Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề sức khỏe của nhân dân là một trong những trách nhiệm quan trọng của Đảng và người thầy thuốc chính là người thay mặt cho Đảng, Chính phủ chăm lo sức khỏe cho nhân dân.
Khắc ghi lời Bác Hồ dạy “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”, 70 năm qua, dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, ngành Y tế tỉnh Sơn La đã lớn mạnh về mọi mọi, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày càng được nâng lên.
Những dấu mốc lịch sử
.jpg)
Bệnh viện Khu Tây Bắc những ngày đầu. (Ảnh: CDC Sơn La)
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đời sống nhân dân các dân tộc miền núi Tây Bắc vô cùng khổ cực. Nạn đói triền miên, tệ nạn nghiện hút thuốc phiện, nghiện rượu hết sức phổ biến, những hủ tục, như: Tảo hôn, cúng bái, ma chay, chính sách thuế khóa hết sức nặng nề, các loại dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra thường xuyên, song nguy hiểm nhất là dịch sốt rét. Sốt rét đã biến Sơn La thành vùng ma thiêng, nước độc, ‘‘Nước Sơn La - Ma Vạn Bú’’ gây bao nỗi kinh hoàng cho những ai có dịp lên Sơn La. Ngoài dịch bệnh cấp tính, các bệnh xã hội khác, như: Bướu cổ, phong, lao… cũng rất nghiêm trọng. Thời kỳ này, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Sơn La không được chăm sóc sức khỏe, dịch bệnh xảy ra triền miên. Một số cơ sở khám, chữa bệnh nhỏ lẻ được thành lập, chủ yếu để phục vụ hệ thống quan lại và bộ máy cai trị của thực dân, phong kiến.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 26/8/1945, Ủy ban Cách mạng lâm thời và Ban Cán sự mặt trận Việt Minh ra mắt trước đông đảo đồng bào Sơn La tại đồi Khau Cả. Nhà thương trên đồi Khau Cả được sử dụng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân những ngày đầu giành chính quyền. Y tá Cầm Văn Inh được giao phụ trách nhà thương cùng với 3 y tá khác. Năm 1946 - 1947, quân Pháp theo đường Lai Châu tràn xuống đánh chiếm Thuận Châu, nhóm y tá nhà thương trên đồi Khau Cả rút về Hát Lót sáp nhập với Quân y Trung đoàn 148. Cán bộ quân dân y theo Trung đoàn 148 về tuyến sau làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bộ đội, cán bộ và nhân dân tản cư. Riêng đội Lưu động dã chiến có nhiệm vụ phục vụ tác nghiệp trên toàn mặt trận (Phù Yên, Nghĩa Lộ). Tháng 6/1948, Phòng Y tế quốc dân liên khu 10 được thành lập. Tháng 2 năm 1949, quyết định thành lập ty Y tế tỉnh Sơn Lai (Sơn La - Lai Châu) của Ủy ban Liên khu 10 được thực hiện.
Sau thắng lợi chiến dịch Tây Bắc (1952-1953), năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 134/SL, sắc lệnh thành lập khu Tây Bắc. Bác sĩ Đỗ Đạo Tiềm được cử giữ chức Giám đốc Sở Y tế Tây Bắc. Cơ quan văn phòng sở gồm 3 ngôi nhà lá đóng tại bản Pắc Xổm gần Châu lỵ Văn Chấn (Nghĩa Lộ). Các ông: Lý Văn Bình, Vũ quốc Bảo, Đặng Ngọc Quỳnh, Lê Cương được cử giữ chức trưởng ty Y tế các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La.

Tháng 8 năm 1953, lớp y tá đầu tiên của khu Tây Bắc khai giảng, lớp gồm 40 học sinh hầu hết là con em đồng bào các dân tộc trong khu do y sỹ Nguyễn Lược phụ trách. Ngày 12/1/1954, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, một bộ phận học sinh của lớp được động viên tham gia phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 10 năm 1953, quân Pháp rút khỏi Nà Sản, tỉnh Sơn La hoàn toàn thuộc quyền quản lý của chính quyền cách mạng. Cơ quan tỉnh Sơn La chuyển về tập kết tại xã Mường Bon huyện Mai Sơn. Ty Y tế Sơn la đã cử cán bộ về các địa phương mở cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh, ăn chín, uống xôi, uống thuốc phòng bệnh sốt rét, vệ sinh làng bản với khẩu hiệu “Sạch bản -Tốt ruộng nương” đã diễn ra rất sôi nổi. Phong trào còn mở rộng đến những nội dung bài trừ mê tín, vận động đưa người ốm đi chữa bệnh.
Tháng 7/1954, tại xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn (Nghĩa Lộ), một cơ sở khám chữa bệnh 50 giường được xây dựng. Cơ sở điều trị này chính là tiền thân của Bệnh viện Đa khoa khu Tây Bắc sau này và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La ngày nay. Tháng 9/1954, Ty Y tế chuyển lên tiếp quản nhà thương cũ của Pháp trên đồi Khau Cả, xây dựng nền y tế Sơn La thời kỳ xã hội chủ nghĩa trong không khí của miền Bắc hoà bình.

Tháng 2/1955, Ty Y tế Tây Bắc và Bệnh viện khu chuyển từ Văn Chấn (Nghĩa Lộ) về Thuận Châu - Sơn La. Chỉ chưa đầy 3 tháng sau, trên khu đất giáp bản Huông, bên kia suối Muội (vị trí Bệnh viện Thuận Châu ngày nay), Văn phòng Sở Y tế và Bệnh viện khu được xây dựng xong và đưa vào sử dụng.
Ngày 29/4/1955, khu Tự trị Thái - Mèo được thành lập. Hệ thống hành chính cấp tỉnh giải thể, các châu trực thuộc thẳng Ủy ban hành chính khu. Trên cơ sở khung cán bộ chuyển về từ Văn Chấn, Sở Y tế khu tự trị Thái Mèo được hình thành, cán bộ Ty Y tế Sơn La được điều động về công tác tại Văn phòng Sở.
Tháng 5/1955, tại xã Chiềng Cang (Sông Mã) trại Phong được xây dựng. Sau khi hoàn thành, trại tiến hành thu nhận bệnh nhân Phong của cả vùng Tây Bắc và một số huyện của tỉnh Hủa Phăn (Lào). Năm 1987, trại được sáp nhập vào Trạm Da liễu tỉnh Sơn La.
Tháng 10 năm 1957, Bệnh viện Đa khoa Khu Tự trị Thái - Mèo được nâng lên mức 100 giường bệnh. Các khoa/phòng chủ lực như: Khoa Nội, Nhi, Lây, Ngoại, Sản, khoa Liên khoa (Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt) phòng Hành chính quản trị, bếp ăn người bệnh đã dần được hình thành, chất lượng công tác khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh được nâng lên rõ rệt.
Cuối năm 1959 – 1965, ngành Y tế Sơn La tiếp tục có những thay đổi về cơ sở vật chất, nhân sự để phù hợp với điều kiện thực tế và công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Nổi bật là trường Y tá được Ủy ban hành chính Khu Tự trị quyết định nâng cấp thành Trường Y sĩ khu Tự trị Thái - Mèo và được phép chiêu sinh lớp y sĩ; sáp nhập Trường Y tế và Bệnh viện Khu thành Bệnh viện - Trường Y tế khu Tự trị Thái – Mèo; hệ thống các cơ sở kinh doanh Dược phẩm từ ngành Thương Nghiệp được chuyển giao cho ngành Y tế.

Năm 1965, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La được thành lập, một số cán bộ của bệnh viện khu Tự trị Thái - Mèo được chọn làm cán bộ khung của bệnh viện; hệ thống các trạm của khối y tế Dự phòng trực thuộc ty Y tế Sơn La được thành lập. Đây cũng là năm ra đời của Bệnh viện Điều dưỡng, Bệnh viện Chống Lao; Công ty Dược phẩm được chia tách thành 2 đơn vị độc lập là Công ty Dược phẩm và Xí nghiệp Dược. Thời điểm này, những chiến dịch vận động nằm màn, uống thuốc phòng bệnh sốt rét được các đơn vị y tế các cấp triển khai rầm rộ và đều khắp làm thay đổi nhận thức của nhân dân các dân tộc về căn bệnh sốt rét và thay đổi cả bộ mặt dịch tễ của sốt rét tại Tây Bắc. Các chỉ số dịch bệnh, như: Số người mắc, chết do sốt rét, tỷ lệ người có ký sinh trùng giảm dần.
Tháng 6/1965, Mỹ cho máy bay đánh phá Mộc Châu và thị xã Sơn La, các cơ sở y tế cũng là trọng điểm bắn phá của máy bay giặc. Ngành Y tế chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến. Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Ty Y tế Sơn La và các đơn vị trực thuộc đã triệt để sơ tán, bảo toàn lực lượng để cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ: Đảm bảo yêu cầu y tế thời chiến và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Văn phòng Ty, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Y tế, các trạm chuyên khoa sơ tán tại khu vực bản Hôm xã Chiềng Cọ (Mường La). Riêng Bệnh viện Khu Tây Bắc, đã di chuyển rất nhiều nơi (có lúc sang tận Phù Yên), cuối cùng về đồn trú tại khu vực xã Chiềng La (Thuận Châu) cho đến ngày kết thúc chiến tranh.
Năm 1972, các trạm Vệ sinh - Dịch tễ, Da liễu được sáp nhập thành 1 đơn vị, bộ phận Da liễu tồn tại như một tổ chuyên môn trong trạm Vệ Sinh- Dịch tễ; các cơ quan tỉnh Sơn La trong đó có Ty Y tế chuyển xuống Hát Lót (Mai Sơn).
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, tháng 1/1976, khu Tự trị Việt Bắc và Tây Bắc được giải thể. Thời kỳ này, các nguồn lực của ngành Y tế Sơn La vẫn rất khó khan, cả tỉnh mới chỉ có 46 bác sĩ và chủ yếu tập trung tại tuyến tỉnh, một số huyện chưa có bác sĩ. Bệnh viện Khu tự trị Tây Bắc đổi tên thành Bệnh viện Đa khoa I. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La (đóng tại Mai Sơn) mang tên Bệnh viện Đa khoa II.
Vào đầu năm 1979, chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, Sơn La là hậu phương trực tiếp của mặt trận Lai Châu, ngành Y tế Sơn La đã thành lập và cử đội Phẫu thuật dã chiến luân phiên tăng cường cho mặt trận. Đây là năm ra đời Trạm Vận chuyển - Cấp cứu 05 với cơ số gồm 10 xe ô tô cứu thương, 1 xe RAFF, 1 xe chuyên dụng có thể triển khai mổ cấp cứu trên xe được đưa vào hoạt động. Trạm cấp cứu 05 hoạt động đến năm 1987 được sáp nhập thành một bộ phận của Bệnh viện Đa khoa Sơn La.

Đầu năm 1980, một mô hình mới được triển khai, Ty Thể dục - Thể thao sáp nhập với Ty Y tế thành Ty Y tế - Thể dục, thể thao. Các phòng y tế huyện mang tên Ban Y tế - Thể dục thể thao. Cuối năm 1984, bộ phận Thể dục - Thể thao tách khỏi ngành Y tế thành lập Sở Thể dục - Thể thao trực thuộc UBND tỉnh, Ty Y tế được đổi thành Sở Y tế. Năm 1984, Sở Y tế Sơn La ký kết hợp tác về lĩnh vực y tế với các tỉnh của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và cử nhiều đoàn chuyên gia tham gia chống dịch sốt rét tại tỉnh Hủa Phăn (Lào) và hỗ trợ kỹ thuật Bệnh viện tỉnh Bó Kẹo. Cuối năm 1987, bộ phận Da liễu từ Trạm Vệ sinh - Dịch tễ được tách ra thành lập trạm Phong và Da liễu. Trại Phong Sông Mã được sáp nhập thành bộ phận của Trạm Phòng chống Phong và Da liễu tỉnh Sơn La.
Để kiện toàn mạng lưới y tế tuyến huyện, năm 1990, thực hiện Nghị định số 01/1990/NĐ-CP của Chính phủ, phòng y tế các huyện, thị xã được chuyển thành trung tâm y tế. Trong năm này, Bệnh viện Đa khoa Phù Yên được nâng cấp thành bệnh viện tuyến tỉnh và mang tên Bệnh viện Đa khoa khu vực Phù Yên. Bệnh viện Đa khoa II chuyển thành Bệnh viện Đa khoa Mai Sơn. Cuối năm 2000, cùng với 64 tỉnh thành trong cả nước, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Sơn La được thành lập. Tháng 5/2001, Trung tâm chính thức ra mắt và đi vào hoạt động, chuyên khoa Giáo dục sức khỏe có một cơ quan chuyên sâu chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức thực hiện chuyên ngành Truyền thông - Giáo dục sức khỏe trên phạm vi toàn tỉnh. Năm 2004, trên cơ sở của Phòng khám Đa khoa khu vực trước đây, Trung tâm Y tế huyện Sốp Cộp được xây dựng, sau 2 năm, tập thể cán bộ công chức Y tế Sốp Cộp đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm.

Ảnh: CDC tỉnh Sơn La.
Thực hiện Nghị định số 171/2006/NĐ-CP và Nghị định số 172/2006/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, năm 2006, tại tuyến huyện, Trung tâm Y tế dự phòng, phòng Y tế được thành lập. Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế Dự phòng trực thuộc Sở Y tế, phòng Y tế trực thuộc UBND các huyện, thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác phòng chống HIV/AIDS, tháng 6 năm 2006, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trực thuộc sở Y tế được thành lập. Tính đến 31/12/2008, số người có HIV được phát hiện tại Sơn La đã lên tới con số trên 6.000 người, hàng ngàn người đã chết do AIDS.
Tháng 5/2008, thực hiện Nghị định số 13/2008/NĐ-CP và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác Dân số được chuyển về ngành Y tế. Giải thể Ủy ban Dân số tỉnh, thành lập Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình trực thuộc Sở Y tế. Tại các huyện, trong năm 2009, các Trung tâm Dân số các huyện cũng được thành lập. Năm 2024, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình được đổi tên thành Chi cục Dân số.
Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Xuyên suốt 70 năm qua, ngành Y tế Sơn La luôn cố gắng làm theo lời Bác dạy, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, điểm tựa của nhân dân trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe.
Ngành Y tế Sơn La tự hào khi được đóng góp vào kết quả chung trong công cuộc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình trọng điểm quốc gia. Với mục tiêu “Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”, trong 6 năm, tỉnh Sơn La đã di chuyển thành công 12.584 hộ, 58.337 nhân khẩu, ở 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, đến tái định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép thuộc 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh. Theo chủ trương của các cấp lãnh đạo, ngành Y tế Sơn La đã chuyển thẻ bảo hiểm y tế của người dân đến nơi tái định cư trước khi di chuyển dân để kịp phục vụ nhân dân khám, điều trị bệnh. Đồng thời, bố trí nhân lực, thực hiện các biện pháp phun khử khuẩn, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh môi trường, phòng, chống không để xảy ra dịch bệnh... tại vùng di dân tái định cư.

Năm 2016, là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, công tác chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác. Nhất là việc giáo dục y đức và đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ gắn với “3 xây, 3 chống, 3 biết” đã tạo sự chuyển biến tốt tại các cơ sở khám, chữa bệnh, kết quả khảo sát sự hài lòng người bệnh đạt tỷ lệ 92,8%, tỷ lệ hài lòng CBVC là 93%. Quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan bệnh viện xanh-sạch-đẹp, an toàn được chú trọng. Tổng số khám bệnh đạt 103%, số bệnh nhân điều trị nội trú đạt 120%.
Năm 2017, ngành Y tế đã khởi công xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La quy mô 550 giường bệnh với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La được khánh thành và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Bệnh viện được đầu tư hiện đại, là bệnh viện lớn nhất khu vực Tây Bắc. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Cùng với đó, ngành Y tế Sơn La đã chú trọng chất lượng dịch vụ y tế; đầu tư một số chuyên khoa sâu tại một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, triển khai thực hiện tốt các gói kỹ thuật đã được chuyển giao từ các bệnh viện tuyến Trung ương, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến.
Đến nay, hệ thống mạng lưới y tế đã phủ kín toàn tỉnh, với 3 đơn vị quản lý Nhà nước về y tế; 4 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh; 19 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; 1 bệnh viện đa khoa tư nhân; 12 trung tâm y tế huyện, thành phố và 204 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Toàn ngành có hơn 5.422 cán bộ công chức, viên chức, trong đó: 1.178 bác sĩ; 168 dược sĩ đại học; 39 bác sĩ chuyên khoa II; 435 BSCK I; 199 thạc sĩ. 182 trạm y tế có bác sĩ; 92,39% số bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Tỷ lệ bác sĩ đạt 8,85 bác sĩ/10.000 dân; 30,8 giường bệnh/10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96,6%.

Các trạm y tế tuyến cơ sở thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực; công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em ngày càng được quan tâm. Bảo đảm cung cấp đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác phòng chống dịch và khám chữa bệnh cho nhân dân, chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu hành trên thị trường, đến giai đoạn này, có thể nói người dân Sơn La đã được đáp ứng tương đối đầy đủ nhu cầu về thuốc trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Năm 2024, toàn tỉnh có tổng số 721 cơ sở hành nghề dược, trong đó có 11 doanh nghiệp dược (10 công ty cổ phần, 1 chi nhánh công ty dược); 72 nhà thuốc; 114 quầy thuốc; 514 đại lý; 10 tủ thuốc trạm y tế; bình quân 1 trạm bán thuốc phục vụ 1.670 người, phục vụ diện tích 21,8 km2 và bán kính phục vụ là 2,6 km.

Thực hiện Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 4/10/2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc thực hiện đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh" giai đoạn I (2016-2020), công tác Dân số-KHHGĐ của tỉnh đã thu được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch được giao. Dân số trung bình 1.212.521 người; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,26; tỷ suất sinh thô là 18,2%. Công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh được triển khai tích cực, đồng bộ, việc giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi các dịch bệnh lớn như thương hàn, sốt rét, bướu cổ, dịch bệnh SARS, cúm A, dịch tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Năm 2019, tỉnh Sơn La là một trong 25 tỉnh được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét theo Quyết định số 1987/QĐ-VSR ngày 23/12/2019 của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Trong đại dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế Sơn La đã điều động hàng trăm lượt cán bộ y tế hỗ trợ công tác điều trị, quản lý người trở về từ vùng dịch, trong các khu cách ly tập trung, điều tra, truy vết, tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Thành lập đoàn công tác gồm hàng chục lượt cán bộ y tế tham gia chống dịch tại các tỉnh, thành phố khác. Triển khai công tác quản lý, cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 theo tinh thần 4 tại chỗ, mô hình tháp 3 tầng và kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền.
Thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 3/2/2023 của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế “Về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành Y tế Sơn La đã triển khai quyết liệt các hoạt động chuyển đổi số, các Đề án, Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; chủ trương, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuyển đổi số, thúc đẩy các đơn vị tham gia chuyển đổi số trong công tác chuyên môn thiết thực và hiệu quả.
Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành hoạt động của ngành, cấp ủy, ban giám đốc đặc biệt quan tâm đến củng cố và xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chỉ đạo các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phát động các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành, thu hút được đông đảo đoàn viên tham gia. Kịp thời quán triệt, phổ biến các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí, tiết kiệm gắn với học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Ảnh: CDC tỉnh Sơn La.
Trong giai đoạn cả hệ thống chính trị đang đẩy nhanh quá trình sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nhân lực, ngành Y tế Sơn La xác định được đây là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành về mọi mặt, nhưng cũng là thách thức đối với tất cả công chức, viên chức và người lao động toàn ngành. Ngành Y tế Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống và thành tích đã đạt được, đoàn kết, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm theo lời Bác “Lương y phải như từ mẫu”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!