Ngày 5/9 vừa tới, cả xã hội hân hoan, tưng bừng chào đón năm học mới, hồ hởi phấn khởi hòa vào không khí Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Và, 5/9 cũng được chọn làm Ngày phòng chống bạo lực học đường, nhằm nhắc nhở, cảnh báo hãy cảnh giác, nói không với vấn nạn này, để con cháu chúng ta thực sự được mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Vuốt vuốt mái tóc bạc, ông trung niên nêu vấn đề:
- Bạo lực học đường là những hành vi không phù hợp chuẩn mực đạo đức, trái với luân thường đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bất chấp đạo lý, thô bạo, xúc phạm và gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác trong phạm vi trường học, biểu hiện dưới rất nhiều dạng thức: Mâu thuẫn, xích mích cá nhân, ganh ghét, đố kỵ, hiểu lầm trong đời sống sinh hoạt; đánh nhau giữa các em học sinh; các hình phạt thể chất trong nhà trường; các dạng bắt nạt bạn học, lạm dụng thân thể, lạm dụng lời nói; ẩu đả, bắt ép về tài chính; mang vũ khí, hung khí đến trường; bạo lực tình dục... do tính chất phức tạp, khó lường, bạo lực học đường thực sự là nỗi lo lắng, ám ảnh đối với toàn xã hội chứ không chỉ riêng học sinh, sinh viên.
Tham gia câu chuyện, bác da ngăm ngăm bình luận:
- Ai cũng hiểu, trong môi trường giáo dục ở nhà trường, thầy giáo, cô giáo luôn là tấm gương về hành vi, đạo đức, lối sống thuần chất, sư phạm; họ phải là những người hết sức ý thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ “trồng người”, quan tâm dạy chữ song hành với dạy người; phải thực sự là người cha, người mẹ thứ hai, luôn sát sao, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, là “địa chỉ tin cậy” để các em học sinh có thể chia sẻ những khúc mắc, giải tỏa những âu lo đầu đời. Về một khía cạnh nào đó, để xảy ra bạo lực trong trường học lỗi phần nhiều thuộc về người lớn, không chỉ trách nhiệm của nhà trường mà còn là vai trò giáo dục của gia đình và các mối quan hệ xã hội. Không ít gia đình, lớp học, tổ chức xã hội mới chỉ chú trọng đến điểm số, vị trí xếp loại, kết quả học tập của con cháu mà xem nhẹ dạy dỗ luân thường đạo lý, cách đối nhân xử thế, hướng dẫn, tư vấn cách sống, kỹ năng sống...
Rất thực tế, anh chàng nhỏ thó gay gắt:
- Cũng phải thừa nhận, chúng ta cũng quá ít đề cập đến ngăn chặn bạo lực học đường ngay từ đời sống nội tâm; chỉ quan tâm truyền thụ kiến thức văn hóa mà lãng quên nhiệm vụ giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn”. Từ thiếu ý thức, xem thường pháp luật, tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân trong xã hội, rồi mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động cực kỳ mạnh tới tâm lý, tình cảm, cuốn không ít cháu vào lối sống thực dụng, thiếu lành mạnh, lệch chuẩn tràn ngập trên mạng internet, game online, phim ảnh... Một thực tế nữa là các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; phương pháp phòng chống bạo lực học đường cùng nhiều chính sách khác liên quan chưa thực sự được quán triệt sâu sắc ở địa phương, nhà trường và từng giáo viên; công tác kiểm tra, giám sát còn hời hợt, xem nhẹ, sợ khuyết điểm, sợ mất thành tích...
Khẽ thở dài, giọng ông trung niên trở nên dứt khoát:
- Ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt bạo lực học đường cần sự chung tay của toàn xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội trong nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cả trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội. Giáo dục phải bảo đảm tính toàn diện, thiết thực, hiện đại và hệ thống; coi trọng giáo dục văn hóa, kiến thức đi liền giáo dục ý thức công dân, chỉ có như thế, các em học sinh mới thực sự phát triển hài hòa cả về thể chất, trí tuệ, đạo đức, lối sống, hoài bão và tư duy phù hợp văn hóa truyền thống, nhưng vẫn hiện đại, tân tiến. Không được phép buông lơi con cháu ở lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, non nớt kỹ năng sống, dễ bị kích thích từ những tác động xấu thế giới bên ngoài, thờ ơ, vô cảm và vô trách nhiệm, dẫn đến sai lệch nhận thức và hành động. Để xóa bỏ, triệt tiêu vấn nạn bạo lực học đường, cần có quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành giáo dục.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!