Công trình nước sinh hoạt bản tái định cư Huổi Ná 1, 2 ở xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai (nay là bản Huổi Ná) được đầu tư xây dựng năm 2007 và nâng cấp năm 2015, với mục đích chính là cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nhân dân sở tại và tái định cư thủy điện Sơn La. Đáng tiếc, công trình đầu tư tiền tỷ này lại không phát huy hiệu quả.
Hai lần đầu tư, tốn kém tiền tỷ...
Năm 2006, thực hiện dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, 54 hộ dân bản Hát Lếch di chuyển đến tái định cư ở bản Huổi Ná 1, 2. Để đảm bảo cung cấp nước sạch cho bà con, tháng 11 năm 2007 Dự án cấp nước sinh hoạt điểm TĐC Huổi Ná 1, 2 được triển khai, với tổng vốn đầu tư trên 4,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La. Dự án do UBND huyện Quỳnh Nhai làm chủ đầu tư; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng T668 tư vấn, giám sát; Doanh nghiệp tư nhân Thủy Sơn tư vấn thiết kế; Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Tiến Lực thi công.
Phóng viên trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và trưởng bản Huổi Ná.
Công trình gồm: Đầu mối thu nước, hệ thống bể xử lý nước, bể chứa nước, hệ thống đường ống dẫn nước vào các hộ dân; quy mô cấp nước sinh hoạt cho 106 hộ dân bản Tậu (xã Pá Ma Pha Khinh), 80 hộ bản Huổi Ná 1, 2 (xã Chiềng Ơn), với tiêu chuẩn cấp nước 60 lít/người/ngày đêm. Đến tháng 6/2008, công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày thì ngừng hoạt động, thậm chí nhiều hộ nước chưa được sử dụng một giọt nào.
Sau nhiều lần người dân kiến nghị, đến tháng 10/2015 (tức là sau 7 năm), UBND huyện Quỳnh Nhai tiếp tục phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt điểm TĐC Huổi Ná 1 và 2 (khắc phục dự án bị hư hỏng, xuống cấp), với tổng kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. Những hạng mục được sửa chữa, gồm: Đầu mối thu nước, hệ thống bể xử lý nước, bể chứa nước, hệ thống đường ống dẫn nước vào các hộ gia đình. Sau 1 tháng thi công, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng cũng chỉ vận hành được 3 tháng rồi lại ngừng hoạt động.
Đâu là nguyên nhân?
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao một công trình được đầu tư tiền tỷ, thi công bài bản có sự giám sát, đánh giá chất lượng của cơ quan quản lý Nhà nước lại không phát huy hiệu quả, phóng viên Báo Sơn La đã thị sát đầu nguồn nước và công trình nước sinh hoạt tại bản Tậu Khứm, xã Pá Ma Pha Khinh. Địa điểm xây dựng công trình cách xa trung tâm bản gần 3 km. Nguồn nước được hợp thành từ mó nước ở khe núi và suối Huổi Hịa giáp với bản Lọng Mương (xã Mường Giôn). Mặc dù mùa nước cạn nhưng lưu lượng nước suối vẫn chảy khá nhiều. Đập tràn được xây dựng bằng bê tông có chiều rộng 5 m, cao 1,8 m, dài 2,4 m vẫn còn nguyên những dây leo mọc chằng chịt, ống dẫn nước từ phía đập về bể lọc cách đó vài trăm mét và các đoạn ống nước tiếp sau đó không còn. Tại khu vực đất sản xuất, bên những thửa ruộng, ao cá, phóng viên để ý thấy nhiều đoạn ống dẫn nước bằng thép tráng kẽm, đường kính từ 50 đến 80 mm được người dân lấy làm ống dẫn nước vào ruộng, ao?.
Đập tràn cây cối mọc um tùm.
Bể chứa nước xung quanh cây cối mọc um tùm.
Dừng chân tại lán nương của hộ ông Hoàng Văn Lả, bản Tậu Khứm (trước là bản Tậu) ngay gần đầu nguồn nước. Qua trao đổi, ông Lả thành thật nói: Gia đình trồng lúa, đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm ở đây từ năm 2015. Từ sau khi công trình bị mưa bão làm hỏng đường ống nước đến nay, tôi thấy công trình không được sửa chữa, thấy tiếc những ống nước bị mưa lũ cuốn trôi gia đình lấy về để làm đường ống dẫn nước vào ruộng.
Ống nước được người dân bản Tậu Khứm lấy về làm ống dẫn nước vào ruộng.
Trở lại bản Tậu Khứm, chúng tôi gặp ông Hoàng Văn Chinh, Bí thư chi bộ bản, nguyên trưởng bản năm 2008. Ông Chinh kể: Trước khi thi công, cán bộ huyện đã tổ chức họp xin ý kiến người dân bản Tậu. Tại cuộc họp, thống nhất sẽ lập danh sách những hộ có diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng khi thi công công trình để đền bù và công trình hoàn thành hơn 100 hộ trong bản cũng được hưởng lợi nên bà con đồng thuận. Tuy nhiên, khi công trình đưa vào sử dụng không phát huy hiệu quả, nhiều hộ ở trên cao nước không về tới nơi.
Ống dẫn nước từ công trình nước sinh hoạt Huổi Ná bỏ không trên khu đất sản xuất của bản Tậu Khứm.
Tiếp tục chúng tôi tới bản Huổi Ná, gặp ông Hoàng Văn Bun, Trưởng bản. Ông Bun vừa đi làm nương về, mồ hôi thấm đẫm chiếc áo, mặt đỏ gắt vì nắng nóng, ông nói: Trước đây tôi làm Trưởng ban công tác mặt trận bản, có tham gia đoàn khảo sát của xã. Nguyên nhân được xác định do khi bàn giao, không thành lập đội vận hành quản lý nên một số hộ dân ở đầu nguồn đã phá tuyến ống chính dẫn nước. Bản Huổi Ná đã báo cáo lên xã và được biết, UBND xã Chiềng Ơn cùng UBND xã Pá Ma Pha Khinh đã thành lập đoàn đi kiểm tra thực tế, nhưng không có kết quả.
Ông Hoàng Văn Bun, Trưởng bản Huổi Ná, xã Chiềng Ơn bên bể điều tiết nước sinh hoạt bị bỏ hoang.
Còn ông Hoàng Văn Trưởng, nguyên Trưởng bản Huổi Ná, nói: Năm 2008, tôi được giao quản lý công trình nước sinh hoạt nhưng chỉ giao miệng chứ không có văn bản. Tôi chưa được tập huấn, hướng dẫn cách quản lý, vận hành công trình. Khi phát hiện công trình bị mưa lũ làm hư hỏng đường ống, tôi báo lên xã nhưng không thấy giải quyết. Cũng xót lắm, vì công trình được đầu tư nhiều tiền thế mà lại không có nước sinh hoạt, mà cũng không có ai chịu trách nhiệm.
Trao đổi với ông Tòng Xuân Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Nhai thì lý do "công trình nước sạch bản Huổi Ná không có nước không liên quan đến yếu tố kỹ thuật mà do công trình lấy nước từ khe suối Huổi Hịa thuộc bản Tậu, xã Pá Ma Pha Khinh khi chưa có sự thống nhất và hợp tác của một số hộ dân sở tại, nơi thi công công trình..." Lý do của ông Giám đốc Ban quản lý xem ra khó thuyết phục, bởi một công trình cấp nước sinh hoạt trước khi thi công đều phải qua khảo sát kỹ lưỡng nguồn nước, địa hình, thiết kế, phương án thi công, xin ý kiến của chính quyền và người dân địa phương...
Người dân vẫn mong chờ nước sạch
Hiện nay, để có nước sinh hoạt, các hộ dân bản Huổi Ná phải sử dụng nước mó. Ông Hoàng Văn Tem, người dân bản Huổi Ná đưa chúng tôi ra khu vực mó nước của bản đang sử dụng. Xung quanh, cây cối mọc um tùm, bên trên là khu vực sản xuất, không có biển báo khu vực lấy nước sinh hoạt; có gần chục chiếc máy bơm đang hút nước về bể của các hộ dân; những đường ống nước loằng ngoằng, chồng chéo theo các ngả dẫn về khu dân cư.
Khu vực mó nước với hàng loạt máy bơm và chằng chịt đường ống để người dân bản Huổi Ná lấy nước sinh hoạt hàng ngày.
Vừa loay hoay sửa chiếc máy bơm bị hỏng, ông Hoàng Văn Khỏ vừa nói: Từ ngày công trình nước sinh hoạt được xây dựng đến nay, gia đình tôi chưa được hưởng một giọt nước nào vì nhà tôi ở vị trí cao nên nước sạch không thể tới được. Để có nước sinh hoạt, các hộ trong bản chia ca để bơm nước từ mó về nhà. Hôm nay, đến lượt gia đình tôi lấy nước, máy bơm chạy được khoảng một tiếng thì bị hỏng.
Cũng theo ông Khỏ, để bơm đầy bể 6 m³ của gia đình thì phải mất 60 nghìn đồng tiền dầu. Nhà có 4 thành viên, dùng tiết kiệm cũng chỉ được 1 tuần. Từ năm 2020 đến nay, gia đình ông phải thay 3 chiếc máy bơm, mỗi máy có giá 3,8 triệu đồng, một con số không nhỏ so với thu nhập của hộ thuần nông.
Những hộ có điều kiện kinh tế sắm được máy bơm nước thì đỡ vất vả, còn những hộ không có điều kiện thì hàng ngày phải đi xin từng can nước. Ông Hoàng Văn Tem, bản Huổi Ná, chia sẻ: Thiếu nước sinh hoạt khổ lắm, nhà nghèo không có tiền mua máy bơm, hằng ngày đi làm nương về vợ, chồng tôi lại thay nhau đi xin nước về dùng.
Gia đình ông Hoàng Văn Tem làm máng để chờ nước mưa.
Cũng theo phản ánh của người dân nơi đây, cứ vào mùa mưa, nước chảy từ nương, đồi xuống khiến nước ở mó đục ngầu, ô nhiễm, rất nhiều người trong bản bị mắc các bệnh về đường ruột.
Thêm một lần hy vọng
Trả lời cho câu hỏi đến bao giờ người dân bản Huổi Ná mới có nước sinh hoạt, ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Để đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho 119 hộ dân bản Huổi Ná, UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chuyên môn huyện rà soát công trình sửa chữa nâng cấp đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026 và đề xuất ưu tiên khởi công mới năm 2021, trình tại Kỳ họp thứ nhất HĐND huyện, nhiệm kỳ 2021-2026. Ngay sau khi được HĐND huyện nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng công trình, UBND huyện sẽ chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế có đủ năng lực, kinh nghiệm để tiến hành khảo sát, lựa chọn phương án thiết kế đảm bảo tính khả thi, hiệu quả…
Khi phóng viên đặt câu hỏi phòng tình huống khi trình phương án tại Kỳ họp lần thứ nhất HĐND huyện mà bị bác bỏ, không thông qua thì UBND huyện có phương án dự phòng nào khác? Ông Cầm Văn Huy cho biết thêm: Đây là công trình thuộc các nhóm dự án ưu tiên cần đầu tư để phục vụ ổn định đời sống nhân dân và theo Luật Đầu tư công thì bắt buộc phải thực hiện.
Còn ông Tòng Xuân Trường, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quỳnh Nhai khẳng định: Rút kinh nghiệm từ các lần thi công trước, quá trình khảo sát, lập phương án xây dựng công trình nước sinh hoạt bản Huổi Ná lần này sẽ có sự tham vấn của các hộ dân được thụ hưởng, ban quản lý các bản. Đồng thời, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm để thi công xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Quá trình thi công tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ đảm bảo quy trình, quy định của Nhà nước. Công trình sau khi hoàn thành, được nghiệm thu dưới sự giám sát của cộng đồng, bàn giao cho đơn vị sử dụng đúng quy định.
Liệu lần đầu tư này có hiệu quả hay không là câu hỏi được nhiều người dân trong bản đặt ra. Bởi hai lần trước, các cơ quan chức năng của huyện đều khẳng định việc đầu tư công trình bảo đảm từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng, nghiệm thu và vận hành đúng quy trình, nhưng công trình tốn nhiều tỷ đồng mà vẫn không có nước sinh hoạt, gây lãng phí ngân sách nhà nước trong khi người dân vẫn chưa được sử dụng nguồn nước sạch.
Việc đầu tư nước sinh hoạt là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân, nhất là cho những người đã có nhiều hy sinh, đóng góp cho công trình thủy điện Sơn La. Mong rằng huyện Quỳnh Nhai chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng cần khảo sát, giám sát kỹ lưỡng công tác đầu tư nâng cấp công trình nước sạch Huổi Ná lần thứ 3 và có phương án quản lý, khai thác sau đầu tư để tránh lặp lại tình trạng không hiệu quả như 2 lần đầu tư trước đây.
Trần Hiền - Minh Thu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!