Chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt thành lập gia trại, trang trại, HTX đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh. Tuy nhiên, việc thu gọn đầu mối hoạt động của hệ thống thú y cơ sở, gặp những khó khăn trong việc phòng, chống dịch bệnh, khiến phát triển chăn nuôi đứng trước nguy cơ, rủi ro cao.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán
Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh Sơn La đã có bước phát triển nhất định. Mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng kết hợp trồng cỏ voi được nhân rộng. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán phụ thuộc vào thương lái, hiệu quả chăn nuôi chưa cao đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, nhất là dịch bệnh.
Mô hình trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi bò của xã Co Tòng (Thuận Châu).
Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, giai đoạn 2015-2020 toàn tỉnh đã xảy ra nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên diện rộng, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục trâu, bò. Từ tháng 2/2020, dịch viêm da nổi cục trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại xã Mường Tè, huyện Vân Hồ, sau đó lan nhanh tới 976 lượt tổ, bản, tiểu khu của 191 xã trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Tính đến ngày 8/12/2021, toàn tỉnh có 3.788 con trâu, bò bị mắc bệnh, tiêu hủy 2.690 con, với tổng trọng lượng trên 377.000 kg, thiệt hại ước tính 40 tỷ đồng. Các huyện có số lượng trâu, bò bị mắc bệnh phải tiêu hủy nhiều nhất là: Thuận Châu, Sông Mã, Phù Yên, Vân Hồ, Yên Châu và Mường La...
Gia đình anh Quàng Văn Hưởng, bản Mé, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã có 5 con bò đến ngày xuất chuồng, nhưng bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Anh Hưởng, chia sẻ: Đàn bò nhà tôi nuôi nhốt chuồng, trong bản chưa có dịch bệnh, không hiểu sao bò lại nhiễm bệnh? Gia đình mới thoát nghèo, dự tính cuối năm sẽ bán bớt vài con bò, để sửa lại ngôi nhà, giờ thì mất hết rồi!
Mang câu hỏi của anh Hưởng về trao đổi với bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Virus này có sức đề kháng cao, tồn tại ngoài môi trường từ 1-3 tháng. Bệnh lây truyền chủ yếu qua muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do trâu, bò mang mầm bệnh sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn. Vì vậy, nuôi nhốt trâu, bò vẫn có nguy cơ bị bệnh. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh và chết chiếm khoảng 1-5%. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, giết mổ không tập trung, người dân dấu bệnh, bán chạy dịch là một trong những yếu tố gây ra dịch lây lan nhanh.
Đội ngũ Thú y viên còn mỏng
Bác sỹ thú y Trần Văn Sáng, Phó Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, chia sẻ: Gần 30 năm công tác trong ngành thú y, đợt dịch này đã đi đến hơn 60 bản của các xã trong tỉnh để tiêm cho trâu, bò. Điều nhận thấy rõ nhất là đội ngũ thú y cơ sở hiện nay rất mỏng; 201 nhân viên thú y xã, phường, nhiều thú y xã, bản chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế, thậm chí không có chuyên môn. Vừa chống dịch, vừa tập huấn kỹ thuật tiêm phòng vắc-xin cho tất cả nhân viên thú y các xã, phường, thị trấn nên khá vất vả. Nhiều người tham gia tập huấn là y tá bản kiêm thú y viên, nên phải tập huấn tỷ mỉ từ cách sử dụng bơm kim tiêm, cách lấy thuốc chính xác liều lượng, cách tiêm, thời gian tiêm và nhận biết những triệu chứng sau tiêm...
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh hướng dẫn thú y viên huyện Sốp Cộp cách tiêm vắc-xin cho trâu, bò.
Cùng Đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh vào huyện Sốp Cộp để khoanh vùng dập dịch, tập huấn, triển khai tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trâu, bò. Bà Lò Thị Dươi, bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang và chồng đưa đàn bò đến từ sớm. Bà Dươi, bảo: Trong bản đã có nhiều con bò bị bệnh phải tiêu hủy rồi. Gia đình tôi chủ động đăng ký tiêm phòng cho 6 con bò, chỉ mất gần 250 nghìn đồng tiền tiêm vắc-xin, trong khi cả đàn bò trị giá hơn 100 triệu đồng.
Nhưng không phải ai cũng nhận thức như bà Lò Thị Dươi, nhiều hộ còn tư tưởng trông chờ nhà nước hỗ trợ tiêm phòng vắc-xin; số khác do chưa nhận thức đúng về việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi nên không đăng ký tiêm phòng... Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh tại nhiều địa phương đạt thấp.
Đi cơ sở nhiều, anh Sáng thấy cách bố trí, giao nhiệm vụ cho thú y xã của xã Chim Vàn, huyện Bắc Yên khá linh hoạt. Anh Sáng, nói: Nhiều nơi đang giao thú y xã, phường không chuyên trách 1 tuần phải đến trực tại trụ sở 3 buổi, thì xã Chim Vàn đặc cách cho thú y xã không phải đến trực tại UBND xã mà trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch, giành thời gian để theo dõi, giám sát, phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng như phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại địa phương để kịp thời báo cáo với xã.
Bà Đinh Thị Huyền, Chủ tịch UBND xã Chim Vàn, chia sẻ: Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của thú y xã, bản đến nay, xã Chim Vàn đã tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục được hơn 2.400/3582 con trâu, bò, đạt trên 70%. Trong đó, chỉ có 257 hộ nghèo, hơn 390 hộ cận nghèo được hỗ trợ tiêm vắc-xin cho trâu, bò với tổng 1.650 mũi; còn lại các hộ tự nguyện tiêm dịch vụ. Xã đang vận động người dân đăng ký tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục theo hình thức xã hội hóa, phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90%. Các hộ chăn nuôi ký cam kết, nếu không tiêm phòng vắc-xin, khi dịch bệnh xảy ra ở gia súc, gia đình không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định.
Phát huy tinh thần mỗi người làm việc bằng 2, đến ngày 7/12, ngành thú y đã tiêm phòng gần 263.850 liều vắc-xin bao vây ổ dịch; phun trên 10.000 lít hóa chất, rắc gần 100.000 kg vôi bột khử trùng, tiêu độc khu vực chuồng trại. Đến nay, toàn tỉnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh viêm da nổi cục trâu, bò.
Củng cố hệ thống thú y cơ sở
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Trước khi sáp nhập Trạm Thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thành phố toàn tỉnh có 292 cán bộ, nhân viên thú y, nhưng sau sáp nhập chỉ còn 231 cán bộ, nhân viên thú y. Do lực lượng thú y cơ sở mỏng khi xảy ra dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Thực tế, khi cần điều động thêm lực lượng cán bộ chuyên ngành về thú y từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của huyện này sang tăng cường cho huyện khác, Chi cục không thể thực hiện được vì Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không phải là đơn vị trực thuộc Chi cục. Cộng với việc, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hiện đang thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Dẫn đến cán bộ, nhân viên có chuyên ngành về thú y được giao nhiều việc không thuộc chuyên môn khiến chuyên môn, kiến thức thực tế bị mai một dần.
Mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng cho thu nhập cao tại huyện Thuận Châu.
Theo quy định của Luật Thú y, việc theo dõi, giám sát, phát hiện bệnh trên gia súc, gia cầm cũng như phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại địa phương là nhiệm vụ của mạng lưới thú y cấp xã. Khi có dịch bệnh xảy ra việc ban hành các văn bản cần thiết để xử lý một ổ dịch của địa phương chưa được lập đầy đủ, còn một số địa phương chưa có sự thống nhất trong quy định việc tham mưu đề nghị công bố dịch giữa Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế với các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, khiến việc chỉ đạo chậm.
Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, rất cần ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy cho người chăn nuôi phát huy tính chủ động, tránh trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời, có giải pháp củng cố hệ thống thú y cơ sở là hết sức cần thiết.
Khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc phòng, chống dịch bệnh gia súc, rất cần các sở, ngành chức năng có những phân tích, đánh giá và bàn giải pháp cụ thể để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với tỉnh tháo gỡ để hệ thống thú y thực sự là tầm trụ đỡ cho ngành chăn nuôi, nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá đưa chăn nuôi đại gia súc phát triển bền vững.
Quỳnh Ngọc - Minh Thu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!