Điệu múa xòe dập dìu mềm mại, khoảnh rừng xanh hay những cánh ban trắng mùa xuân..., hình ảnh con người với những nét sinh hoạt đời thường sinh động, hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên vùng cao bình dị, lãng mạn, xen lẫn hiện thực, là phong cách nổi bật tạo nên vẻ đẹp trong tranh của họa sỹ Lò An Quang.
Họa sỹ Lò An Quang sáng tác các tác phẩm về văn hóa Thái.
Sinh ra và lớn lên tại bản Cọ, phường Chiềng An, thành phố Sơn La, năm 14 tuổi, anh Lò An Quang về Hà Nội theo học Trường cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1972, anh nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào. Xuất ngũ, ông tiếp tục theo học Ðại học Mỹ thuật Hà Nội và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc. Anh trở lại quê hương và nhận công tác tại Ty Văn hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), được phân công giảng dạy tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch. Năm 1984, chuyển về công tác tại Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho đến khi được nghỉ chế độ hưu trí.
Với ông, miền đất, con người Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng, là dòng chảy trong sáng tác hội họa, đặc biệt, những nét sinh hoạt, phong tục tập quán văn hóa đồng bào Thái luôn đậm nét trong tác phẩm của ông. Các đề tài được ông thể hiện luôn gần gũi, bình dị, như đi làm ruộng, lên nương, đi cấy, cày, vào rừng săn bắn, hái hoa, hát ru con trẻ trên nôi… Bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mài quen thuộc, các nhân vật trong tranh được thổi hồn, sống động.
Tiêu biểu là các tác phẩm “Trăng đầu tháng” với chất liệu sơn mài, vẽ các cô gái Thái ở tuổi dậy thì với nét vô tư, hồn nhiên đang tắm dưới ánh trăng được cách điệu, bố cục đơn giản, mái tóc tung bay trong gió. Tác phẩm “Búi tóc”, ngôn ngữ hội họa với chất liệu sơn dầu đã miêu tả nét đẹp trong đời sống của phụ nữ dân tộc Thái. Hoặc tác phẩm “Nắng chiều”, các nhân vật trong tranh là các thiếu nữ đang phơi vải, chăn đệm, lúa, những cây ban trắng nở hoa được cách điệu, xa xa là ruộng bậc thang, tạo nên bức tranh đẹp, huyền ảo của núi rừng Tây Bắc. Hay như các tác phẩm: “Chuyện sau cách còn”; “Đồ xôi”; “Bên bếp lửa”; “Trong rừng ban”; “Nhịp điệu xưa”; “Rừng đầu nguồn”… được công chúng đánh giá cao. Thưởng thức các tác phẩm hội họa của họa sĩ Lò An Quang, người xem như được hòa mình trong không gian văn hóa của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc, gần gũi, thân quen, khiến ta cảm nhận cuộc sống thêm tươi đẹp.
Nói về họa sỹ Lò An Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Họa sỹ Lê Chương, luôn dành cho người thầy của làng hội họa Sơn La sự trân trọng quý mến, một trong những “cây đa, cây đề” đóng góp rất lớn cho Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật cả về năng lực sáng tác cũng như trong công tác quản lý. Họa sỹ Lê Chương cho biết: Các tác phẩm của ông đầy sức sáng tạo, lối tạo hình khỏe khoắn, hiện đại, các mảng màu đằm thắm, kết hợp với nét tinh tế và cách điệu triệt để chiều sâu bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, lôi cuốn người xem.
Họa sỹ An Quang có nhiều tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; từng tham gia triển lãm cá nhân tại Ngô Quyền, Hà Nội, với 50 bức tranh, được đông đảo người xem đón nhận; có nhiều nhà sưu tầm tranh ở các nước Đức, Nga, Anh, Phần Lan và trong nước đặt mua tranh của ông để trưng bày. Năm 1980, ông đã đạt giải A tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc; giải Nhì năm 2000, giải Ba năm 2002 và năm 2006 và giải A năm 2018 tại các cuộc Triển lãm mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc. Năm 2007, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho chùm tác phẩm: “Xây trụ cầu Thăng Long”, “Mùa xuân”, “Trăng đầu tháng” và “Ngày tháng mười”.
Năm nay, tuy đã tuổi cao, nhưng họa sỹ Lò An Quang vẫn tích cực sáng tác và thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm của tỉnh, khu vực. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La. Ông là một trong những họa sĩ của Sơn La thành công trong lưu giữ nét đẹp văn hóa Thái thông qua tác phẩm hội họa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!