Lịch trình đi thực tế tại cơ sở của Trại sáng tác văn học – nghệ thuật tỉnh đợt 1 năm 2023 này được Ban tổ chức thu xếp 5 ngày. Điểm đến là hai xã vùng III – Chiềng La và Mường É, huyện Thuận Châu.
Đã từng rong ruổi khắp các vùng miền của khu vực Tây Bắc, nhưng với Chiềng La, đây là lần thứ hai tôi đến sau hơn 50 năm (tháng 9/1969) biền biệt đi xa.
CHIỀNG LA NGÀY MỚI
Lục tìm trong kí ức ngày xưa, Chiềng La là xã nằm xa trung tâm huyện lỵ Thuận Châu. Nơi đây từng là điểm sơ tán của Bệnh viện và Trường y tế khu Tây Bắc những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá bằng máy bay trên khắp miền Bắc (1964-1973). Cả xã có 6 bản, gồm Chiềng La, Chiềng Cang, bản Nưa, Lả Lốm, bản Song và Cát Lót… với 4 dân tộc: Thái, Khơ Mú, La Ha và Kinh.
Xưa muốn đến Chiềng La, chỉ một con đường từ ngã ba Chiềng Pấc vào qua Nong Lay mới đến thung lũng trũng thấp này. Đường đi ngày ấy nhỏ hẹp, nhiều đoạn lầy lội. Mùa mưa, khắp các bản trong xã gần như bị cô lập bởi nước từ Chiềng Pha đổ về.
Những mó nước mang tên Bó Cưm (mỏ nước lạnh), Bó Co Củ (mỏ cây sấu) và Bó Phát (mỏ cây nhội) thi nhau đùn nước làm ngập thêm những thửa ruộng, vạt nương, ao cá với bốn bề vách đá bao quanh. Bởi thế, không biết tự bao giờ, người dân Thái Chiềng La thuộc lòng câu khắp “Phôn tốc, tay bản Chộ (Chiềng Pha) nằng kìn lảu xắn khà/ Tay Chiêng Là hốm pha non hảy”. Dịch nghĩa là “Mưa rơi, người bản Chộ ngồi rung đùi uống rượu. Người Chiềng La đắp chăn nằm khóc”.
Bởi, bản Chộ - Chiềng Pha là vùng đất khô hạn, mong có mưa để có nước làm ruộng. Mưa càng to, người bản Chộ càng mừng, ngồi rung đùi uống rượu. Trong khi dân Chiềng La chịu cảnh ngập úng, ruộng, vườn, ao cá thất thu… họ chỉ còn biết nằm đắp chăn mà khóc!
Trở lại Chiềng La bây giờ, tôi như đi lạc vào miền "cổ tích" tươi màu ấm no, hạnh phúc. Một sự trùng hợp “nên duyên” giúp tôi cởi bỏ được hết những băn khoăn, ám ảnh khi nói tới Chiềng La ngày nào. Ấy là tôi trở thành “trại viên” trẻ nhất (!), lần đầu tiên được tham dự trại khi tuổi đã “thất thập cổ lai hy”. Lại càng “duyên” khi được trở về miền đất hơn 50 năm trước tôi đã từng đến công tác và như thế, sự so sánh không cần phải cân đong, đo đếm. Chỉ với mắt thường, gặp lại những ông, bà ở độ tuổi như tôi, mọi đổi thay đều được họ chứng kiến, ghi nhớ, hôm nay có dịp tâm sự, giãi bày...
Đánh dấu sự đổi thay đầu tiên là năm 2004. Sở Nông Nghiệp - Phát triển thôn tỉnh Sơn La với dự án thoát lũ cho Chiềng La ngày ấy đã xẻ núi, đào kênh dài trên 5 km dẫn nước ngập úng theo con kênh ra tận Chiềng Ngàm. 2 phần 3 con kênh được làm nắp bê tông đậy trên để tránh đất đá bồi lấp. Có đoạn (qua khe núi) nhìn từ trên bản Lả Lốm xuống sâu đến 100m.
Hồ Nong La - nơi có ba mỏ nước phun trào, nay được xây thành hồ chứa, điều tiết thủy lợi. Phía trên bờ, dưới chân núi Pom Hua Bó và Pom Loi Luông là Trạm cấp nước sạch nông thôn. Nước từ hồ Nong La bơm lên trạm, được xử lý thành nước sạch, chuyển đi phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân các bản.
Ngoài đặc sản cá đã thành thương hiệu của Chiềng La, bà con các bản bây giờ trồng rất nhiều chuối. Cây chuối không cho quả, nhưng cây phát triển nhanh và trở thành thức ăn cho gia súc, gia cầm. Bạt ngàn quanh nhà, leo lên sườn đồi, bờ ao… đâu cũng là chuối. Vì vậy, sẽ không quá khi nói đặc sản Chiềng La là 2 chữ “C+C” (Chuối + cá). Và đoạn tuyệt với cảnh đắp chăn nằm khóc mỗi khi mưa lũ tràn về. Năm 2023 này, Chiềng La phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đến Chiềng La bây giờ không chỉ con đường từ huyện hoặc tỉnh về qua Chiềng Pấc rẽ vào. Một con đường nhựa, tuy còn khá nhỏ hẹp, nhưng ngắn hơn và thuận tiện hơn, nối trung tâm xã đến phố huyện, không đầy 30 phút đi xe ô tô theo quốc lộ 6 lên Pha Đin, đoạn qua Chiềng Pha rẽ phải. Anh Trường, “cán bộ đường lối”, tay lái lụa lái chiếc xe ca 29 chỗ ngồi đưa đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế lần này cho biết: Đường ô tô nối các xã của Thuận Châu ngày nay rất thuận tiện. Tuyến huyện lỵ lên Mường É - Chiềng Bôm - Long Hẹ - Co Mạ đã thông thoáng 4 mùa.
MƯỜNG É TRONG TÔI…
Gần 15 năm sau ngày nghỉ hưu, nay tôi mới có dịp trở lại Mường É. Lộ trình huyện lỵ Thuận Châu - Mường É do tôi đề xuất, được Trưởng ban tổ chức Trại sáng tác và anh chị em trại viên đồng tình, bổ sung đỉnh đèo Pha Đin - Trạm phát sóng FM của VOV - thêm một điểm đến.
Còn nhớ năm 2002, tôi đã dẫn đoàn cán bộ Trung tâm kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam lên Pha Đin khảo sát điểm đặt cột phát sóng cùng trạm kỹ thuật thu, phát sóng FM. Công trình khánh thành tháng 5/2004, đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. Suốt từ đó đến nay, cán bộ, kỹ thuật của VOV Tây Bắc đã thay phiên trực phát sóng. Hằng ngày đều đặn tiếp phát 19 giờ 30 phút các chương trình phát thanh của Đài TNVN và ba thứ tiếng Thái, Dao, Mông; ca nhạc các dân tộc thiểu số… do Cơ quan thường trú VOV Tây Bắc sản xuất. 5 năm trở lại đây, bộ phận kỹ thuật trực trạm thuộc quản lý của Trung tâm Kỹ thuật phát thanh - Truyền hình Đài TNVN.
Quanh trạm phát sóng FM của VOV, đèo Pha Đin bây giờ đổi thay từng ngày. Những nhà hàng, vườn hoa nổi lên, đông vui, tấp nập, phục vụ nhu cầu của khách du lịch thập phương trên con đường giao thông các tỉnh trong cả nước qua Sơn La, lên Điện Biên, Lai Châu…
Huyện Thuận Châu đã quyết định đầu tư Khu du lịch Pha Đin, hứa hẹn một ngày không xa, du lịch tâm linh, vườn hoa, cây cảnh trên cung đèo Pha Đin sẽ là điểm đến hấp dẫn nhiều du khách.
Chia tay Pha Đin, đoàn chúng tôi xuôi về Mường É.
Đoạn đường từ huyện lên Mường É chưa đầy 30km nhưng quanh co, đèo dốc. Trên đèo Pha Đin nhìn xuống, Mường É lọt thỏm giữa núi đồi bao quanh. Nơi đó, một thời - những năm 1980 - 1995, nhiều gia đình khốn khó bởi nạn trồng và hút thuốc phiện.
Nơi đó, có một ông từng là trưởng công an xã, lên phó chủ tịch, chủ tịch UBND xã vẫn hút thuốc phiện. Nhưng nhờ quyết tâm “làm trong sạch mình”, sau 8 năm cai nghiện, ông đã trở lại cương vị chủ tịch, cùng cán bộ xã quyết liệt vận động, kết hợp cả những phương pháp cai nghiện truyền thống và bắt buộc… góp phần làm trong sạch địa bàn.
Ông cũng đã từng được về Hà Nội báo cáo điển hình trước hội nghị toàn quốc, biểu dương gương sáng công tác an ninh, trật tự xã hội. Từng được nêu gương trong bài viết “Anh Khổ - Sướng” in trong tập bút ký “Ả phù dung” do Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy, Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2002… Ông tên là Bạc Cầm Khổ, sinh năm 1953.
Và, dịp trở lại Mường É này, tôi đã đến thăm ông Khổ tại nhà riêng cùng vợ con và các cháu của ông ở bản Chiềng Ve.
Ở tuổi 71, ông Khổ vẫn giữ được dáng khỏe khoắn, cao ráo của một lão nông đã trải qua nhiều biến cố cuộc đời. Cứ nhìn cơ ngơi của gia đình ông bây giờ, ai trong xã này cũng kính phục. Mới gặp, ông không nhớ ra tôi. Nhưng khi tôi nhắc lại chuyện 20 năm trước ông đã từng giúp VOV Tây Bắc làm thủ tục lấy cả quả đồi xây Trạm phát sóng FM trên đỉnh đèo Pha Đin; đã vài lần đến nhà ông nghỉ ngơi, cơm nước… Lúc đó, ông mới “À” lên một tiếng và nhắc mãi câu “Nhớ rồi … nhớ rồi”!
Cô con gái thứ hai của ông Khổ tự tay lái chiếc xe ô tô hiệu Toyota - Vios màu đen đưa tôi và hai anh trong đoàn về nhà thăm bố. Trên đường về, cô gái kể: Bố con tên là Khổ. Mong cho con cái sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn, nên ông đặt tên cho 4 chị em con là Nhàn, Nhã, Như, Thế. Trong đó, có mỗi em Thế là con trai. Con là thứ hai trong ba chị em gái. Hiện con làm công tác văn hóa xã hội của xã Mường É. Chiếc xe này do chúng con tự mua. Con đã từng lái về tận Bắc Giang, Hải Dương và nhiều nơi khác trong nước. Con mong có được nhiều dịp đón bác cùng các cô chú về thăm gia đình, bản Chiềng Ve và xã Mường É.
Thế đấy! Một cô gái Thái trắng trẻo, lưng eo, dịu dàng, khéo léo trong công việc, tự tay lái xe đón bạn của bố về thăm gia đình. Hình ảnh ông Khổ và các con ông ngày này của năm Quý Mão còn mãi trong tôi.
*Phôn tốc: Nghĩa tiếng Thái là mưa rơi
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!