Ứng dụng công nghệ số bảo tồn trang phục truyền thống

Cuộc sống hiện đại và sự du nhập, giao thoa văn hóa đang làm mai một và biến đổi các yếu tố văn hóa bản địa mạnh mẽ. Ứng dụng công nghệ số 4.0 là giải pháp hiệu quả trong bảo tồn giá trị và bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam.

Vẻ đẹp trang phục đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.
Vẻ đẹp trang phục đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam.

Kho di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam khá đa dạng và độc đáo, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Bên cạnh tiếng nói, chữ viết, lễ hội văn hóa, phong tục tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống, trang phục là một tài sản vô giá, là dấu hiệu nhận diện, phân biệt các dân tộc và nhóm địa phương.

Trang phục của đồng bào có thể coi là tác phẩm nghệ thuật tổng hòa các yếu tố tạo hình, kỹ thuật thủ công, mầu sắc và tri thức dân gian, chứa đựng nhiều câu chuyện về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là biểu đạt, kết tinh tinh hoa văn hóa tộc người.

Tuy nhiên, những nét đẹp độc đáo, bản sắc trên trang phục truyền thống các dân tộc nói chung đều đang biến đổi, cải biên. Phần lớn trang phục truyền thống không còn được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, nhiều y phục không còn nguyên gốc, thậm chí đã biến mất khỏi cộng đồng đối với những nhóm dân tộc ít người.

Nguyên nhân này xuất phát từ nhận thức của chính chủ thể văn hóa và sự phát triển của xã hội, trong đó có sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến các cộng đồng dân cư. Sự giao lưu và ảnh hưởng văn hóa làm thay đổi lối sống và trang phục của đồng bào. Nhiều người ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình do vướng víu, bất tiện, không phù hợp sinh hoạt đời thường. Giới trẻ thì sợ bị coi là lạc hậu khi mặc trang phục truyền thống.

Vì vậy, thời trang công nghiệp dần chiếm ưu thế bởi tính tiện dụng và kinh tế, hợp xu hướng, thẩm mỹ. Sự tham gia trong các công tác xã hội và học tập cũng khiến nhiều người dân tộc thiểu số chủ động thay đổi trang phục cho phù hợp môi trường sống. Từ đó, nhu cầu tự túc đồ mặc giảm, vùng nguyên liệu trồng bông, đay bị thu hẹp nhanh chóng.

Nhiều nơi, đồng bào không còn trồng bông, dệt vải, tước đay, kỹ thuật dệt, thêu truyền thống dần không còn dùng đến, trang phục truyền thống trở thành lễ phục, chỉ còn được sử dụng trong những dịp lễ trọng. Các nghệ nhân, người lành nghề, thợ giỏi biết nghề dệt và may trang phục truyền thống cũng dần ra đi. Việc trao truyền nghề truyền thống trong cộng đồng cũng giảm do lớp trẻ không mặn mà học nghề.

Nghiên cứu biến đổi trong trang phục cổ truyền của người Dao, Trưởng khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Anh Cường chia sẻ: Công nghệ 4.0 tác động mạnh mẽ, rõ nét đến văn hóa và trang phục truyền thống của người Dao. Rất ít nhóm Dao còn trồng bông, dệt vải, tự túc đồ mặc. Một số nhóm Dao không còn khung dệt, thay vào đó là máy khâu hiện đại. Kỹ thuật chế biến thuốc nhuộm theo phương pháp cổ truyền dần dần mất đi.

Người dân không còn trồng chàm mà mua cao chàm bán sẵn hoặc mua vải nhuộm sẵn mầu chàm. Nhiều cô gái Dao trong độ tuổi 18 đến 20 không tự cắt may được quần áo, phải nhờ người lớn tuổi cắt hộ.

Trước đây, các em gái người Dao ở độ tuổi lên sáu, bảy đều tự thêu được đồ. Bây giờ các thiếu nữ Dao thay thêu thùa họa tiết bằng vải in hoa sẵn. Trang phục đồng bào được thay bằng trang phục người Việt hoặc âu phục, hoặc kết hợp giữa trang phục hiện đại và trang phục truyền thống, chất liệu và kiểu dáng bị pha tạp. Sự mai một đã thể hiện rõ kiểu như quần truyền thống, nhưng áo lại là sơ-mi hoặc áo sơ-mi bên trong áo truyền thống, rồi trang sức mới, giày dép hiện đại...

Trước thực trạng biến đổi nhanh chóng của các yếu tố văn hóa đặc trưng, những bộ quần áo lễ hội, cưới hỏi, lao động… dần dần chỉ còn được lưu giữ trong ký ức của những người cao tuổi, việc bảo tồn trang phục càng trở nên gấp gáp. Chuyển đổi số đang phủ sóng mọi lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi các thói quen tiêu dùng, làm việc, vui chơi, giải trí.

Cùng với những thách thức, xâm lấn văn hóa của thời đại công nghệ số, áp dụng thành tựu kỹ thuật số 4.0 được coi là giải pháp và cơ hội trước làn sóng mạnh mẽ của cách mạng số hóa, giải quyết trước mắt câu chuyện “loay hoay” bảo tồn lâu nay.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận: “Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau”.

Thực tế, cần nhìn nhận sự phát triển của công nghệ thông tin là cơ hội và phương tiện để bảo tồn và lưu giữ di sản văn hóa hiệu quả, dùng làm tư liệu phục chế và phổ biến, quảng bá giá trị di sản khi cần đến. Tốc độ biến đổi đang đi nhanh hơn rất nhiều so với câu chuyện tổ chức lớp truyền nghề dệt, nhuộm, thêu, mở rộng vùng nguyên liệu, phục dựng, đề xuất mô hình bảo tồn...

Vì vậy cần nhanh chóng kiểm kê, sưu tập, lập danh mục trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, tiến hành số hóa các tri thức dân gian, hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật, nghề dệt, kỹ thuật thêu, những câu chuyện liên quan đến trang phục. Sưu tập và số hóa những bộ trang phục nguyên gốc khi chưa bị lai căng, biến đổi về họa tiết, hoa văn, kỹ thuật may mặc... tránh thực trạng rất khó tìm lại được trang phục gốc như của đồng bào Rơ măm, Ơ đu, Brâu.

Dễ dàng nhận thấy, khách du lịch hoặc những người bên ngoài nhóm dân tộc thường có cảm hứng, thậm chí trầm trồ, thán phục trước kỹ thuật dệt vải, kỹ năng thêu thùa điêu luyện, hoạ tiết, hoa văn trang trí tinh xảo, đặc trưng trên trang phục hoặc các sản phẩm thủ công của người bản địa. Họ hào hứng khi được trải nghiệm các công đoạn thủ công như dệt, nhuộm, thêu thùa, vẽ sáp ong… tạo nên những sản phẩm mộc mạc như khăn đội đầu, dây lưng, túi.

Các nhà thiết kế như Minh Hạnh, Chu La đã ứng dụng các nguyên liệu bản địa hay họa tiết, hoa văn tạo nguồn cảm hứng sáng tạo, thiết kế nên những bộ sưu tập thời trang ấn tượng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Trong khi đó đồng bào dân tộc thiểu số lại mang tâm lý e ngại khi mặc trang phục dân tộc mình.

Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu những giá trị bản sắc văn hóa, yếu tố văn hóa đặc trưng cơ bản, cốt lõi trên trang phục các dân tộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh vai trò chủ thể văn hóa và cộng đồng: Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội tộc người. Vì vậy cần khích lệ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ phải tự hào về giá trị đặc sắc của bộ trang phục truyền thống dân tộc mình, có ý thức sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng và cuộc sống hằng ngày.

Một thực tế khác phổ biến về nhận thức bảo tồn trang phục hiện nay, phần đông đồng bào dân tộc thiểu số cũng như cộng đồng dân cư đang coi bảo tồn trang phục truyền thống là trách nhiệm của chính quyền. Họ không ý thức rõ vai trò của mình trong bảo tồn, cho nên việc vận động nhân dân thấy được giá trị văn hóa đặc sắc và bảo vệ trang phục truyền thống chưa hiệu quả.

Vì vậy, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số tự hào về bản sắc và đặc trưng riêng của dân tộc mình, có ý thức bảo tồn trang phục truyền thống cũng như nét đặc trưng riêng có của dân tộc mình. Những người có uy tín, nghệ nhân, người cao tuổi cần thể hiện vai trò cũng như tham gia mạnh mẽ vào công tác giáo dục, nhắc nhở để thế hệ trẻ, con em đồng bào hiểu, ý thức trách nhiệm rõ ràng, sâu sắc hơn khi mặc hay nhắc đến trang phục truyền thống.

Duy trì, phát triển các làng nghề thủ công và mời nghệ nhân, thợ giỏi trong cộng đồng trao truyền nghề dệt, nghề may trang phục truyền thống cho lớp trẻ. Tổ chức lễ hội, không gian văn hóa để đồng bào thường xuyên có cơ hội được mặc trang phục dân tộc mình, quảng bá hình ảnh về bản sắc trang phục qua các kênh du lịch, điện ảnh...

Cùng với công tác điền dã, sưu tầm và lưu giữ trang phục của đồng bào 54 dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại các bảo tàng, việc số hóa sẽ góp phần giúp người dân tiếp cận với bản sắc văn hóa các tộc người nhanh chóng và thuận lợi, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu của Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).
  • 'Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Huyện Quỳnh Nhai -
    Ngày 23/11, Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam VietComBank phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Giôn tổ chức khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình điểm trường bản Huổi Ngà, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lả Giôn, xã Mường Giôn.  
  • 'Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Kinh tế -
    Thay đổi căn bản nhận thức của nông dân, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi; thành lập các nhóm sở thích, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" tại tỉnh Sơn La.
  • 'Quê hương tựa khúc dân ca

    Quê hương tựa khúc dân ca

    Nếu mà không Quan họ, Bắc Ninh ơi có buồn? Một câu hỏi được thốt lên bằng tình yêu, sự mến mộ dành tặng Quan họ, không cần có câu trả lời, bởi “nếu không Quan họ, đâu còn là Bắc Ninh!?”.