Phụ nữ góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc

Thành lập các đội, câu lạc bộ văn nghệ; giữ gìn, phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm; truyền dạy cho lớp trẻ chữ viết, điệu múa, làn điệu dân ca của dân tộc ... Với những việc làm thiết thực đó, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã góp sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Phụ nữ xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai luyện tập điệu múa dân tộc. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng nữ; 4 nữ nghệ sĩ ưu tú và 7 nữ nghệ nhân ưu tú. Nhiều câu lạc bộ, mô hình duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc như: Mô hình “Nét đẹp khăn piêu” xã Viêng Lán, CLB “Văn hóa Thái cổ Mường Vạt” xã Chiềng Pằn, CLB hát Thái, xã Chiềng Khoi (cùng ở huyện Yên Châu). Duy trì lễ tục gội đầu, lễ hội kinh pang then, múa xòe của dân tộc Thái; các điệu múa cổ truyền dân tộc Kháng, Khơ Mú; các trò chơi dân gian như ném pao, ném còn, đánh yến, bắn nỏ… do phụ nữ làm chủ đạo. Năm 2022, Hội LHPN tỉnh còn thành lập mô hình “Phụ nữ góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và du lịch cộng đồng” tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, nhằm tập huấn kiến thức kỹ năng quảng bá du lịch cộng đồng cho thành viên.

Bà Đinh Thị Việt, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, chia sẻ: Với phụ nữ dân tộc Thái, việc may vá, dệt vải là công việc không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Thêu thùa, dệt vải không chỉ chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp, phục vụ các công việc của gia đình, mà còn là tiêu chí đánh giá sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ, trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của đồng bào Thái qua nhiều thế hệ.

Bà Đinh Thị Việt, bản Chiềng Thượng, xã Quang Huy, huyện Phù Yên duy trì nghề dệt vải. 

Hiện nay, nhiều hội viên phụ nữ xã Quang Huy vẫn còn duy trì nghề thêu, dệt thổ cẩm. Năm 2018, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất thổ cẩm, với 15 thành viên, chuyên dệt vải, thêu may các loại gối, đệm ghế, đệm nằm, chăn và vải kẻ, cung cấp cho khách hàng trong và ngoài huyện, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa duy trì nghề dệt vải truyền thống của dân tộc.

Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao huyện Mộc Châu.

Tại xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, những người phụ nữ Dao cũng tích cực tham gia giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Trong đó, có việc truyền dạy điệu múa chuông và hát làn điệu dân ca (páo dung) truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. Chị Lý Thị Hiền, cán bộ văn hóa xã Tân Lập, cho biết: Làn điệu páo dung và những điệu múa chuông được chị em đội văn nghệ bản duy trì biểu diễn tại các điểm du lịch cộng đồng, nhằm giới thiệu cho bạn bè và du khách, cũng như lưu giữ và quảng bá văn hóa dân tộc.

Phụ nữ thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, biểu diễn tiết mục xòe Thái.

Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội tổ chức các hoạt động  bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nâng cao chất lượng sinh hoạt văn hóa tinh thần cho hội viên. Phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng. Tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn kiến thức, hỗ trợ vốn vay cho chị em khởi nghiệp từ các nghề truyền thống.

Tiết mục múa xòe của đồng bào dân tộc Thái tại xã Viêng Lán, huyện Yên Châu. 

Bằng những việc làm thiết thực, phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc; qua đó, khẳng định vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới