Bảo tồn giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số

Kho tàng văn học dân gian các dân tộc ở Sơn La – Tây Bắc đặc sắc, đa dạng về cả nội dung và thể loại, là hệ thống tri thức dân gian, di sản văn hóa có giá trị to lớn cần được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

Các hội viên Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh thảo luận về tác phẩm mới xuất bản

Mỗi dân tộc đều lưu truyền những câu truyện cổ tích, thần thoại, ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện thơ, truyện cười trong dân gian. Trong đó, có những tác phẩm lớn được lưu giữ trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Tiêu biểu đồng bào dân tộc Thái có tác phẩm như: Truyện thơ “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) - một thiên trường ca trữ tình, được coi là “Truyện Kiều” của đồng bào dân tộc Thái với 1.846 câu thơ thể tự do; truyện thơ “Khun Lú - Nàng Ủa”, cũng là một tác phẩm truyện thơ bất hủ của dân tộc Thái có nội dung chính ngợi ca về tình yêu, chứa đựng nhiều quan niệm nhân sinh và tính nhân văn trong thời đại phong kiến. Dân tộc Mông có tác phẩm “Tiếng hát làm dâu” là một di sản nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng văn học dân gian dân tộc Mông, phản ánh sinh động lịch sử và hiện thực cuộc sống cùng những nỗi niềm, khát vọng của người phụ nữ Mông trên rẻo cao trong xã hội cũ đầy hà khắc. Đồng bào Dao có bộ “tôm dung sâu” (trường ca) viết về thuở khai thiên lập địa, lưu lại các tích truyện của người Dao, các bài ca dao, dân ca về tình yêu đôi lứa, kinh nghiệm sản xuất cùng rất nhiều quyển sách khác kể về các câu truyện cổ, câu đối, lời răn, ca dao dân ca… đã được ghi lại bằng chữ nôm Dao và lưu truyền cho đến ngày nay.

Không gian văn hóa dân tộc Mông được tái hiện tại Bảo tàng tỉnh

Hiện nay đang có gần 2.000 bản tư liệu bao gồm các thể loại truyện thơ, trường ca, sử thi dân gian các dân tộc: Thái, Mường, Dao… được lưu giữ tại Thư viện tỉnh Sơn La. Cùng nhiều tư liệu sách cổ đang được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Đây là kho tư liệu có lịch sử lâu đời đặc biệt giá trị, đại diện cho kho tàng văn học dân gian các dân tộc ở sơn La.

Bà Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Bảo tàng tỉnh đã phối hợp thực hiện Đề án "Bảo quản, dịch thuật, khai thác, phát huy di sản văn hóa sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2014" và Kế hoạch Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Sách chữ Thái cổ tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2019. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu kiểm kê, lược dịch toàn bộ 1.600 cuốn sách chữ Thái cổ lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; dịch thuật hơn 200 cuốn sách có giá trị sang chữ Thái hệ unicod, phiên âm và chữ quốc ngữ; scan, số hóa được gần 1.200 cuốn sách... và thực hiện tốt công tác bảo quản, quản lý các tư liệu hiện có.

Học sinh dân tộc tìm hiểu tư liệu chữ Thái cổ trưng bày tại Bảo tàng tỉnh

Với mong muốn góp phần lưu giữ và phát huy giá trị to lớn của kho tàng văn học dân gian dân tộc, có không ít các nghệ nhân dân gian hiện nay vẫn đang miệt mài làm công tác nghiên cứu và sáng tác văn học dân tộc. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp tích cực của Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh. Ông Đinh Văn Liển, Chi hội trưởng, cho biết: Chi hội hiện có 17 hội viên, đều ở độ tuổi cao từ 60-90 tuổi. Có những hội viên đã dành hơn nửa cuộc đời cho niềm đam mê, tâm huyết nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác văn học dân tộc mà không đòi hỏi thù lao. Chi hội luôn giữ mối liên hệ thường xuyên, động viên, khuyến khích hội viên sáng tạo tác phẩm, tạo điều kiện để hội viên được phát huy sở trường, phối hợp thực hiện xuất bản, phát hành sách để phổ biến các tác phẩm nổi bật và ghi nhận, động viên sự đóng góp của hội viên.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 29/7/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 191/KH-UBND về thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Sơn La với 9 nội dung trọng tâm. Trong đó, xây dựng kế hoạch về khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số; lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn tỉnh; xuất bản ấn phẩm về các thể loại văn học dân gian… với mục tiêu giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị văn học dân gian của dân tộc.

Lớp học chữ Thái bản Lầu, phường Chiềng Lề, Thành phố

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục chủ động, linh hoạt và tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giàu bản sắc của các dân tộc, nhất là các di sản văn hóa phi vật thể. Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các chi hội chuyên ngành, các đơn vị văn hóa, văn nghệ quần chúng theo hướng chuyên nghiệp.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc trên tinh thần kế thừa và phát triển những nội dung cốt lõi, bản sắc truyền thống là giữ gìn giá trị văn hóa, tri thức ngàn đời do dân gian truyền lại, lưu giữ giá trị cội nguồn của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới