Vùng quê trù phú bên dòng Đà giang

Trở lại Mường Trai, xã vùng ba của huyện Mường La, nơi có lòng hồ thủy điện Sơn La mênh mang sóng nước, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về sự bứt phá vươn lên của đồng bào nơi đây. Ai cũng nói rằng, có cuộc sống như ngày hôm nay, là do trọn niềm tin theo Đảng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng các cấp về phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Cách giải bài toán khó…

Trong ký ức của người dân Mường Trai đều nhớ rất rõ, cách đây 13 năm - năm 2008, thực hiện Quyết định của Chính phủ về xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ, 10/10 bản trong xã đều thực hiện di dân lên nơi ở mới. Tự hào vì được góp phần xây dựng công trình thủy điện, nhưng khi về nơi ở mới, những khó khăn không thể tránh khỏi, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Từng là vựa lúa lớn thứ hai của huyện, nay phần lớn diện tích ruộng nhường lại cho lòng hồ thủy điện; đất nương bị xói mòn, năng suất cây trồng đạt thấp… Vậy làm thế nào để ổn định cuộc sống cho nhân dân - Bài toán không dễ có đáp số.

           

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã, đồng chí Quàng Thị Duyên, Bí thư Đảng ủy xã Mường Trai, chia sẻ: Bài toán ổn định cuộc sống nhân dân các vùng tái định cư thủy điện Sơn La, trong đó có xã Mường Trai, đã được Trung ương, tỉnh và huyện tích cực vào cuộc, với nhiều Nghị quyết, chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Điều quan trọng là, Mường Trai đã sử dụng hiệu quả những chiếc “cần câu cơm” đó để cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của gia đình anh Tòng Văn Sư bản Khâu Ban, xã Mường Trai (Mường La).

Những chiếc “cần câu ” mà chị Duyên ví von, đó là: Nghị quyết 30a, Chương trình 135 của Chính phủ về giảm nghèo bền vững; Nghị quyết số 34-NQ/TU ngày 14/7/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2015-2020; Nghị quyết 88/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, về chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 30/6/2016 của BCH Đảng bộ huyện khóa XX về đẩy mạnh cải tạo vườn tạp gắn với phát triển cây ăn quả giai đoạn 2016-2020… Trên cơ sở những chiếc “cần câu” đó, cùng với điều kiện thực tế của địa phương, Đảng ủy xã đã sát cánh cùng nhân dân “biến sỏi đá thành cơm gạo”.

           

Đảng ủy xã đã triển khai sâu rộng các văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách đến nhân dân trong xã và xác định rõ những nội dung đột phá, đó là: Phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ; chăn nuôi đại gia súc; nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Khi tuyên truyền tại các bản, báo cáo viên định hướng công việc cụ thể của từng lĩnh vực. Đơn cử như tuyên truyền về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện, gắn với nội dung cơ bản của Nghị quyết 88/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, về chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản; kết hợp với cán bộ kỹ thuật giới thiệu quy trình chăn nuôi, chuẩn bị lồng, lựa chọn cá giống; tổ chức cho người dân đi tham quan mô hình nuôi cá lồng hiệu quả trong và ngoài huyện… Hay lĩnh vực phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ, đây là việc làm mới, nên khi tuyên truyền sẽ giới thiệu những mô hình phát triển du lịch hiệu quả có điều kiện tự nhiên tương đồng với xã; gợi ý những việc cần làm bước đầu như đầu tư cơ sở vật chất; thông tin giới thiệu trên mạng xã hội… Với cách triển khai nghị quyết của Đảng như thế này, nhân dân dễ hiểu, nhớ lâu và đồng thuận trong thực hiện.

Những chiếc “cần câu” bắc cầu nhịp sống

Để hiểu rõ hơn việc hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống ở Mường Trai, chúng tôi đã về một số bản trong xã, đến đâu cũng cảm nhận được niềm tin son sắt của người dân với Đảng, bởi tin Đảng, làm theo Đảng, nên họ đã có cuộc sống khởi sắc như hôm nay.

Tại bản Phiêng Hua Nà, khi được hỏi về việc hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, anh Cà Văn Chia, Bí thư Chi bộ bản nói vui: "Nhà báo tự cảm nhận nhé". Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi thăm khu vực nuôi cá lồng, nhà nổi phục vụ khách du lịch, vườn trồng cây ăn quả của một số hộ dân trong bản. Đi trên tuyến đường nội bản, phóng tầm mắt xuống lòng hồ thủy điện Sơn La, những lồng cá đã tạo điểm nhấn trên mặt nước trong xanh. Anh Chia bảo: Ngoài phát triển nuôi 54 lồng cá trên lòng hồ, trong bản có 1 hộ dân xây dựng mô hình nhà nổi đón khách du lịch. Tại đây, du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc, như: Cá pa pỉnh tộp, cá nướng muối ớt, gà nướng, uống rượu cần… Hòa mình trong các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc và đắm say trong vòng xòe truyền thống.

Cũng phát triển kinh tế trên lòng hồ thủy điện, một số hộ dân trong bản, trong xã đầu tư hai chiếc thuyền du lịch (chở từ 12 đến 60 người) và cải tiến các thuyền có sẵn để phục vụ các đoàn từ 6 đến 30 du khách tham quan, trải nghiệm lòng hồ. Đồng thời, liên kết với nhà nổi trong bản tạo tuor du lịch khép kín từ ăn, nghỉ, tham quan, trải nghiệm lòng hồ.

           

Người dân bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai (Mường La) trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả ven lòng hồ.

Khác với trước đây, bây giờ, sản phẩm chăn nuôi ở bản Phiêng Hua Nà đã trở thành hàng hóa. Từ định hướng của xã, bà con bàn nhau làm chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm; tiêm vắc xin định kỳ phòng bệnh cho đàn vật nuôi; tận dụng bìa rừng, diện tích đất trồng cây không hiệu quả để trồng cỏ lấy thức ăn nuôi gia súc… Vì thế, đàn vật nuôi tăng nhanh từng năm, hiện bản có hơn 4.200 con gia súc, gia cầm. Năm 2020 chỉ còn 4/88 hộ nghèo, cuộc sống mới đang hiện hữu nơi đây.

Đến bản Cang Bó Ban, chúng tôi trò chuyện với anh Tòng Văn Nén - đảng viên được đánh giá là dám nghĩ, dám làm, năng động trong phát triển kinh tế. Anh Nén nói giản dị: Tôi luôn nghĩ, là đảng viên thì không được nghèo. Hơn nữa, các nghị quyết, các chương trình xóa nghèo của tỉnh, của Trung ương, đã hỗ trợ rất tích cực để chúng tôi phát triển kinh tế. Đơn cử như Nghị quyết 88/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, hỗ trợ bước đầu nuôi trồng thủy sản, với mức 5 triệu đồng/hộ. Đến nay, cả bản có 11 hộ nuôi 22 lồng cá trên lòng hồ. Riêng gia đình tôi, trước đây cũng nuôi 2 lồng cá, 9 con bò sinh sản. Sau đó, được Đảng ủy xã, Chi bộ bản chỉ đạo về việc khai thác lợi thế mặt hồ để phát triển dịch vụ du lịch, tôi quyết định đầu tư 500 triệu đồng đóng tàu 2 tầng để phục vụ khách du lịch trải nghiệm lòng hồ. Không riêng gia đình tôi, bà con trong bản cũng rất năng động trong việc hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, vì vậy bản chỉ còn 4/124 hộ nghèo…

           

 

Người dân bản Cang Bó Ban, xã Mường Trai (Mường La) phát triển chăn nuôi gia súc nhốt chuồng

 

Trở về bản Khâu Ban tại trung tâm xã, chúng tôi rẽ vào cửa hàng bán các mặt hàng thiết yếu của gia đình anh Tòng Văn Sư. Không giấu diếm, anh Sư chia sẻ: Cách đây 9 năm, việc mở cửa hàng này là do ban quản lý bản và cán bộ xã đến nhà phân tích lợi thế và động viên, khuyến khích gia đình tôi phát triển kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày cho bà con trong bản, trong xã. Doanh thu bình quân khoảng 100 triệu đồng/tháng, trừ vốn thu gần 10 triệu đồng.

           

Bức tranh vùng quê sông nước

           

Về một số bản của xã Mường Trai, được nghe, được tận mắt chứng kiến những cách làm, những bứt phá vươn lên của người dân, chúng tôi thêm hiểu sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã trong việc hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống.

Mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch nhà nổi tại xã Mường Trai (Mường La)

Từ những khó khăn tạo ra cơ hội, lợi thế và nhất là làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân, bắt kịp với nền sản xuất hàng hóa. Điều đó được minh chứng bằng việc phát triển 494 lồng cá trên lòng hồ thủy điện (200 lồng cá tầm; 294 lồng cá khác), sản lượng gần 150 tấn cá các loại/năm. Trên nương đồi, 110 ha cây ăn quả các loại đã thay thế cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp. Các diện tích đất nương khác được thâm canh các loại giống mới, với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt bình quân gần 1.200 tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực tại địa bàn. Gần 2.500 con gia súc và 9.000 con gia cầm được chăn nuôi làm hàng hóa. Nhà nghỉ cộng đồng homestay, dịch vụ thuyền chở khách du lịch trải nghiệm lòng hồ bước đầu phát triển.

Cùng với đó, các công trình cơ sở hạ tầng: Đường, điện, trường, trạm, hệ thống nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi… đều được đầu tư xây dựng phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và có nước sạch sinh hoạt; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS.v.v.

           

 

Mô hình nuôi cá lồng của người dân bản Phiêng Hua Nà, xã Mường Trai (Mường La)

 

Trước khi chia tay Mường Trai, Bí thư Đảng ủy xã Quàng Thị Duyên, nói: Hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống, đã giúp Mường Trai từ xã nghèo vùng 3 bứt phá vươn lên, trở thành vùng quê trù phú, điều đó được minh chứng qua tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 55,05% năm 2015 hiện còn 10,02%; cuối năm 2019, Mường Trai đã đạt chuẩn nông thôn mới. Chỉ vài năm tới, mời nhà báo trở lại để tiếp tục được chứng kiến những bước đi vững chắc của xã trên con đường đổi mới và chia vui với người dân về cuộc sống đủ đầy, về sự phát triển của vùng quê trù phú bên dòng Đà giang này.

Hồng Luận- Trường Sơn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới