Kỳ vọng giá xăng dầu ổn định trong quý III

Theo xu hướng giá thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, giúp giá cước vận tải và giá cả nhiều hàng hóa hạ nhiệt.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong quý 3 năm nay, giá dầu thế giới được dự đoán sẽ dần phục hồi do nguồn cung thu hẹp so với nhu cầu. Tuy nhiên, biến động giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn năm ngoái, là tiền đề bình ổn chi phí vận chuyển và kiểm soát hiệu quả lạm phát trong nước.

Áp lực vĩ mô đang chi phối giá dầu thế giới

Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày 24/5, giá dầu WTI trên sở NYMEX đạt mức 74,3 USD/thùng, và giá dầu Brent trên sở ICE ở mức 78,2 USD/thùng.

Mặc dù giá dầu đang trên đà hồi phục kể từ khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng vào ngày 20/3, nhưng mức giá hiện tại vẫn thấp hơn 10% so mức đỉnh trong tháng 4 năm nay và giảm mạnh 35% so cùng kỳ 2022.

Kỳ vọng giá xăng dầu ổn định trong quý III ảnh 1

Những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng và bế tắc trong việc nâng mức trần nợ công tại Mỹ đã đè nặng lên nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ngoài áp lực rủi ro suy thoái của Mỹ, sự giảm tốc bất ngờ trong hoạt động sản xuất tháng 4 của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu đứng thứ 2 thế giới, cũng khiến triển vọng nhu cầu dầu chững lại.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết: “Bước sang quý 3, thị trường kỳ vọng nguồn cung thu hẹp hơn do Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) cắt giảm thêm sản lượng, trong khi Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới bước vào mùa di chuyển cao điểm. Giá dầu sẽ có động lực phục hồi, nhưng mức độ biến động sẽ khó có thể mạnh như năm ngoái”.

Xu hướng phục hồi của giá dầu sẽ không còn quá mạnh

Trong giai đoạn đầu tháng 4, có thời điểm giá dầu tăng vọt lên trên 80 USD/thùng do tuyên bố cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+. Tuy nhiên, mức tăng đột biến đã được xóa bỏ hoàn toàn chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng.

Thậm chí, có thời điểm giá dầu thế giới đã rơi xuống mức 68 USD/thùng. Lo ngại tăng trưởng yếu tại các nền kinh tế hàng đầu vẫn đặt ra thách thức lớn đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới.

Trong quý III, ngoài yếu tố nguồn cung thu hẹp, giá dầu cũng sẽ nhận được hỗ trợ do nhu cầu mùa du lịch hè cao điểm của Mỹ đang đến gần.

Ngoài ra, bức tranh tiêu thụ tại châu Á được kỳ vọng sẽ khởi sắc, cũng sẽ giúp giá dầu phục hồi. Đặc biệt, nhu cầu dầu của Trung Quốc được OPEC dự báo sẽ tăng thêm 800.000 thùng/ngày vào cuối năm, chiếm tới hơn 30% tổng tăng trưởng toàn cầu.

Mức tăng trưởng này sẽ được đáp ứng bởi Nga, nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới. Nga đang tăng cường cung cấp dầu cho khu vực châu Á, nhằm bù đắp những tổn thất dòng chảy về phía châu Âu.

Dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg cho thấy mức xuất khẩu dầu trung bình 4 tuần của Nga sang châu Á đã tăng lên mức kỷ lục trong tuần kết thúc ngày 19/5, đạt 3,6 triệu thùng/ngày và là tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Kỳ vọng giá xăng dầu ổn định trong quý III ảnh 2
 

“Kế hoạch cắt giảm sản lượng từ phía OPEC+ được thực hiện từ tháng 5, nhưng trong bối cảnh hiện tại, mối lo nguồn cung khó có thể khiến giá dầu phục hồi quá mạnh khi dòng chảy dầu thô của Nga tới thị trường châu Á duy trì sự ổn định và có thể đảm bảo cho tăng trưởng cho nhu cầu tiêu thụ của khu vực này”, ông Quang Anh đánh giá.

Bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, trong kỳ điều hành mới nhất ngày 22/5, Liên Bộ Tài chính-Công thương Việt Nam đã điều chỉnh tăng nhẹ giá xăng sau 4 lần giảm liên tiếp. Hiện tại, giá xăng E5 RON 92 đạt mức 21.480 đồng/lít, xăng RON 95 đạt 21.490 đồng/lít. Giá dầu diesel cũng đã tăng lên 17.950 đồng/lít.

Nhưng nhìn chung, giá xăng dầu trong nước hiện thấp hơn khoảng 30% so cùng kỳ năm 2022.

MXV cho rằng mặc dù vẫn có không gian cho sự gia tăng của giá dầu thế giới, nhưng mức biến động sẽ không còn quá mạnh như năm ngoái. Giá xăng dầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực vận tải hàng hoá.

Ổn định chi phí vận tải và hàng hoá, góp phần bình ổn lạm phát

Nửa đầu năm ngoái, giá xăng dầu liên tục tăng đã kéo theo giá cước vận tải tăng vọt, gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp vận chuyển, đồng thời gián tiếp khiến giá cả hàng hóa leo thang.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái đến nay, chi phí vận chuyển trong nước có xu hướng giảm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định, tạo điều kiện cho chi phí vận tải và vấn đề lưu thông hàng hóa.

Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển của tất cả các loại hình vận tải tại Việt Nam đạt 737 triệu tấn, tăng 17,31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó hoạt động vận tải bằng đường biển, đường thủy nội địa và đường bộ đang chứng kiến đà phục hồi tích cực.

Kỳ vọng giá xăng dầu ổn định trong quý III ảnh 3

Giá cước vận tải bình ổn theo giá xăng dầu, cũng gián tiếp hạn chế đà tăng vọt của nhiều loại hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hạ nhiệt lạm phát tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4/2023 của nước ta đã giảm 0,34% so tháng trước.

Là đầu vào quan trọng hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt đối với ngành vận tải khi chi phí xăng dầu chiếm từ 35-40% giá thành, sự ổn định của giá nhiên liệu so năm 2022 sẽ góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Tuy nhiên, về mặt dài hạn, giá dầu vẫn còn khả năng tăng cao khi OPEC cho biết, thị trường sẽ trở nên thâm hụt vào giai đoạn cuối năm nếu tổ chức này kiên quyết theo đuổi chính sách cắt giảm sản lượng.

Bức tranh vĩ mô tiềm ẩn rủi ro, cán cân cung cầu xăng dầu dài hạn nhiều biến động khó nắm bắt, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến trên thị trường quốc tế và chủ động điều chỉnh, đảm bảo ổn định cho thị trường xăng dầu trong nước.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới