Những lo lắng từ dự án sửa chữa, cải tạo thủy lợi hồ Tà Niết

Hồ Tà Niết ở bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu) được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt sửa chữa, cải tạo theo Quyết định số 1429/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Công trình sửa chữa, cải tạo trong năm 2020, tuy nhiên đến ngày 10/3/2021, khi phóng viên Báo Sơn La đến tìm hiểu sự việc thì công trình vẫn còn dở dang và có những vấn đề đang rất cần sự vào cuộc giải quyết của các cơ quan chức năng và huyện Mộc Châu.

Khó hiểu trong công tác tư vấn, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật

           

Ông Dương Văn Phan, Trưởng bản Tà Niết và ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng bản Tà Niết đưa chúng tôi đi xem thực tế việc sửa chữa, cải tạo thủy lợi hồ Tà Niết, vòng vèo qua rất nhiều vườn rau màu, vườn cây ăn quả tươi tốt của người dân. Bản Tà Niết vốn nổi tiếng là vựa rau, quả của huyện, bà còn đang triển khai khá hiệu quả các mô hình trồng rau an toàn với nhiều phương pháp, như: Trồng trong nhà kính, trong nhà lưới, trồng thủy canh và trồng ngoài đồng.

           

Vườn trồng rau của một hộ dân bản Tà Niết.

Trên đường đi, ông Phan, ông Sơn tỏ ra khá lo lắng: Trong quá trình thi công, chúng tôi không được đơn vị thi công trao đổi về bản vẽ thiết kế. Đến lúc làm sắp xong rồi mới biết là công trình không có phương án chắn bùn, đất từ phía trên đồi, bà con rất lo lắng sau mỗi trận lũ, đất đá kéo về sẽ lấp hết…

           

Theo quy mô đầu tư xây dựng, Hồ chứa nước Tà Niết sẽ được nạo vét, cải tạo lòng hồ một số đoạn đến cao trình 497 m; dung tích hồ đạt 15.438 m³, được xây dựng tường chắn thượng lưu dọc theo đường bờ hồ dài 166 m với chiều cao cả móng là 3,6 m, mặt trên có lắp lan can bảo vệ, kết cấu tường móng bằng bê tông M150#, đổ bù mặt đường dọc theo kè bằng bê tông M200#. Trong thiết kế, tràn thoát lũ kết hợp cầu qua đường với lưu lượng thoát lũ 38,5 m³/s, trước tràn thiết kế cửa xả lũ sự cố lắp máy đóng, mở V2. Cống lấy nước thiết kế 45l/s, thân cống bằng ống thép đen đường kính 250m, dài 40m, có 1 đoạn thân ống dài 10 m sẽ bọc bê tông M150. Công trình có tuyến kênh tưới thiết kế 45l/s với 3 tuyến kênh nối tiếp sau hố van điều tiết với tổng chiều dài 1.487m, mặt cắt kênh rộng 50x40 cm với đáy móng, thành kênh đỏ bê tông cốt thép M200#. Công trình trên tuyến gồm 1 ống cống qua đường dài 8m, 10 hố ga chìm thu nước lắp đặt máy bơm điện hút để tưới có dung tích 2 m³, 1 cầu máng dài 8m, 2 đoạn mố đỡ kênh nổi, 10 ống dẫn nước vào bể chứa... Điều khó hiểu là đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật lại không thiết kế bờ kè cho 1 đoạn mặt của hồ về phía thượng lưu (hướng Đông Bắc, sát với đồi) và tuyến kênh tự nhiên dài khoảng 70 m dẫn nước xuống hồ cũng không được đầu tư xây bờ kè hoặc có giải pháp để ngăn bùn đất trên đồi chảy xuống hồ, tiềm ẩn khả năng cao lòng hồ sẽ bị bồi lấp sau các đợt mưa lũ, ảnh hưởng đến việc vận hành hồ chứa nước... Đây cũng chính là nguồn cơn sự bức xúc của ông Phan, ông Sơn và nhiều hộ dân.

           

Thiết kế không sát, đoạn tường chắn bị nghiêng và dấu hỏi về chất lượng công trình

           

Làm việc với ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn xây dựng 488 (đơn vị tư vấn), chúng tôi khá bất ngờ khi ông Lượng cho biết việc vẽ thiết kế công trình phụ thuộc vào hiện trạng của hồ khi đó. Bởi lúc đó, người dân đang canh tác rau màu trên 1 doi đất chòi ra, nên đơn vị chỉ thiết kế đoạn tường chắn đến đó. Khi được đề nghị cho xem bản thuyết minh và các căn cứ để lập báo cáo kinh tế kỹ thuật thì ông Lượng lấy lý do là đơn vị đang sửa chữa lại trụ sở nên không biết các văn bản đó để ở đâu…

 

Một đoạn tuyến kênh trong dự án sửa chữa, cải tạo thủy lợi hồ Tà Niết.

           

Còn ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La (chủ đầu tư), cho biết: Những băn khoăn, lo lắng của người dân là có cơ sở. Tuy nhiên, công trình đã làm tràn xả lũ, kết hợp với cống điều tiết, đến mùa lũ sẽ được vận hàng đúng quy trình. Về hồ chứa thì hồ nào cũng sẽ bị bồi lấp theo thời gian. Hàng năm, Công ty đều có các dự án sửa chữa nạo vét, bà con chưa hiểu về chuyên môn nên họ lo lắng, chúng tôi sẽ có trách nhiệm thông tin thêm. Lý giải về việc đơn vị tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật lại không thiết kế bờ kè cho 1 đoạn mặt của hồ về phía thượng lưu (hướng Đông Bắc, sát với đồi) và kênh tự nhiên dài khoảng 70 m dẫn nước xuống hồ, ông Trường giải thích là do thiếu vốn nên công trình chỉ đầu tư được đến như vậy?.

 

Đoạn tường chắn bằng bê tông mới thi công đã muốn đổ 

           

Tìm hiểu về tiến độ thi công bị chậm và chất lượng các tấm bê tông làm tường chắn, trong đó có đoạn bị nghiêng sắp đổ, ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Hoài (đơn vị thi công), nói: Việc có 1 đoạn tường bê tông bị nghiêng có thể là do mạch nước ngầm đẩy vào, nhà thầu cam kết sẽ đổ lại theo đúng thiết kế. Nói rồi, rất nhanh ông Tuấn chuyển sang chuyện người dân không hợp tác: Nhiều đoạn tuyến kênh người dân không cho làm vì đi qua vườn của gia đình họ, dẫn đến chiều dài tuyến kênh chưa hoàn thành theo thiết kế. Khả năng cao đơn vị sẽ chấp nhận nghiệm thu theo khối lượng khi công trình hoàn thành. Trong việc nạo vét lòng hồ, rất nhiều ống dẫn nước của người dân không đồng ý cho thu dọn cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình.

           

Cần vốn bổ sung để hoàn thiện công trình

           

Do công trình không có đoạn bờ kè thượng lưu phía Đông Bắc (gần 200 m, giáp đồi) và tuyến mương dẫn nước vào hồ, việc người dân lo lắng hồ sẽ nhanh chóng bị bồi lấp làm ảnh hưởng đến công năng công trình là có cơ sở, bởi họ đã từng chứng kiến nhiều lần hồ nước gần như bị san phẳng sau mưa lũ. 

 

Khu vực không có bờ kè gây lo lắng về việc bồi lấp bùn, đất mặt hồ khi có mưa lũ

và ảnh hưởng đến chất lượng chung của cả tuyến tường kè.

           

Việc đầu tư gần 4 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo thủy lợi hồ Tà Niết là sự quan tâm lớn của tỉnh Sơn La với mục tiêu cung cấp nước sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, sạch tại bản Tà Niết, bởi bản có 250 hộ, 1.017 khẩu đang thực hiện tốt việc phát triển các loại cây ăn quả, rau màu trên diện tích hơn 70 ha, trung bình mỗi hộ dân ở đây có thu nhập từ 300-400 triệu tiền rau màu/năm. Tuy nhiên, từ thực tế thi công công trình và những kiến nghị của người dân đang rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng và huyện Mộc Châu, kiểm tra thực tế, đánh giá hiện trạng và có giải pháp hữu hiệu để công trình phát huy tốt nhất công năng sử dụng, tránh lãng phí trong đầu tư...

Theo Quyết định số 1219/QĐ-UBND ngày 28/05/2019 UBND tỉnh Sơn La, Hồ Tà Niết là 1/ 169 hồ, ao trên địa bàn 12 huyện, thành phố thuộc danh sách được tỉnh phê duyệt danh mục hồ, ao; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh gắn với nguồn nước đã được xếp hạng không được san lấp trên địa bàn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.

       

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới