Hướng đi vững chắc ở HTX nông nghiệp

Sau 4 năm thành lập, HTX Tân Thịnh, bản Ỏ, xã Mường Sai, huyện Sông Mã, đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tích cực áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các thành viên.

Để HTX đi vào hoạt động hiệu quả, ngay sau khi thành lập, Ban Giám đốc HTX đã xây dựng quy chế, kế hoạch sản xuất và định hướng tìm đầu ra cho sản phẩm; hướng dẫn các thành viên chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng, như: Nhãn, bưởi diễn, cam vinh, cam đường canh... Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng các loại quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Hướng tới xây dựng vùng trồng cây ăn quả an toàn, HTX luôn quan tâm cử thành viên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản sau thu hoạch. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng khâu công việc, như hướng dẫn kỹ thuật lai ghép, nhân giống các loại cây ăn quả, cách bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”... Nhờ vậy, các sản phẩm của HTX bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, thị trường ưa chuộng, bán được giá cao. 

Lãnh đạo xã Mường Sai thăm mô hình trồng cây ăn quả của HTX.

Anh Lò Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Tân Thịnh, thông tin: Đến nay, HTX có 10 thành viên, quy mô sản xuất trên 40 ha cây ăn quả các loại. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Năm qua, thời tiết thuận lợi, sản lượng quả các loại của HTX đạt hơn 300 tấn, chủ yếu bán trong nước; thu nhập bình quân của thành viên đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế, năm 2021, các thành viên HTX đã chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn chín sớm, rải vụ, trồng nhãn ánh vàng. Ngoài xuất bán quả tươi, HTX còn xây dựng phương án chế biến long nhãn; vận động thành viên đầu tư công nghệ chế biến long nhãn. Việc chuyển đổi từ sấy lò truyền thống (sử dụng than củi) sang lò nhiệt, hơi và từ làm long bệt sang long xoáy. Nhờ đó, sản phẩm long nhãn có mẫu mã đẹp, chất lượng cao và được thị trường trong, ngoài tỉnh đón nhận. Đặc biệt, sản phẩm long nhãn của HTX vài năm trở lại đây còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Năm 2023, HTX chế biến khoảng 300 tấn long nhãn, trong đó, khoảng 30 tấn xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Lò Văn Luân, thành viên HTX, chia sẻ: Khi tham gia HTX, gia đình tôi được tư vấn, định hướng chuyển đổi 4 ha ngô, sắn sang trồn cây ăn quả, chủ yếu là cây nhãn. Nâng cao thu nhập, năm 2021, gia đình chuyển đổi 1,5 ha miền thiết sang làm nhãn chín sớm. Năm 2023, gia đình thu hơn 30 tấn quả, giá bán giao động từ 20-35 nghìn đồng/kg. Ngoài tập trung phát triển cây ăn quả, gia đình còn làm nghề cơ khí, nuôi 50 con lợn thịt; thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.

Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của HTX, gia đình anh Tòng Văn Thim đã chuyển đổi 5 ha nhãn miền thiết sang nhãn chín sớm, rải vụ. Việc chuyển đổi đã giúp cho gia đình anh có cuộc sống khá giả.  Anh Thim, cho hay: Nhãn chín sớm cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Tuy nhiên, làm nhãn chín sớm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao. Thời điểm này, chúng tôi đang tập trung xử lý tưới gốc giúp câp phân hóa mầm hoa. Đảm bảo cây trồng cho năng suất, chất lượng, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. 

Thành viên HTX chăm sóc diện tích nhãn chín sớm.

Nâng cao thu nhập cho thành viên, thời gian tới HTX Tân Thịnh tiếp tục đầu tư trồng cây công nghiệp; chuyển đổi một số diện tích nhãn chính vụ sang nhãn rải vụ, chín sớm và trồng nhãn ánh vàng. Đồng thời, khuyến khích thành viên HTX mở rộng các ngành nghề dịch vụ để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Để làm được điều đó, HTX rất mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; liên kết, quảng bá xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Với định hướng cụ thể, HTX Tân Thịnh đã làm thay đổi tư duy của các thành viên từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết khai thác lợi thế của địa phương nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, góp phần nâng cao đời sống thành viên.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới