Cách đây đã hơn 30 năm, chúng tôi lớp học sinh những năm 80, 90 của thế kỷ trước, không thể nào quên những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Biết bao chuyện buồn vui, hờn dỗi, nhung nhớ... và tất cả đã trở thành những kỷ niệm tuyệt đẹp của đời học sinh.
Tuổi học trò của chúng tôi không được ngọt ngào, bởi những khó khăn của thời bao cấp, nhưng tất cả kỷ niệm thuở ấy lại lắng đọng trong trái tim mỗi người. Ngày ấy, mỗi lần đến trường chúng tôi chẳng bao giờ ngại ngần những con đường lầy lội, những ngày mưa phùn, gió bấc... Bao nhiêu gian khó đều được nếm đủ. Nhớ mãi, hằng ngày cứ sau giờ tan học là đám học sinh lại rủ nhau đi kiếm rau lợn, kiếm củi, phụ giúp cha mẹ làm việc nhà. Còn nhớ những buổi trưa hè, trốn mẹ đi bắt cá, bắt cua ngoài đồng, những buổi chiều hè đá cầu dưới tán phượng vỹ đỏ rực sân trường. Ngày ấy, chúng tôi giống nhau ở màu da cháy đen, mái tóc vàng hoe và đôi chân trần cóc cáy. Suốt ngày đầu trần đội nắng mà chẳng thấy đứa nào bị ốm. Nhưng thích thú nhất là sau mỗi bữa cơm tối, tụ tập ở một nhà bạn nào học giỏi để học nhóm.
Thời gian cứ thế trôi, chúng tôi lớn lúc nào cũng chẳng hay. Rời mái trường cấp 2, rồi bước vào cổng trường cấp 3 của thị xã ngày đó. Chúng tôi cũng bớt nghịch ngợm hơn và bắt đầu biết mộng mơ, biết lén nhìn bạn gái cùng trường và sượng sùng mỗi khi bị bắt gặp, rồi cũng biết bối rối khi lỡ làm cho các bạn gái giận hờn... Chúng tôi đã cùng nhau lớn lên như vậy!
Trong ký ức thuở học trò có lẽ người khiến tôi nhớ nhất là Dũng, cậu bạn thân gần nhà. Còn nhớ hồi lớp 10 đầu cấp năm ấy, mùa đông vùng Tây Bắc ngày ấy không như bây giờ, rét như cắt da cắt thịt. Dũng - học trò cá biệt của lớp tôi, co ro trong tấm áo bông cũ kỹ với vài miếng vá, lầm lũi bước đi trong giá lạnh đến nhà cô giáo chủ nhiệm để xin điểm mấy bộ môn học kém. Biết Dũng ngại, nên tôi đi cùng đến nhà cô. Ngồi khép nép, Dũng lí nhí nói với cô giáo: “Cô ơi, cho em xin điểm môn của cô ạ”. Cô giáo nhìn Dũng bằng ánh mắt nghiêm khắc và vẫn để trong bảng điểm của hắn “con ngỗng” to tướng. Chẳng thể nào thuyết phục được cô giáo, Dũng tỏ ra bực dọc, chẳng kịp chào ai rồi cắm đầu cắm cổ chạy khỏi nhà cô. Vội vàng chạy theo động viên và khuyên bảo nó chịu khó học thật tốt để có điểm cao hơn.
Tôi và Dũng học cùng nhau từ hồi cấp 2 rồi lên tới cấp 3, nên tôi hiểu hoàn cảnh của gia đình nó. Ở cấp 2, hắn học chẳng đến nỗi nào, luôn có nhiều điểm cao và được các thầy, cô quý mến. Nhưng đến khi lớp 9, cha Dũng đã qua đời do cơn bạo bệnh, mất chỗ dựa tinh thần đã khiến cậu học trò còn non nớt sốc nặng. Cũng từ đó, hắn học hành sa sút, chểnh mảng. Một hôm, khi nghe chúng tôi chia sẻ hoàn cảnh của Dũng, cô giáo chủ nhiệm đã không cầm được nước mắt. Cũng từ đó, cô gần gũi với Dũng nhiều hơn, dành thời gian để dạy thêm, nhờ đó lực học của Dũng ngày càng tiến bộ.
Thấm thoát hơn 30 năm trôi qua, đám học trò lớp tôi ngày đó nay đều thành đạt. Cũng trong khoảng thời gian ấy, chúng tôi không còn liên lạc được với cô giáo chủ nhiệm. Ngày 20/11 năm ngoái, chúng tôi quyết tâm tìm cô và phải mất hơn một năm, cuối cùng những nỗ lực đã có địa chỉ của cô.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, chúng tôi đến thăm cô. Do sức khỏe cô phải nghỉ hưu sớm, mái tóc đã bạc khiến đám học trò thấy chạnh lòng. Dũng gặp lại cô giáo không khỏi xúc động, đôi mắt đỏ hoe từ lúc nào chẳng hay. Vẫn giọng nói lí nhí, Dũng nắm chặt tay cô giáo và nói: “Em cảm ơn cô vì đã dạy dỗ em nên người, đã giúp cho em thành đạt như bây giờ. Chúng em biết ơn cô nhiều lắm”. Cô giáo rưng rưng: “Không, chính các em mới là người dạy cho cô nhiều điều. Sau khóa học của các em, cô đã không để học sinh nào phải lùi lại phía sau...”.
Cứ như vậy, cô trò chúng tôi hàn huyên ôn lại chuyện xưa. Giờ đây, chúng tôi đã khôn lớn, nghĩ về ký ức tuổi học trò, thấy tiếc nuối. Nhưng, sâu thẳm trong tâm trí chúng tôi, luôn cảm ơn những kỷ niệm đẹp, là động lực động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, trong công việc, để mỗi dịp trở lại thăm cô, thêm thành tích kể cô nghe!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!