Kho tàng văn học dân gian dân tộc Thái ở Tây Bắc vốn rất đa dạng với nhiều thể loại phong phú và nhiều tác phẩm có giá trị.
Trong đó, phải kể đến hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái được xây dựng bằng ngôn ngữ biểu đạt sống động, hình ảnh chân thực, tạo nên một biểu tượng đẹp của văn học, đại diện cho hình ảnh mang tính nhân văn và khơi nguồn cho những câu chuyện đặc sắc trong nền văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Đồng bào Thái là một trong số ít dân tộc vùng Tây Bắc có chữ viết từ rất sớm. Nhờ vậy, những tác phẩm văn học dân gian được ghi lại một cách hệ thống và bài bản, nổi bật là những tác phẩm truyện thơ có khối lượng nội dung đồ sộ đã được nhiều dịch giả phiên dịch thành sách, là một phần trong kho tàng văn học các dân tộc Việt Nam và được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Cùng với đó là rất nhiều các thể loại văn học phong phú và đặc sắc, như: thần thoại, ca cao, dân ca, tục ngữ, phương ngữ, truyện cổ tích, truyện cười,... Xuyên suốt nội dung văn học dân gian dân tộc Thái, hình ảnh người phụ nữ luôn được nhắc đến với ý nghĩa chính là đề cao và tôn vinh những phẩm chất cao đẹp, đức hy sinh và tài năng của họ.
Hình tượng người phụ nữ dân tộc Thái được thể hiện rõ nét nhất phải kể đến là trong các tác phẩm truyện thơ nổi tiếng. Bằng ngôn ngữ mộc mạc, chân phương, những tác phẩm ấy đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái một cách trọn vẹn nhất theo cả không gian và thời gian. Ngay từ khi sinh ra, nàng Ủa (truyện thơ Khun Lú - Nàng Ủa) đã mang hình dáng hình đẹp như hoa, như ngọc: “Sinh cô gái rượu nuột nà/Như hoa đào nở thật là đẹp tươi”. Lớn lên trở thành cô gái xinh đẹp, dịu dàng, khéo léo nên “Trai bản xa ướm nàng làm vợ/Trai cùng mường muốn ngỏ lời yêu thương”. Nhưng nàng Ủa lại không tránh khỏi số phận trớ trêu để rồi tình yêu với chàng Khun Lú gặp bao trắc trở, gập ghềnh, mãi chẳng được đến được với nhau...
Hay trong tác phẩm truyện thơ “Xống chụ xon sao”, hình ảnh người phụ nữ dân tộc Thái cũng được khắc họa vô cùng tỉ mỉ, chi tiết và sống động. Cũng vẫn là người con gái xinh đẹp, trong sáng, mang trong mình khát vọng về hạnh phúc với một tình yêu từng thề non hẹn biển: “Sông Mã cạn lòng trơ bằng đĩa/Sông Đà nông bằng đũa hãy quên”. Nhưng cuối cùng cũng không thoát khỏi những ràng buộc và tư tưởng cổ hủ của một giai đoạn phong kiến hà khắc, để cô phải thốt lên rằng “Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa/Bằng con chẫu chuộc thôi”. Đó là 2 hình tượng điển hình được xây dựng bằng cốt truyện dài, dung lượng đồ sộ, khắc họa đậm nét về người phụ nữ dân tộc Thái trong xã hội cũ, là bản trường ca thay cho tiếng nói của những người yếu thế, và hơn hết, tôn vinh phẩm chất cao đẹp của người con gái Thái, dù số phận có trắc trở đến đâu vẫn giữ trọn lòng thủy chung, son sắt và đức hy sinh, khiêm nhường đáng trân trọng.
Vẻ đẹp và sự tài hoa của người phụ nữ trong ca dao, dân ca dân tộc Thái cũng được thể hiện rất đặc sắc. Đó là hình ảnh những cô gái không chỉ xinh đẹp mà còn dịu dàng, nết na và chăm chỉ, khéo léo: “Em xe sợi thành vóc hoa dâu/Em dệt cửi thành gấm vân chéo/Em dệt tơ thành đóa hoa vàng”, hay “Ngồi xổm thêu được hình chim phượng/Ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa xo xe...”. Vốn dĩ từ xưa, việc thêu thùa luôn là tiêu chí được dùng để đánh giá tài năng và đức hạnh của một cô gái bước vào tuổi trưởng thành. Vậy nên, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được rèn rũa trở thành những người phụ nữ đảm đang, vừa biết lo toan việc đồng áng, vun vén cho gia đình, vừa phải giỏi thêu dệt, khâu vá. Trong xã hội cũ, vai trò của người phụ nữ không được đề cao, thậm chí là không có quyền quyết định số phận của mình. Có lẽ vì thế mà tác giả dân gian đã dành cho họ những ngôn từ trân trọng, thân thương nhất và khắc họa hình ảnh người phụ nữ trở nên đẹp toàn diện nhất. Những người phụ nữ ấy rất mạnh mẽ và luôn có khát vọng tiềm tàng và có thể sở hữu những năng lực mà người khác không có: Đụng vào khung cửi vải thành hoa/ Tung nắm tấm thành ra đàn gà/ Khua cái chầy ra hoa gạo trắng/ Đụng vào cỏ thì cỏ chết nắng/ Vuốt lên lúa, bụi lúa ra bông.
Ở mỗi thể loại trong văn học dân gian dân tộc Thái đều khắc họa hình tượng người phụ nữ với những góc cạnh khác nhau, nhưng tựu chung lại là đề cao những phẩm chất cao quý, đức tính cam chịu nhưng không khuất phục, yếu mềm nhưng vẫn đủ mạnh mẽ để nuôi trong mình khát vọng vươn lên. Và hơn hết là tài năng và vai trò quan trọng của họ đối với gia đình, xã hội được ngòi bút dân gian ghi lại, truyền đời mãi về sau. Các tác phẩm văn học dân gian dù truyền khẩu, hay được ghi chép lại cho đến nay vẫn luôn có sức sống bền vững trong đời sống đồng bào dân tộc Thái, là những bài học sâu sắc cho bao thế hệ và là điểm sáng trong kho tàng văn hóa và tri thức ngàn đời của một dân tộc có lịch sử gắn bó lâu đời với đại ngàn Tây Bắc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!