Đổi thay trên vùng quê cách mạng

Đầu năm mới, chúng tôi trở lại vùng đất Phù Yên đứng trên đồi thông Noong Cốp xanh mướt, rì rào, phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn huyện với nhiều công trình khang trang, hiện đại; xa xa là dòng suối Tấc uốn lượn, bao quanh cánh đồng Mường Tấc rộng lớn, màu mỡ..., cảm nhận sự đổi thay, sức bật mạnh mẽ trên vùng quê cách mạng sau 70 năm giải phóng.

Trung tâm huyện Phù Yên hôm nay.

Cách đây 70 mùa xuân, vào ngày 18/10/1952, với khí thế cách mạng của cả nước, quân dân huyện Phù Yên nhất tề nổi dậy chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương. Phù Yên là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng trong Chiến dịch Tây Bắc của quân và dân ta. Thời gian trôi qua, nhiều địa danh lịch sử ghi dấu trong kháng chiến chống thực dân Pháp như: đèo Lũng Lô huyền thoại - tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa; khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù nơi ghi dấu những bước chân thần tốc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những đoàn quân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, vẫn trường tồn với thời gian. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng, người dân địa phương đã đặt cho khu rừng với những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Di tích lịch sử cấp tỉnh Khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù đã trở thành địa chỉ đỏ tri ân, tưởng niệm công lao to lớn của Đại tướng và đoàn quân năm xưa.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng nghìn thanh niên huyện Phù Yên lên đường nhập ngũ, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam và các tỉnh Bắc Lào. Sau hai cuộc chiến tranh, quân và dân Phù Yên vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 tập thể, 5 cá nhân; 35 bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 666 liệt sỹ; 403 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 100 bệnh binh, trên 3.000 người có công với nước, 3.880 huân, huy chương các hạng cho các tập thể, cá nhân.

Bước qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, huyện Phù Yên tiếp tục giành được nhiều thắng lợi trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Dấu ấn đậm nét là việc thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư thủy điện Hòa Bình theo chủ trương của Đảng và Nhà nước “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc” năm 1979. Trong đó, có 11 xã ảnh hưởng trực tiếp, hơn 1.000 ha ruộng, nương, cây công nghiệp nằm dưới lòng hồ; 2.419 hộ dân phải di vén và chuyển đi nơi ở mới...

Cả đời người gắn bó với bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất Phù Hoa, đồng chí Cầm Thủy, nguyên Quyền Bí thư huyện ủy Phù Yên từ tháng 2/1981 đến tháng 10/1982, kể lại: Ngày đó, cán bộ huyện bám sát cùng bà con vừa tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển đến nơi ở mới. Bởi vậy, dù đời sống, kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, vất vả, đồng thời phải rời xa nơi chôn rau cắt rốn, xa mảnh đất đã bao đời gắn bó, nhưng với tinh thần “tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, vì sự phát triển của đất nước, đồng bào tự nguyện di dân đến nơi ở mới. Phù Yên bây giờ có nhiều thay đổi, cuộc sống của người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc hơn.

Phù Yên hôm nay đang tạo cho mình một sức bật mới, trên cánh đồng Mường Tấc người dân đã đưa nhiều giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; hiện đã có 130 ha trồng lúa được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ; sản phẩm gạo Phù Yên đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, nhờ vậy, giá trị và thương hiệu sản phẩm gạo đang từng bước được khẳng định, tạo sức lan tỏa sâu rộng, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nhân dân các xã vùng trọng điểm lúa. Đến vụ mùa năm 2022, đã có trên 1.300 hộ dân tham gia sản xuất lúa hữu cơ với diện tích mở rộng lên trên 340ha.

Những đồi đất cằn khô, đất nương bạc màu, nay đã phủ xanh bởi hơn 2.500 ha cây ăn quả các loại, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Phù Yên”. Phù Yên còn là điểm phát triển công nghiệp tiêu biểu của tỉnh với các công ty, xí nghiệp hoạt động ổn định, tạo việc làm và thu nhập cho hơn 3.500 lao động.

Từ một huyện nghèo còn nhiều khó khăn sau ngày giải phóng, đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, bộ mặt đô thị, nông thôn có sự phát triển vượt bậc. Phù Yên được đánh giá là một trong 4 điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2018, huyện Phù Yên đã được công nhận là huyện thoát nghèo. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo phát triển, toàn huyện có 38/67 trường đạt chuẩn Quốc gia; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, có 21/27 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới... Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư huyện ủy Phù Yên, cho biết: Có được kết quả như ngày hôm nay, có vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tháng 9 năm 1947, châu bộ Phù Yên chỉ có 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện đã có 53 chi, đảng bộ trực thuộc với 381 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở và 8.692 đảng viên. Đảng bộ huyện đã trải qua 20 kỳ đại hội với nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ngày càng khẳng định rõ nét vai trò lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Phù Yên tiếp tục nêu cao chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thực hiện thắng lợi 3 khâu đột phá, 17 nhiệm vụ trọng tâm sớm đưa Phù Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh; mang đến những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới