Giá đồng giảm tạo đà bứt tốc cho năng lượng tái tạo Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng truyền thống không thể tái tạo, các kim loại công nghiệp, đặc biệt là kim loại đồng, sẽ trở thành nguồn nguyên liệu thiết yếu cho quá trình chuyển đổi này.

Chuyển dịch năng lượng theo hướng “xanh” là xu thế tất yếu và là một những động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, ngày càng nhiều quỹ đầu tư và các công ty sản xuất kinh doanh quan tâm đến giá của các kim loại cần thiết cho quá trình này, tiêu biểu là kim loại đồng.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc phiên 23/5, giá đồng trên Sở COMEX giảm 0,83% về 8.056,78 USD/tấn. Đáng chú ý, đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022.

Giá đồng tăng mạnh vào đầu tháng 1 năm nay nhờ kỳ vọng vào sự phục hồi của nhà tiêu thụ số một thế giới - Trung Quốc. Tuy nhiên, đà tăng yếu dần và đảo chiều khi các số liệu kinh tế được công bố vào các tháng sau đó cho thấy nguy cơ tăng trưởng chậm trên toàn cầu.

Giá đồng giảm tạo đà bứt tốc cho năng lượng tái tạo Việt Nam ảnh 1

Kim loại thiết yếu cho quá trình chuyển đổi xanh

Đồng là một trong những kim loại được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, khoảng 24-25 triệu tấn mỗi năm. Theo ước tính của S&P Global, cường độ tiêu thụ đồng tăng lên theo từng năm và để bảo đảm đáp ứng các cam kết chống biến đổi khí hậu, mức tiêu thụ đồng sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 50 triệu tấn mỗi năm kể từ năm 2030.

Hiện nay, gần 80% nhu cầu tiêu thụ đồng mỗi năm đến từ đặc tính dẫn điện của kim loại này, vì thế, nhu cầu điện toàn cầu gia tăng trong bối cảnh các nền kinh tế hồi phục và phát triển, sẽ thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ đồng.

Công ty Nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cho biết, ngành xe điện là động lực chính thúc đẩy nhu cầu đồng đối với lĩnh vực năng lượng xanh trong 2 thập kỷ tới, chiếm 55%. Mỗi chiếc ô-tô điện sẽ cần lượng đồng nhiều gấp trung bình 2,5 lần phương tiện sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.

Triển vọng tiêu thụ khả quan, trong khi nguồn cung đang chịu nhiều sức ép, và có thể đẩy thị trường đồng toàn cầu vào trạng thái thâm hụt từ 1,5-9,9 triệu tấn trong năm 2035, tùy vào khả năng mở rộng công suất của các ngành có ứng dụng liên quan chuyển đổi năng lượng xanh.

Giá đồng giảm tạo đà bứt tốc cho năng lượng tái tạo Việt Nam ảnh 2

Bất ổn xã hội ở Chile và Peru, đang làm giảm sản lượng của 2 nhà xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới. Các nước nắm giữ trữ lượng đồng lớn như Nga hay Iran hiện vẫn đang duy trì nhiều hạn chế đối với việc thương mại đồng.

Bên cạnh đó, việc xin phê duyệt khai thác các mỏ đồng mới cũng đang bị chậm lại trên toàn cầu, khi mà các doanh nghiệp phải đáp ứng ngày càng nhiều tiêu chuẩn bền vững về môi trường.

 

Tình trạng thâm hụt có thể chưa phản ánh hết vào giá đồng trong ngắn hạn, vì thế giá đồng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình tăng trưởng kém khả quan của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực Liên minh châu Âu (EU). Trong kịch bản giá giảm sâu, nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực năng lượng xanh cũng có thể kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh mua đồng để tích trữ.

Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV Phạm Quang Anh

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức MXV cho biết: “Tình trạng thâm hụt có thể chưa phản ánh hết vào giá đồng trong ngắn hạn, vì thế giá đồng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình tăng trưởng kém khả quan của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay khu vực Liên minh châu Âu (EU). Trong kịch bản giá giảm sâu, nhu cầu tiêu thụ trong lĩnh vực năng lượng xanh cũng có thể kích thích các doanh nghiệp đẩy mạnh mua đồng để tích trữ”.

Quá trình “xanh hóa năng lượng” tại Việt Nam thúc đẩy vai trò của đồng

Tại Việt Nam, Chính phủ mới đây đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) với điểm sáng nằm ở việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Cụ thể, đến năm 2030, nguồn điện gió (bao gồm cả ngoài khơi và trên bờ) sẽ chiếm tỷ trọng 18,5% tổng công suất các nhà máy điện, nguồn điện mặt trời sẽ chiếm khoảng 8,5%. Đến năm 2050, tỷ trọng của điện gió và điện mặt trời trong tổng công suất sẽ chiếm từ 59,5%-63,8%.

Sự dịch chuyển cơ cấu điện quốc gia trong giai đoạn tới sang hướng “xanh hơn” cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu với các kim loại cơ bản, đặc biệt là đồng. Theo số liệu từ MXV tổng hợp, đối với sản xuất điện tái tạo, một trang trại gió ngoài khơi sử dụng khoảng 5 tấn đồng/MW, gấp khoảng 5 lần so nhà máy điện thông thường, còn các cơ sở năng lượng mặt trời sử dụng 2,3 tấn đồng/MW, gấp đôi so sản xuất điện thông thường.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nước ta nhập khẩu 399.048 tấn đồng trong năm 2022, và ước tính sơ bộ tới ngày 15/5/2023, nước ta đã nhập khẩu 173.693 tấn đồng, tăng 22% so cùng kỳ năm trước.

Giá đồng giảm tạo đà bứt tốc cho năng lượng tái tạo Việt Nam ảnh 3

Biến đổi khí hậu và nóng lên trên toàn cầu đang đặt ra thách thức lớn cho ngành điện lực nước ta trong việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ không chỉ trong các đợt nắng nóng cao điểm, mà còn bảo đảm an ninh năng lượng.

Trong thời gian tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như tăng cường trao đổi với các đối tác về việc giải quyết các vấn đề như an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và kinh tế xanh.

Có thể thấy, việc Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực năng lượng xanh sẽ tạo động lực nội tại để nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.

Cũng theo ông Phạm Quang Anh, việc bảo đảm đầy đủ nguồn nguyên liệu thiết yếu cho quá trình chuyển đổi xanh cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc giá đồng đang có xu hướng giảm sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây lắp điện giảm bớt áp lực về chi phí đầu vào.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới