Trong 70 tác phẩm ký họa kháng chiến đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), có bức mầu sắc đã phai nhạt, có bức rách góc, có cả những bức vẽ tận dụng phần giấy trắng mặt sau của tờ áp-phích. Những khung cảnh chiến đấu trong khói lửa hoặc hình ảnh tình nghĩa quân dân có thể khiến người xem thấy cay cay khóe mắt, bởi đó là những trang “nhật ký” bằng tranh của các họa sĩ, chiến sĩ trên chiến trường miền nam giai đoạn 1954-1975.
Triển lãm “Ký họa kháng chiến miền nam” giới thiệu đến công chúng Thủ đô 70 bức ký họa bản gốc, ghi lại khung cảnh chiến đấu, sinh hoạt của quân và dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ký họa kháng chiến có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với nền mỹ thuật Việt Nam, với hàng nghìn tác phẩm của các họa sĩ chuyên và không chuyên đã khắc họa chân thực, sinh động những thời khắc lịch sử, những góc cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trong hoàn cảnh khốc liệt, nguy hiểm, họa phẩm thiếu thốn, ký họa là thể loại phù hợp với việc vẽ nhanh, tả thực, và còn trở thành một hình thức báo chí bằng hội họa. Cũng vì lý do này, mà phần lớn ký họa chiến tranh chỉ có khổ A4.
Bên cạnh những trận chiến cam go, cảnh họp tác chiến ở căn cứ hay chân dung các anh hùng quân đội thì những phút giây bình yên, đùm bọc lẫn nhau, hình ảnh những người dân bình thường cũng mang lại sự xúc động, tự hào cho người xem. Đặc trưng cảnh vật, con người miền nam như sông nước, rặng dừa, áo bà ba, khăn rằn... dù chỉ là ký họa thoáng qua cũng rất đặc sắc. Có thể kể đến một số tác phẩm như: “Xuân trong hầm pháo”, “Đón ba về phép” (Thái Hà); “Trận Bình Giã 1965”, “Vượt sông đêm” (Huỳnh Phương Đông); “Trên đường vào nam cắt tóc”, “Bà Nguyễn Thị Định” (Lê Lam); “Cô du kích” (Nguyễn Tấn Lực), “Chuẩn bị cơm đón bộ đội”, “Du kích Cai Lậy dùng cối tự tạo” (Huỳnh Quốc Trọng)...
Đến xem triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Những bức vẽ khiến tôi nhớ lại những năm tháng kháng chiến gian khổ của đất nước, đặc biệt là những ngày tháng đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc. Thời điểm ấy, để đưa được những ký họa này ra bắc là cả một kỳ công. Hôm nay, chúng ta lại có dịp được xem lại những nét vẽ rất quen thuộc của các họa sĩ kháng chiến năm nào, hiểu hơn những hy sinh gian khổ của một thời khói lửa. Những bức ký họa được vẽ rất nhanh nhưng vẫn mang sức mạnh tư tưởng và tính nghệ thuật không kém các tác phẩm được thực hiện trong thời gian dài”.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, gần 80 họa sĩ đã không bao giờ trở về. Điều đặc biệt ở triển lãm này là có những bức ký họa của họa sĩ, liệt sĩ như Huỳnh Quốc Trọng; có những nhân vật được ký họa đã anh dũng hy sinh như liệt sĩ Võ Thị Tuyết, Phan Văn Sáu, Nguyễn Thị Hòa, Võ Văn Bé, Lê Văn Công... Ngắm những nét vẽ đôi lúc vội vàng nhưng vẫn rất đẹp và rất thực, càng thấm thía tại sao ký họa chiến trường hàm chứa không chỉ giá trị lịch sử mà cả giá trị nghệ thuật.
Theo họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, các họa sĩ thời bấy giờ không có điều kiện triển lãm, họ thường tranh thủ mọi thời gian có thể để bày các bức ký họa, có khi ngay trên chiến hào cho các đồng chí cùng đơn vị xem, hoặc mang tới đồng bào ở các thôn, ấp. Nhiều tác phẩm của các họa sĩ đã có tác dụng động viên đồng bào, chiến sĩ rất hiệu quả. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 4.000 bức ký họa của các họa sĩ vẽ tại chiến trường, những tác phẩm vô giá về mặt nghệ thuật và lịch sử.
Nhận định về giá trị của những bức ký họa này, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định: “Ký họa kháng chiến miền nam được hình thành, phát triển và đóng vai trò chủ lực đối với nền mỹ thuật miền nam trong thực tế khắc nghiệt của chiến tranh. Các bức ký họa khắc họa những hình ảnh vừa bình dị, vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, không mang nặng tính tàn khốc của chiến tranh. Đây chính là điểm khác biệt của ký họa chiến trường Việt Nam so với các ký họa chiến trường khác trên thế giới”. Trưng bày chuyên đề này không chỉ là nguồn tư liệu quý về hiện thực lịch sử, nghệ thuật mà còn là dịp để tri ân, tôn vinh những người vừa cầm cọ, vừa cầm súng, đã cống hiến tuổi xuân và xương máu của mình cho Tổ quốc, nhân dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!