Đưa dân vũ dân gian vào đời sống đương đại

Các dân tộc ở Sơn La có những điệu dân vũ được hình thành từ lâu đời và có sức sống bền vững cùng thời gian. Mỗi điệu nhảy, điệu múa được sinh ra từ chính cuộc sống đời thường, phản ánh nét đẹp trong sinh hoạt, sản xuất của đồng bào, không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần mà mang nhiều ý nghĩa tâm linh và gắn kết cộng đồng dân tộc.

Giọng nam
Múa xòe gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.

Nói đến các điệu dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Sơn La hay Tây Bắc, phải kể đến điệu xòe của dân tộc Thái với những động tác nhịp nhàng, kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã, sôi động, có sức lan tỏa và thu hút đặc biệt. Mỗi dịp lễ, Tết, điệu xòe thương nhau, điệu xòe đoàn kết luôn được trình diễn trong không gian sống động của ngày hội, mời gọi mọi người về tụ hội, cùng nắm chặt tay nhau nối rộng vòng xòe. Năm 2021, "Nghệ thuật Xòe Thái" đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, càng khắc sâu thêm niềm tự hào về một di sản văn hóa đã có từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Thái.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, người tâm huyết với các loại hình trình diễn dân gian dân tộc Thái, chia sẻ: Xòe Thái gắn liền với đời sống bà con các bản làng từ bao đời nay, nên dù có đi đâu, ở đâu, bà con vẫn luôn giữ nếp sinh hoạt cộng đồng, cùng đoàn tụ, múa xòe, đánh trống, chiêng rộn ràng mỗi dịp lễ hội hay Tết đến. Cũng nhờ thế mà bản làng ngày thêm đoàn kết, gắn bó để cùng nhau xây dựng quê hương.

Điệu xòe bên sông Đà.

Cộng đồng các dân tộc ở Sơn La còn có nhiều điệu dân vũ độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Tiêu biểu như: Điệu múa chuông rộn ràng, sôi động của dân tộc Dao; điệu nhảy Tha Kềnh với bước chân nhịp nhàng, điêu luyện trong tiếng khèn cuốn hút của dân tộc Mông; hay múa “Au Eo”, “Hưn Mạy”, “Tăng Bu” của dân tộc Khơ Mú, La Ha... với vũ điệu uyển chuyển, thướt tha, làm say đắm lòng người. Những điệu dân vũ dân gian ấy được đồng bào gìn giữ như một phần không thể tách rời trong nền văn hóa lâu đời của các dân tộc, gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh và đời sống tinh thần của mỗi cộng đồng dân tộc cùng chung sống từ bao thế hệ.

Điệu múa chuông của dân tộc Dao.

Ngày nay, các điệu dẫn vũ dân gian không chỉ được đồng bào gìn giữ mà còn được phát huy giá trị, làm phong phú đời sống tinh thần và góp phần quan trọng vào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Trong đó, có thể thấy rõ nhất là các điệu dân vũ được phát triển thành những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc được các đội văn nghệ bản luyện tập, biểu diễn giao lưu. Trên cơ sở đó, hoạt động văn nghệ quần chúng tại các địa phương được khuyến khích phát triển, có chính sách hỗ trợ về đạo cụ, trang phục, tập huấn biên đạo múa, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ cơ sở. Hơn 2.000 đội văn nghệ quần chúng trong toàn tỉnh là những nhân tố tích cực, giúp lan tỏa nét đẹp của dân vũ dân tộc, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ tại cơ sở, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống.

Mộc Châu là địa phương có hoạt động văn nghệ quần chúng tiêu biểu với hơn 300 đội tại các bản, tiểu khu, đơn vị, trường học. Trong đó, phải kể đến các đội văn nghệ ở những bản du lịch cộng đồng, các đội nghệ nhân dân gian dân tộc Mông của tiểu khu Pa Khen, thị trấn Nông trường Mộc Châu; đội nghệ nhân dân tộc Dao của bản Piềng Sàng, xã Phiêng Luông; đội nghệ nhân dân tộc Thái của xã Đông Sang, Mường Sang… Các tiết mục, chương trình biểu diễn các các đội mang đậm bản sắc đã và đang hình thành nên sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách khi đến Mộc Châu.

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Huyện chú trọng phát triển các đội văn nghệ quần chúng, xây dựng các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc tại các sự kiện lớn kết hợp với ẩm thực dân tộc, sản phẩm lưu niệm từ trang phục dân tộc, thổ cẩm truyền thống…, thu hút du khách đến với Mộc Châu.

Điệu nhảy Tha Kềnh dân tộc Mông.

Các điệu dân vũ truyền thống cũng luôn là hoạt động không thể thiếu tại các sự kiện văn hóa - du lịch của tỉnh, huyện. Từ chương trình nghệ thuật đến phần trình diễn văn hóa cộng đồng luôn tạo không gian sôi động, kết nối mọi người về dự hội cùng hòa mình vào không khí náo nức của sự kiện, xây dựng nên một hình ảnh Sơn La giàu bản sắc văn hóa, thân thiện và gần gũi. Không chỉ vậy, dân vũ dân gian là chất liệu quý giá, khơi gợi ý tưởng tác sáng tạo cho các nghệ sĩ sáng tác nên những tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp, giàu chất lượng nghệ thuật.

Nghệ sĩ ưu tú Trung Hưng, biên đạo múa Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh, chia sẻ: Múa dân gian các dân tộc được coi là linh hồn trong các tác phẩm biểu diễn chuyên nghiệp của Nhà hát, tạo nên nét đặc trưng riêng có và cũng là thế mạnh của đơn vị mỗi khi tham gia các chương trình, hội diễn toàn quốc. Hơn 70 năm hoạt động, Nhà hát luôn quan tâm, phát triển các điệu múa truyền thống mang bản sắc của đồng bào các dân tộc ở Sơn La. Chất liệu dân gian được khai thác triệt để, tạo nên những nét mới lạ với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố hiện đại với múa dân tộc thành tác phẩm hài hòa, chỉnh thể, truyền tải được ý nghĩa, thông điệp người dàn dựng muốn hướng đến, mà không làm mất đi tinh thần dân gian trong đó.

Tiết mục biểu diễn mang đậm bản sắc dân tộc của Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh.

Công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, trong đó có các điệu dân vũ dân gian được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường thực hiện. Thường xuyên mở các lớp tập huấn truyền dạy về dân ca, dân vũ, dân nhạc cho cộng đồng dân cư ở cơ sở các xã, bản, đặc biệt trú trọng vào thế hệ trẻ, trong đó, tập hợp đội ngũ nghệ nhân trực tiếp tham gia truyền dạy bằng biện pháp truyền tay đối với dân vũ, truyền miệng đối với dân ca và truyền vai đối với dân nhạc. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống của chính đồng bào, những người nắm giữ di sản. Đồng thời, tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ nghệ sĩ nghiên cứu, sử dụng chất liệu dân ca, dân vũ, dân nhạc dân tộc trong sáng tác tác phẩm nghệ thuật.

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc Khơ Mú phục vụ khách du lịch tại Chợ đêm - Phố đi bộ Mộc Châu.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đang triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2030, với các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động các loại hình trình diễn, biểu diễn mang bản sắc dân tộc theo định hướng xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo, có ý nghĩa, xây dựng hình ảnh văn hóa Sơn La giàu sức hút đối với du khách.

Những cố gắng, nỗ lực của những người làm công tác quản lý văn hóa và chính đồng bào các dân tộc đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy và đưa dân vũ dân gian vào đời sống đương đại. Để từ đó, dân vũ dân tộc giữ được giá trị cốt lõi, luôn là một phần quan trọng của văn hóa nguồn cội, gắn kết cộng đồng và làm đẹp cho cuộc sống.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, tặng quà tết huyện Sông Mã

    Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh thăm, tặng quà tết huyện Sông Mã

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/1, đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến kiểm tra, nắm tình hình, thăm và tặng quà huyện Sông Mã dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Cùng đi có đồng chí Hoàng Thị Đôi, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/1/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/1/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định, sau suy yếu và di chuyển dần ra phía Đông, kết hợp với trường phân kỳ gió trên cao hoạt động yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ ổn định. Thời tiết: Mây thay đổi, không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm. Trưa chiều giảm mây trời nắng.
  • 'Gala “Tự hào sinh viên Sơn La”

    Gala “Tự hào sinh viên Sơn La”

    Văn hóa - Xã hội -
    Nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống học sinh, sinh viên và Hội Sinh viên Việt Nam (9/1/1950 - 9/1/2025), ngày 5/1, tại Trường Đại học Tây Bắc, Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh đã tổ chức chương trình Gala “Tự hào sinh viên Sơn La”, tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh năm 2024 và nhạc hội thanh niên, sinh viên chào Xuân 2025.
  • 'Khánh thành “Trường đẹp cho em”

    Khánh thành “Trường đẹp cho em”

    Xã hội -
    Ngày 5/1, Tỉnh đoàn Sơn La phối hợp với Trung tâm thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam, Dự án sức mạnh 2000, tổ chức khánh thành “Trường đẹp cho em” tại điểm trường Tảo Ván và Chông Du Tẩu, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Chiềng Công, huyện Mường La.
  • 'Sáng mãi tinh thần bất khuất, kiên cường của Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá

    Sáng mãi tinh thần bất khuất, kiên cường của Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá

    Nhân vật - Sự kiện -
    Anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá, sinh năm 1919, tại bản Cọ, xã Chiềng An, châu Mường La (nay thuộc thành phố Sơn La) trong một gia đình nông dân nghèo. Lớn lên trong cảnh quê hương lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, anh đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng của Đảng được lan tỏa từ Nhà tù Sơn La.
  • 'Chương trình "Đông ấm, xuân tình nguyện"

    Chương trình "Đông ấm, xuân tình nguyện"

    Xã hội -
    Ngày 5/1, Cụm thi đua số 1 Huyện đoàn Phù Yên, gồm thị trấn Quang Huy, xã Huy Bắc, xã Huy Hạ, xã Huy Thượng, xã Huy Tân, đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện và Câu lạc bộ thiện nguyện Cỏ Ba Lá tổ chức Chương trình “Đông, Xuân tình nguyện” tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở bản Sáy Tú, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên.