Liên kết nâng cao giá trị sản phẩm long nhãn

Nghề làm long nhãn ở xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã đã duy trì nhiều năm, góp phần tiêu thụ quả nhãn tươi cho các hộ dân trên địa bàn. Thời điểm này, các hộ chế biến long nhãn chuẩn bị tốt cơ sở vật chất; tổ chức thu mua, chế biến long nhãn; liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Cây nhãn bén duyên với Sông Mã từ những năm 60 của thế kỷ XX, khi nhân dân của tỉnh Hưng Yên theo lời kêu gọi của Đảng lên Sông Mã xây dựng quê hương mới. Ngày đó, hầu như hộ nào cũng mang theo cây nhãn lồng Hưng Yên để trồng.

Trải qua năm tháng, cây nhãn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, nên đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế ở Sông Mã. Trong đó, xã Chiềng Khoong có bản Hải Sơn trồng nhãn từ năm 1964 và bản Hồng Nam trồng từ năm 1977.

Nông dân xã Chiềng Khoong thu hoạch nhãn chín sớm. Ảnh: Trần Hiền

Năm 2022, bản Hải Sơn và bản Hồng Nam được UBND tỉnh công nhận là làng nghề chế biến long nhãn, với sự tham gia của 120 hộ dân. Việc thành lập làng nghề không chỉ là điều kiện quan trọng về tư cách pháp nhân để mở rộng hoạt động sản xuất, mà còn tạo điều kiện liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong quảng bá, giới thiệu bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu long nhãn đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, cho biết: Hiện nay, xã có hơn 1.000 ha nhãn, trong đó, 900 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 8 tấn/ha. Ngoài tiêu thụ quả tươi, trước đây bà con đã chế biến long nhãn nhưng theo phương pháp thủ công, tốn nhiều công sức, hiệu quả kinh tế thấp. Vài năm trở lại đây, nông dân đã chuyển từ sấy lò truyền thống (sử dụng than củi) sang lò nhiệt, hơi; chuyển từ làm long bệt sang long xoáy, nhờ đó sản phẩm long nhãn làm ra có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đặc biệt, long nhãn còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Nông dân xã Chiềng Khoong chuẩn bị các điều kiện cho vụ chế biến long nhãn. Ảnh: Trần Hiền

Ông Đào Mạnh Hồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, Trưởng làng nghề Hồng Nam, cho biết: Bản có 120 hộ đều trồng nhãn, với tổng số 40 ha. Tham gia làng nghề có 50 hộ, với 50 lò sấy, trong đó, 33 lò sấy nhiệt. Trung bình một vụ nhãn, các hộ chế biến gần 300 tấn long nhãn, giá giao động từ 150 – 250 nghìn đồng/kg. Hiện nay, sản phẩm long nhãn của làng nghề chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc.

Trong sản xuất nông nghiệp việc “được mùa mất giá, được giá thì mất mùa” thường xảy ra. Nhưng với nông dân xã Chiềng Khoong hay các xã khác trên địa bàn, chưa năm nào phải hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhãn. Điều đó là nhờ có những cơ sở sơ chế long nhãn, bà con chủ động thu hoạch quả nhãn. Giai đoạn 2019-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, việc xuất khẩu quả tươi gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có những cơ sở sấy long nhãn nên toàn bộ sản lượng nhãn tươi còn lại sau khi xuất khẩu và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, đã được các cơ sở chế biến long nhãn thu mua.

Đưa long nhãn vào sấy lò hơi. Ảnh: Trần Hiền

Với thâm niên 23 năm làm nghề sấy long nhãn, anh Hoàng Văn Quang, thành viên làng nghề Hồng Nam, chia sẻ: Trước đây, theo phương pháp truyền thống tốn kém chi phí; trung bình mỗi ngày chỉ sấy được 1,5 tấn quả. Khi tham gia làng nghề, tôi đã chuyển sang sấy lò hơi; trung bình mỗi vụ gia đình thu mua 250 tấn quả nhãn tươi, sau khi chế biến thu được 30 tấn long, chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Từ đầu tháng 5 đến nay, gia đình thu mua hơn 60 tấn quả nhãn để làm long, tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày.  

Chị Cà Thị Xoan, xã Chiềng Cang, cho biết: Hơn chục năm nay, vào vụ nhãn, tôi đều lên làng nghề Hồng Nam để xoáy long nhãn. Mỗi ngày tôi xoáy được khoảng 60 kg quả nhãn; trung bình được 180 nghìn đồng/ngày.

Hào hứng với câu chuyện về nghề làm long nhãn nơi đây, ông Đào Ngọc Bằng, Trưởng làng nghề Hải Sơn, phấn khởi: Trước đây, sấy long nhãn theo phương thức truyền thống một ngày chỉ làm được 50 kg đến 1 tạ nhãn. Khi chuyển sang sấy lò hơi công suất nâng lên 8 tạ long/lò/ngày. Hiện nay, làng nghề Hải Sơn có sự tham gia của 57 hộ với 17 điểm đặt lò sấy, 90% là lò sấy hơi. Sản lượng long nhãn bình quân của làng nghề đạt khoảng 18 tấn long thành phẩm/ngày. Khi sử dụng lò sấy hơi cho chất lượng tốt hơn, long có màu vàng óng được thị trường ưa chuộng.

Với 900 ha nhãn cho thu hoạch, năm nay dự kiến sản lượng quả nhãn tươi của xã Chiềng Khoong đạt 7.000 tấn, trong đó, dự kiến tiêu thụ quả tươi là 4.000 tấn, còn lại là chế biến long nhãn. Ngoài ra, các cơ sở chế biến trên địa bàn xã còn thu mua khoảng 3.000 tấn quả tươi ở các địa phương khác trong và ngoài huyện để chế biến long nhãn.

Ông Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã, đánh giá: Việc hình thành làng nghề chế biến long nhãn ở địa phương không chỉ giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản mùa vụ trước mắt, mà còn gắn kết giữa người trồng nhãn và người tiêu thụ nhãn. Nhất là, đã hình thành vùng nguyên liệu tập trung, chủ động tiêu thụ sản phẩm cho bà con, tạo sản phẩm có giá trị cao hơn, tạo sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương; xây dựng và duy trì thương hiệu long nhãn Sông Mã.

Những mẻ long nhãn vàng óng đầu vụ. Ảnh: Trần Hiền

Việc duy trì làng nghề chế biến long nhãn ở Chiềng Khoong đã và đang giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ quả tươi. Nhân dân rất mong các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ công tác tiếp thị, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

 

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới