Nhớ bếp lửa ngày đông

Những ngày giữa đông, trời rét đậm, cóng buốt tay chân khiến ai cũng phải suýt xoa, đi đâu cũng  đủ áo ngắn, áo dài mà vẫn thấy cái lạnh len vào da thịt. Năm giờ chiều trời đã nhá nhem tối, cái lạnh càng thêm se sắt. Dừng lại bên quán cóc vỉa hè, gọi vài thứ đồ nướng ăn vặt, nhìn bếp than đang nóng đỏ, mùi ngô nướng thơm lừng cả góc phố, bất giác nhớ đến bếp lửa ngày thơ bé đến da diết, bao ký ức chợt ùa về, vỡ òa, thổn thức...

Bếp lửa gắn liền với tuổi thơ của những người lớn lên ở vùng cao.

Ánh mắt chẳng thể rời những hòn than đang đỏ rực, thỉnh thoảng lại nhen lên vài đốm lửa theo tay người quạt, tôi chìm vào chuỗi suy tư của riêng mình với những mảnh ghép tuổi thơ chợt ẩn, chợt hiện... Chỉ có bếp lửa như một đốm sáng hiển hiện rõ nét trong bầu trời ký ức ngày thơ gắn bó với căn nhà nhỏ giữa bản làng hoang sơ, với bao mùa đông rét buốt và những năm tháng khó nhọc, thiếu thốn nhưng đầy ắp tình thương yêu.

Mùa đông ở vùng cao khắc nghiệt, nhiệt độ ban ngày có hôm chỉ 2-3 độ, sương mù phủ kín, đêm xuống cái rét càng đậm. Những ngày đông cứ chầm chậm trôi qua với sương muối phủ đầy mỗi sáng, với mưa phùn rả rích mỗi đêm như thử thách lòng kiên trì của những ai vẫn đang ngóng đợi một ngày nắng ấm về. Chỉ có bếp lửa là nơi ấm áp nhất trong mỗi căn nhà. Sáng tinh mơ, ngoài trời sương lạnh đóng thành băng, mẹ vẫn là người dậy sớm nhất, việc đầu tiên là nhóm bếp lên, chất củi thật nhiều cho cháy lớn, sưởi ấm căn nhà nhỏ trong sương núi. Bếp lửa như một ánh sáng nhiệm màu, xua tan dần màn sương mù len qua khe hở mang hơi lạnh vào nhà. Ánh lửa bập bùng thắp sáng không gian tĩnh mịch, thức dậy đám trẻ con co ro từ trong chăn bước ra, chuẩn bị đến trường. Mỗi ngày mới đều bắt đầu như vậy, bếp lửa mang hơi ấm thức tỉnh vạn vật sau một đêm lạnh giá.

Vào mùa đông, hầu như nhà nào cũng đỏ lửa cả ngày đêm. Đến nhà ai thì việc đầu tiên cũng phải sà vào bếp, hơ ấm đôi bàn tay tê cóng. Khách đến nhà, gia chủ cũng mời ngồi cạnh bếp lửa, vừa uống chén trà nóng vừa trò chuyện, hàn huyên. Bữa cơm mùa đông, cả nhà quây quần bên bếp lửa. Những ngày đông mưa phùn lạnh buốt, người già càng không xa được bếp lửa, còn đám trẻ con chúng tôi thì lại càng thích nơi ấm áp này. Cứ đi học về là sà vào bếp, hơ tay rồi áp lên mặt cho ấm. Bếp lửa những ngày này lúc nào cũng thơm mùi khoai, sắn nướng, rồi cả ngô nếp, mía... được đám trẻ vùi vào đám than hồng. Hôm nào hết ngô, khoai thì lựa củ dong già cho vào nướng cũng đủ giải tỏa cơn thèm ăn vặt của đám trẻ chúng tôi trong những ngày tháng thiếu thốn đủ bề. Củi chất càng nhiều càng cháy to, than nóng đỏ, chỉ cần lơ đễnh là mấy bắp ngô hay củ khoai vùi trong tro bếp cháy xém, mùi khét lẹt; thế nhưng mấy đứa vẫn tranh nhau ăn, rồi mặt đứa nào, đứa đấy lấm lem mà vẫn cười hả hê, quên cả mưa phùn, gió rét ngoài kia đang rít từng hồi.

Mùa đông ẩm ướt và mưa nhiều nên củi cũng ướt nhẹp, khó cháy. Bà nội tôi lúc nào cũng phải làm sẵn vài cái ống tre để thổi lửa. Cứ khi nào lửa sắp tắt, khói mù mịt, mắt cay xè là phải cầm cái ống lên phồng má hết cỡ thổi cho ngọn lửa bùng lên. Những đêm mưa phùn, gió bấc, mặc cho mẹ giục giã lên giường ngủ, chị em chúng tôi vẫn nấn ná ngồi canh bếp lửa, nghe bà kể chuyện ngày xưa, những câu chuyện ma rừng, ma xó, kệ cho cơn buồn ngủ kéo về díu cả hai mắt, đôi má ửng đỏ vì nứt nẻ.

Tuổi thơ cứ ngày ngày qua đi với những mùa đông giá rét với bếp lửa bập bùng trong căn bếp nhỏ, có mùi ngô, khoai, nếp nướng thơm lừng. Ngọn lửa đỏ hồng sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ lớn lên trong gian khó, để có đủ yêu thương, đủ mạnh mẽ để cùng nhau đi qua những con đường đá sỏi gập ghềnh, qua những mùa đông buốt giá chờ ánh mặt trời lên.

Tiếng chị chủ quán gọi lấy đồ khiến tôi bỗng sực tỉnh, ngơ ngác đưa mình về thực tại. Phố lên đèn sáng trưng như giục giã mọi người nhanh chóng trở về nhà. Không có bếp lửa cháy ấm nồng, cũng không có khói mịt mù làm cay khóe mắt, nhưng trong lòng tôi vẫn ăm ắp những suy tư về ký ức ngày thơ bé; văng vẳng trong đầu câu thơ đã từng để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/Một bếp lửa ấp iu nồng đượm/Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” (Bếp lửa - Bằng Việt).

Thảo Nguyên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới