Tết Kỷ Hợi đang đến gần, người người, nhà nhà đều mong muốn sắm được những cành đào ưng ý để trang trí cho căn nhà của mình. Cây đào của xã Lóng Luông là một trong những cây được tiêu thụ lớn trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Cũng bởi nhu cầu cao của người tiêu dùng, nên nhiều hộ gia đình ở xã Lóng Luông (Vân Hồ) đã có thu nhập trăm triệu đồng từ bán cây đào, cành đào vào mỗi dịp Tết.
Một điểm bán cành đào trên quốc lộ 6, đoạn qua xã Lóng Luông (Vân Hồ).
Cây đào đã gắn bó với đời sống và phong tục, tập quán của người dân nơi đây từ lâu nên trong những khu vườn quanh nhà, mỗi hộ dân đều trồng một vài cây. Nhiều năm nay, khách du lịch đến đi qua Lóng Luông đều ghé vào những vườn đào tại các gia đình để chụp ảnh, lưu lại những kỷ niệm trong chuyến du xuân của mình. Theo người dân địa phương, ngoài trồng đào để bán cành phục vụ ngày Tết thì một phần diện tích được trồng đào để bán quả. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, dọc hai bên quốc lộ 6, từ thị trấn Mộc Châu đến Lóng Luông (Vân Hồ), cành đào được bày bán nhiều. Điểm bán nhiều nhất là từ bản Co Chàm đến bản Lóng Luông, hai bên đường có nhiều điểm người dân tập trung bán cành đào, người mua khá tấp nập, trong đó có nhiều chiếc xe tải chở cành đào về xuôi.
Chúng tôi trò chuyện với ông Tếnh A Chiu, bản Săn Cài về những cành đào Tết. Ông Chiu hồ hởi nói: Mấy năm gần đây, rất nhiều người miền xuôi lên đây mua cành đào, đặc biệt là đào bản địa của xã, cũng có nhiều người mua cả gốc cây đào. Tết năm trước, từ khu vườn rộng gần 1 ha, gia đình tôi đã thu trên 70 triệu đồng từ bán cành đào. Thấy hiệu quả từ cây đào, bà con trong bản đã chú trọng chăm sóc cây đào thật tốt để mỗi dịp Tết đến, cành đào bán được giá hơn.
Hiện nay, xã Lóng Luông có hơn 200 ha trồng đào, chủ yếu ở các bản nằm dọc theo quốc lộ 6, như: Co Chàm, Co Lóng, Săn Cài và Lóng Luông... Mỗi độ xuân về, tại nhiều vườn đào trong xã, các thương lái và những người có sở thích chơi cành đào đến mua để vận chuyển về miền xuôi bán hoặc trang trí cho gia đình. Khác với đào Pháp có dáng thẳng, vươn cao, đào Lóng Luông là giống đào bản địa mà người dân vẫn quen gọi là đào mèo, điểm khác biệt đó là những vết mốc, sần sùi trên thân, cành cây, cùng với kiểu dáng tạo ra các thế cành mang những ý nghĩa mà chỉ những người “sành chơi” hiểu rõ nhất. Cùng với đó, màu sắc hoa của đào mèo có phần tươi tắn và nở lâu hơn so hoa đào Pháp. Do đó, giá của những cành đào này không rẻ, thậm chí có cành bán với giá 4-5 triệu đồng, nhưng vẫn được khách hàng lựa chọn. Nhờ vậy, nhiều hộ dân ở Lóng Luông đã có cuộc sống khá giả từ cây đào như: Ông Tếnh A Vờ, bản Săn Cài; ông Giàng A Dê và Giàng A Xua bản Co Lóng...
Những ngày cận Tết đi qua đoạn đường này cũng dễ nhận thấy nhiều chủ xe con và xe tải dừng để chọn cành đào hoặc bốc, xếp hàng lên xe chở đi nơi khác gây nên ùn tắc giao thông. Theo người dân, nếu chuyển chỗ bán cành đào ra nơi khác, họ lo khách qua đường sẽ không thấy chỗ bán và xe to cũng rất khó bốc, xếp hàng, vì vậy họ vẫn bán cành đào ở hai bên đường. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Tếnh A Chìa, Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, cho biết: Nhận thấy nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông trên quốc lộ 6 đoạn qua xã Lóng Luông, UBND xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản tuyên truyền, vận động bà con không bán cành đào ở hai bên đường. Đồng thời, xã đã bố trí những điểm bán cành đào ở những nơi thuận tiện cho việc dừng, đỗ xe của khách, cũng như việc bốc xếp hàng của người dân, để bảo đảm an toàn giao thông cho người dân và những người tham gia giao thông trên đoạn đường này.
Từ bao đời nay, trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình chọn mua cành đào để trang trí. Và cũng chính loại cây trồng này đã và đang giúp bà con đồng bào dân tộc Mông ở xã Lóng Luông vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống gia đình. Tin rằng, mỗi dịp Tết đến, xuân về cành đào Lóng Luông vẫn luôn là mặt hàng được du khách gần xa ưa chuộng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!