Tư vấn pháp lý về Luật Việc làm

Câu hỏi tình huống: Tôi có nghe qua thông tin đại chúng là Nhà nước có chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người dân. Xin hỏi những chính sách đó được quy định như thế nào ?

Trả lời: Theo quy định trong Luật Việc làm năm 2013, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người dân gồm các chính sách được quy định như sau:

I. CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG ƯU ĐÃI TẠO VIỆC LÀM

1. Tín dụng ưu đãi tạo việc làm (Điều 10)

Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.

2. Quỹ quốc gia về việc làm (Điều 11)

Nguồn hình thành Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm: Ngân sách Nhà nước; nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các nguồn hợp pháp khác.

3. Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm (Điều 12)

3.1. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hộ kinh doanh; người lao động.

3.2. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;

b) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.

4. Điều kiện vay vốn (Điều 13)

4.1. Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;

b) Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

c) Có bảo đảm tiền vay.

4.2. Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;

c) Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.

4.3. Chính phủ quy định mức vay, thời hạn, lãi suất cho vay, trình tự, thủ tục vay vốn và điều kiện bảo đảm tiền vay.

5. Cho vay ưu đãi từ các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ tạo việc làm (Điều 14)

Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước sử dụng các nguồn tín dụng khác để cho vay ưu đãi nhằm thực hiện các chính sách gián tiếp hỗ trợ tạo việc làm.

II. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH VIỆC LÀM ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG Ở KHU VỰC NÔNG THÔN

1. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn (Điều 15)

1.1. Căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.

1.2. Người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng các chế độ sau đây: Hỗ trợ học nghề; tư vấn miễn phí về chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, học nghề; giới thiệu việc làm miễn phí; vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này.

2. Hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn (Điều 16)

Người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 03 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, THT, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn (Điều 17)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, THT, hộ kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động sau đây:

3.1. Vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật này;

3.2. Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm;

3.3. Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

III. CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM CÔNG

1. Nội dung chính sách việc làm công (Điều 18)

1.1. Chính sách việc làm công được thực hiện thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn cấp xã, bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp; xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng; bảo vệ môi trường; ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, hoạt động khác phục vụ cộng đồng tại địa phương.1.2. Các dự án, hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này khi thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu tham dự thầu đề xuất phương án sử dụng lao động thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.

1.3. Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức thực hiện chính sách việc làm công.

2. Đối tượng tham gia (Điều 19)

2.1. Người lao động được tham gia chính sách việc làm công khi có đủ các điều kiện sau đây: Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án, hoạt động; tự nguyện tham gia chính sách việc làm công.

2.2. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm được ưu tiên tham gia chính sách việc làm công.

2.3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động quy định tại khoản 1 Điều này khi thực hiện dự án, hoạt động không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này.

IV. CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHÁC

1. Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 20)

2. Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên (Điều 21)

2.1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tạo việc làm.

2.2. Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên;

2.3. Chính phủ quy định chi tiết điểm b và điểm c khoản 2 Điều này.

3. Hỗ trợ phát triển thị trường lao động (Điều 22)

Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua các hoạt động sau đây:

3.1. Thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động;

3.2. Hiện đại hóa hoạt động dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động;

3.3. Đầu tư nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm;

3.4. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động.

Tòng Minh (Trung tâm TTGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới