Những vần thơ nặng lòng với quê hương, đất nước

Tháng 9/2017, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Công ty Truyền thông Liên Việt cho ra mắt tập thơ “Về lại triền sông” của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương về văn học nghệ thuật. Tập thơ gồm 50 bài thơ và 10 ca khúc, là lời thơ của tác giả được các nhạc sĩ phổ nhạc.

Tác giả chia tập thơ thành ba phần: “Câu hát và ngọn lửa”, “Trong trẻo đất quê”, “Ấm áp mặt trời lên”. Đọc lời mở đầu, tác giả chia sẻ, những bài thơ này được ghi lại bằng những cảm xúc đến từ những chuyến đi, từ công việc hàng ngày, thậm chí “hơn nửa trong số đó được viết trên máy điện thoại cầm tay và trên Facebook”.

Phần “Câu hát và ngọn lửa” gồm 17 bài, đó là những sáng tác với cảm hứng từ tình yêu quê hương, đất nước, những cảm xúc tuôn trào của nhà thơ khi về thăm quê Bác: "…Ơi quê mẹ quê cha/Thành quê chung đất nước/Nên dáng hình Tổ quốc/Làng Chùa và làng Sen..." (Quê chung)

Tổ quốc, trong thơ Nguyễn Thế Kỷ, đó là: "Máu Vị Xuyên, Gạc Ma… bầm chát/ Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu/ Ôi Tổ quốc! Biên cương chưa yên giấc/ Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng sa/ Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão/Lai bút, gươm giữ cõi, xây nhà" (Tổ quốc). Trong con mắt nhà thơ, nhà văn đa tài, Tổ quốc đôi khi cũng bay bổng đầy chất lãng mạn như men say tình yêu, truyền cảm hứng cho người đọc thêm yêu những cảnh sắc tươi đẹp, tên đất, tên người: "Tráng sĩ năm nào sông Mã ơi/ Mơ chi kiều nữ chốn xa xôi/ Về đây trẩy hội hoa ban trắng/ Sơn nữ Mường La đẹp lịm người" (Hội hoa ban).

           

Một lần ra thăm Trường Sa, nhà thơ rất xúc động thấy những người lính trẻ tuổi mười tám, đôi mươi “chưa một lần hò hẹn”, vượt qua bao khó khăn, vất vả để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc: "Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt/ Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/ Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/ Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!”. Để rồi, nhà thơ nguyện cùng nhân dân cả nước với lời hứa “Tất cả vì Trường Sa thân yêu!” với những vần thơ hào sảng: "Muốn ôm ghì bãi san hô- chiến lũy/ Những pháo đài dâng sóng Bạch Đằng Giang/ Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử/ Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang…" (Thao thức Trường Sa).

           

Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ khiêm tốn chia sẻ: “Thơ tôi, tôi tự ý thức, không có những đặc sắc, bứt phá, ít sự cách tân…”. Ông dùng thơ để nói chữ tình, mà chủ yếu là tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc được trải nghiệm, được nuôi dưỡng và lớn lên qua năm tháng. Thứ tình chung thủy, ân nghĩa, chắt ra từ gan ruột, viết ra vừa đủ để cảm nhận, không sáo ngữ, không ồn ào, cũng không quá kiệm lời. 

           

Trong số 50 bài thơ của tập “Về lại triền sông” có 20 bài viết về quê hương, về tình cha, nghĩa mẹ, nhắn nhủ các con không lãng quên gốc rễ cội nguồn. Những bài thơ này được sắp xếp bên nhau với tần suất dày đặc, đậm chất suy tư, nghẹn ngào trong cảm xúc. “Miền Trung ơi”, “Xứ Nghệ”, “Tình quê”, “Cội nguồn”, “Quê ơi”, “Quê mình”, “Nghệ Tĩnh mình đây”… Tìm về quê là tìm về với chính mình, như lời ông bộc bạch trong bài “Tình quê”: "Quê ạ, ta như người lạc bước/ Giữa ồn ào phố thị bon chen/ Chốn phù hoa người xa kẻ lạ/ Vẫn sắt se, góc ruộng ao làng".

           

Những bài thơ ông viết về quê hương, bài nào cũng dạt dào cảm xúc, chan chứa ân tình. Những câu thơ đượm buồn, đau đáu vì một miền Trung gian khó, nắng gắt, bão giông; là nỗi niềm của người con xa quê đang phấn đấu, cống hiến để xứng đáng với quê hương, đất nước. Giản dị vậy thôi để có những câu thơ diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ sâu lắng tình người: "Miền Trung ơi, làm sao xa người được/ Mấy chục năm xê dịch buồn vui/ Ăn miếng ngon, thu mình chăn ấm/ Mà tâm can chớp giật cuối trời" (Miền Trung ơi).

           

Hình như có một nhà thơ nào đó đã định nghĩa “Thơ là hồi ký của trái tim”. Thật vậy, mỗi một bài thơ ông viết như gửi gắm những kỷ niệm chan chứa yêu thương khi nhắc đến người cha, một chiến sĩ Điện Biên, một thương binh chống Pháp, một lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Nghệ Tĩnh thời bao cấp mà hoàn cảnh gia đình vẫn không khá hơn những nhà dân thường, khi nghỉ hưu để lại biết bao tình cảm tốt đẹp với đồng chí, đồng đội: "…Sau lưng sừng sững cơ đồ/ Công danh nhẹ phủi, cha về quê hương/ Nuôi mẹ ốm, chăm ruộng vườn/ Nặng vai họ tộc, cột rường gia phong"  (Nhớ Cha). Hay những vần thơ giản dị, hồi tưởng và tự hào về người mẹ đảm đang, vất vả vì chồng con trong thời bao cấp: "Buổi sáng mẹ thợ cấy/ Buổi chiều mẹ thợ cày/ Cha tiếng là “quan huyện”/ Nhà hết gạo chạy quanh…" (Mẹ).

           

Ngay cả những vần thơ viết cho con trai trên Facebook, ông cũng dặn dò tỉ mỷ, tâm sự với con bằng những lời lẽ yêu thương chân thành, khuyên nhủ con trai dung dưỡng tình nguời thủy chung, nhân hậu nhưng hết sức cảm động: "Ba luôn tin trái tim con nhân hậu/ Như sớm mai ấm áp mặt trời lên/ Và lo cả những sương mù giá lạnh/ Phía xa kia dằng dặc con đường" (Viết cho con trai trên Facebook).

           

Tập thơ "Về lại triền sông" được in ấn công phu, trình bày đẹp, được họa sĩ Thành Chương minh họa bằng 20 bức tranh giàu ý nghĩa, nhưng ấn tượng nhất, cảm xúc nhất là để lại trong lòng bạn đọc là một tâm hồn nghệ sĩ nặng lòng với quê hương, đất nước.

           

Nguyễn Viết Hiện (Báo Hải Dương)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới