Sôi nổi phong trào văn nghệ quần chúng

Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, nâng cao đời sống tinh thần, tạo sự gắn kết giữa cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Đội văn nghệ phường Chiềng An, thành phố Sơn La.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.284 đội văn nghệ quần chúng bản, tiểu khu, tổ dân phố, mỗi đội có từ 10-15 thành viên. Nhiều đội hoạt động tích cực, hiệu quả, như đội văn nghệ bản Tông, bản Phiêng Ngùa, xã Chiềng Xôm; bản Hài, tổ 3, 4, phường Chiềng An, Thành phố; bản Áng, xã Đông Sang; bản Nà Bó, bản Vặt, bản Lùn, xã Mường Sang; bản Dọi, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu và một số đội văn nghệ tiêu biểu của các huyện Yên Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên, Thuận Châu... Hằng năm, các đội văn nghệ tổ chức từ 2.600 - 2.800 buổi biểu diễn; định kỳ mỗi năm một lần tham gia hội thi, hội diễn cấp cơ sở; hai năm một lần tham gia hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 2022-2030. Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sở đang thực hiện các nội dung của Đề án gắn với nhiệm vụ công tác hằng năm. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho công chức văn hóa xã, các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ, nhằm nâng cao năng lực, bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc và hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở.

Để giúp các đội văn nghệ quần chúng hoạt động, tỉnh ta đã ban hành chính sách hỗ trợ, trung bình mỗi năm 2 triệu đồng/đội, từ năm 2019 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 25,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các đội văn nghệ quần chúng đã huy động nguồn xã hội hóa từ 4-9 triệu đồng/đội để mua sắm trang phục, đạo cụ, hóa trang, thuê biên đạo, dàn dựng chương trình, bồi dưỡng cho diễn viên tập luyện, biểu diễn.

Phường Chiềng An, Thành phố đang duy trì 18 đội văn nghệ quần chúng, 3 câu lạc bộ “Văn hóa các dân tộc”, 1 câu lạc bộ hát Thái, với trên 200 người tham gia. Chị Quàng Thị Biên, công chức văn hóa phường, thông tin: Các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ duy trì việc truyền dạy các điệu múa, làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc..., góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và thu hút khách du lịch. 

Là địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh, huyện Thuận Châu có 355 đội văn nghệ quần chúng. Bà Đinh Thị Minh Hoa, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều nhà văn hóa bản, tiểu khu được xây mới khang trang, với hội trường rộng rãi, hệ thống loa đài và các thiết bị phụ trợ cơ bản đáp ứng yêu cầu tập luyện, biểu diễn của các đội văn nghệ. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho các đội văn nghệ cơ sở để nâng cao năng lực sáng tác, biên đạo, dàn dựng, nâng cao chất lượng chương trình văn nghệ quần chúng.

Phát triển, lan tỏa sâu rộng phong trào văn nghệ quần chúng, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân; huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các đội văn nghệ quần chúng duy trì hoạt động, góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Bài, ảnh: Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới