấn phẩm tuyên truyền trực quan. Duy trì, nhân rộng các mô hình CLB, tổ, nhóm thanh niên xung kích trong trường học, khu dân cư, nhằm ngăn ngừa, giảm tác hại của các loại TNXH. Tổ chức hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, phù hợp với từng lứa tuổi, tạo sân chơi bổ ích, giúp các bạn trẻ tránh xa các TNXH.
Cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, của gia đình, bản thân mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên cần tự nhận thức, rèn luyện và xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tích cực, góp sức ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ra khỏi cộng đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!