Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lao động dồi dào và sở hữu nguồn tài nguyên lớn về đất, với tổng diện tích đất tự nhiên trên 98.000 ha, trong đó đất nông nghiệp trên 34.000 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Vân Hồ xây dựng vùng chuyên canh, đưa ứng dụng công nghệ cao vào trồng, chăm sóc cam, chanh leo, nhãn, xoài, bưởi, rau an toàn... Đến nay, nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, nhà hàng lớn trong, ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh của HTX Gia Thịnh (Vân Hồ).
Những năm qua, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; vận động nhân dân chuyển đổi trồng các giống cây mới có năng suất, chất lượng cao; trồng cây ăn quả trên đất dốc, ghép cải tạo vườn tạp tại các xã. Đồng thời, phối hợp với các xã chuyển giao kỹ thuật và xây dựng 50 mô hình nông nghiệp mới. Đến nay, nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, như: Cải tạo và thâm canh 40 ha quýt tại xã Chiềng Yên; trồng cam Vinh, bưởi diễn quy mô 50 ha tại các xã Suối Bàng, Chiềng Yên, Chiềng Xuân, Chiềng Khoa, Tô Múa; ghép cải tạo vườn nhãn, quy mô 30 ha tại xã Chiềng Khoa, Tân Xuân; sản xuất chè an toàn, chè VietGAP; trồng rau an toàn tại xã Vân Hồ... nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 1.891 ha, tăng 146% so với năm 2015, sản lượng quả đạt 4.100 tấn/năm; 352 ha rau, sản lượng đạt 4.468 tấn/năm; thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác ngày càng tăng.
Một trong những xã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao phải kể đến xã Chiềng Xuân. Diện tích cây ăn quả toàn xã tăng dần qua các năm, từ 34 ha năm 2015 đến nay đã phát triển, nhân rộng lên trên 160 ha, với mức thu nhập bình quân từ 50 đến 300 triệu đồng/ha. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của HTX Tiến Thành; HTX trồng cây ăn quả Vân Hồ, mỗi năm đã mang lại cho hộ dân thu nhập từ 100 đến 300 triệu đồng/ha/năm.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Do địa hình đồi núi dốc, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún... là nguyên nhân khiến cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những giải pháp đang được huyện tập trung để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển đó là huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống đường giao thông liên xã, bản và đường nội đồng; thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ - du lịch. Cùng với đó, huyện đang rà soát bổ sung quy hoạch vùng trồng cây ăn quả phù hợp với từng xã; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, đặc biệt là tham gia vào Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Tập đoàn Vingroup triển khai, đưa các sản phẩm nông sản vào các chuỗi tiêu thụ của hệ thống các chợ, siêu thị có uy tín. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các viện nghiên cứu, trường đại học, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho cá nhân, doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Với các giải pháp đồng bộ, Vân Hồ sẽ thúc đẩy sản xuất ngày một phát triển theo hướng hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - hộ dân, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của huyện Vân Hồ phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!