Yêu múa đến trọn đời

Là thế hệ “Vàng” khóa I - hệ 7 năm Trường Múa Việt Nam, nay là Học viện Múa Việt Nam. Năm 1959, bà Hà Thị Óng, bản Nà Phái, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên về Hà Nội học múa. 7 năm học tập tại Trường Múa Việt Nam, bà Óng được đi biểu diễn nhiều nơi, thể hiện vị trí của mình trên sân khấu chuyên nghiệp. Thời gian học tại trường, bà chăm chú tiếp thu, thẩm thấu những điều thầy, cô truyền đạt. Năm 1966, tốt nghiệp ra trường và được phân công về công tác tại Đội Văn công tỉnh Nghĩa Lộ, tiền thân của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái ngày nay.

 

Bà Hà Thị Óng (ngoài cùng bên phải) dạy múa cho hội viên người cao tuổi xã Huy Bắc, huyện Phù Yên.

Ảnh: Huy Ngoan

 

Sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, ngoài biểu diễn trên sân khấu với những tác phẩm múa dân gian dân tộc, bà Óng còn dìu dắt các thế hệ diễn viên trẻ đoàn tuyển dụng để vừa học vừa làm. Những năm tháng ấy không phải ai cũng được đào tạo bài bản chính quy ở một trường nghệ thuật chuyên nghiệp như bà. Các nghệ sĩ múa được bà đào tạo tại đoàn phải kể đến Nghệ sỹ ưu tú Phạm Đình Cải, Nghệ sỹ ưu tú Hoàng Anh Đậu, Nghệ sỹ múa Vì Ngọc Thăng, Sầm Thị Lả, Cầm Văn Tiến, Đinh Văn Nghĩa, Đinh Xuân Tương, Hà Huy Cự... Sau này, bà chuyển sang công tác giảng dạy, đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Sơn La, năm 1989, bà nghỉ chế độ hưu trí.

Trở về quê hương, năm 1994, bà tham mưu thành lập Đội văn nghệ thanh niên bản Nà Phái, xã Huy Bắc, huyện Phù Yên. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, bà đảm nhiệm vai trò phụ trách và dìu dắt đội văn nghệ bản mình tập luyện những điệu múa dân gian dân tộc: Thái, Mường, Dao, Mông, Kinh... phục vụ nhiệm vụ chính trị của huyện và tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn cấp xã, huyện, tỉnh, giành nhiều huy chương và giải thưởng cao. Năm 1996, bà tham mưu mở lớp năng khiếu múa cho các cháu thiếu nhi. Năm 2012, bà đề nghị mở thêm lớp múa tạo nguồn để lựa chọn các cháu có năng khiếu múa, hướng cho các cháu vào các trường văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.

Chứng kiến bà Óng tận tình chỉ bảo từng động tác múa cho thế hệ sau, mới cảm nhận được niềm đam mê múa, mong muốn giữ gìn, không để mai một các điệu múa truyền thống của bà. Những động tác múa, những giai điệu của âm nhạc dân gian dân tộc đã ngấm vào tim, trở thành tâm huyết, khát khao truyền dạy cho biết bao thế hệ trẻ.

Ghi nhận những cống hiến, bà Óng vinh dự được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huy chương chiến sĩ Văn hóa do Bộ Văn hóa và Thông tin trao tặng năm 1981; Huy chương vì sự nghiệp nghệ thuật múa Việt Nam năm 2000; được Đảng và Nhà nước tôn vinh danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2016.

Lò Hải Lam (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới