Tháng ba về anh muốn lên Tây Bắc/ Một lần thôi để được ngắm hoa ban/ Những cánh hoa trắng hồng xinh khoe sắc/ Lộng lẫy thắm tươi trên khắp đại ngàn. (Nguyễn Đình Huân)
Thiếu nữ lưu lại khoảnh khắc đẹp trong mùa ban nở.
Tháng ba, dường như đã trở thành dấu mốc đặc biệt để những ai từng gắn bó với núi rừng Tây Bắc không hẹn mà gặp, không nói cũng hiểu lòng nhau, cùng nhớ về một mùa hoa. Rằng, hoa ban cứ tháng ấy, độ ấy lại nở bung, khoe sắc giữa đại ngàn, mời gọi những yêu thương, nhắc nhớ những kỷ niệm bên nếp nhà sàn, dưới gốc ban già nghe kể chuyện tình chàng Khôm - nàng Ban.
Hoa ban tự bao đời cứ thế đến tháng ba, khi đào, hoa mơ đã vãn, mới bung sức phủ trắng những cánh rừng, khoe sắc trên những khe núi, triền đồi, chỉ cần men theo quốc lộ 6 cũng đủ để du khách thỏa thích mà ngắm cho thật đã mắt. Hoa ban chiếm trọn trái tim đồng bào các dân tộc Tây Bắc, trở thành biểu tượng của đại ngàn, chẳng phải đơn giản vì hoa đẹp, hay vì lấn át về số lượng so với những loài hoa khác, mà vì đây là loài hoa ăn đời ở kiếp với người miền núi, là vì hoa ban mang trong mình câu truyện cổ ngàn đời lưu truyền đến tận hôm nay.
Nếu dân tộc Kinh có sự tích Trầu - Cau, thì đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc có câu chuyện chàng Khôm - nàng Ban, một câu chuyện tình bất hủ mà chẳng mấy ai lại không biết đến. Bao thế hệ trẻ thơ lớn lên bên hiên nhà sàn đã từng được ông bà kể lại chuyện cô gái xinh đẹp, thủy chung, vì người mình yêu mà trốn khỏi hôn lễ sắp đặt với con nhà tạo mường, quyết chí đi tìm chàng trai rồi hóa thành cây ban rừng, xuân đến nở những bông hoa trắng ngần, trong sáng như người con gái. Còn chàng Khôm cũng vì kiệt sức trên đường tìm người mình yêu mà hóa thành chim Khun, đến mùa ban nở lại cất tiếng hót vang mọi cánh rừng.
Ban trắng đâu rồi hỡi tình chung/ Hạ đến thu đi đông trắng rừng/ Lầm lũi bay hoài không mệt mỏi/ Tìm mùa ban trắng nắng rưng rưng. (Đất Văn Lang)
Ai đó đã từng ví câu chuyện chàng Khôm - nàng Ban giống Ngưu Lang - Chức Nữ. Còn với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, đó là tích chuyện chứa đựng cả lịch sử và văn hóa ngàn xưa của dân tộc Thái, là bài học giàu tính nhân văn, răn dạy đời sau về tình người, tình yêu son sắt, trai gái đã lựa chọn bên nhau là phải một lòng, một dạ thủy chung.
Hoa ban trắng, vẻ đẹp tinh khôi như sương, như gió núi, như người con gái Thái dịu dàng, e lệ bên dòng suối. Ấy thế nên hoa ban luôn gắn liền với nhà sàn và những thiếu nữ mặc áo cóm, khăn piêu thêu chỉ ngũ sắc, nở nụ cười như chứa cả nắng tháng ba vàng mật làm say đắm lòng người. Đó mới thực là hình ảnh đẹp nhất của hoa ban. Theo quan niệm của đồng bào, hoa ban là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn. Bởi vậy, người dân tổ chức lễ hội hoa ban để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu cho bản làng quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và cũng chỉ đồng bào dân tộc Thái mới biết bí mật của hoa ban, mới có cách chế biến những chùm hoa trắng tinh ấy trở thành những món ăn rực rỡ trên bàn tiệc khiến bao du khách đã dừng chân thì không muốn về.
Và chẳng biết tự bao giờ, hoa ban đi vào các tác phẩm văn học bất hủ, những áng thơ trữ tình và những bài ca đi cùng năm tháng. Hoa ban đã từng theo chân bao người lính vượt núi, vượt rừng, cùng sống và chiến đấu trong những ngày chiến dịch Điện Biên phủ lịch sử, trở thành niềm tin để giành ngày tất thắng. Có ai từng nghe “Hoa ban” của nhạc sĩ Quang Minh với những câu ca chạm đến trái tim: “Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ, nhành hoa ban ép vội/ Cho tôi mơ, cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/ Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay...! Ôi mái đầu cha tôi đã bạc/ Nhưng vẫn còn mênh mang trong tôi hơi ấm đêm về/ Và một rừng trắng muốt hoa ban...!” Hoa ban trở thành một phần tươi sáng trong ký ức của những ngày gian khổ và hy sinh, để hôm nay, ban càng được bung sắc giữa trời hòa bình.
Tây Bắc tháng ba hoa ban nở trắng rừng. Cánh hoa rung rinh trong gió kể lại câu chuyện xưa bên nếp nhà sàn, chuyện Điện Biên, Sơn La một thời khói lửa, và chuyện nay những bản làng và phố núi vươn lên. Hoa ban giờ chẳng riêng gì ở Tây Bắc, mà giữa lòng Thủ đô cũng có hoa ban nở mỗi độ tháng ba về, để ai đó xa lạ cũng biết rằng, thấy hoa ban là thấy hồn Tây Bắc đại ngàn.
Thảo Nguyên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!