Một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh kết nối với hệ thống camera giám sát tại các nhà máy chế biến nông sản sẽ giúp lực lượng chức năng quan sát toàn bộ quy trình thu gom, xử lý nước thải 24/24 giờ. Camera còn hỗ trợ truy tìm nguyên nhân sự cố ô nhiễm môi trường nhanh chóng, giảm đáng kể thời gian, số lần phải đi kiểm tra, giám sát trực tiếp, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Hệ thống camera được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La lắp đặt khu vực thu gom, xử lý nước thải.
Tín hiệu tích cực
Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung, với công suất 51.600 tấn/năm, chiếm khoảng 31% sản lượng cà phê trên toàn tỉnh; 96 cơ sở nhỏ lẻ đang hoạt động (Mai Sơn 86 cơ sở, Thuận Châu 6 cơ sở, Sốp Cộp 4 cơ sở); 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy chế biến mía đường, 1 nhà máy chế biến mủ cao su Sơn La và trên 1.000 cơ sở sơ chế nông sản. Bên cạnh những mặt tích cực thì ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, chế biến, sơ chế nông sản và chăn nuôi là vấn đề gây nhiều áp lực nhiều năm qua.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Từ niên vụ 2020-2021, yêu cầu tất cả các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung thực hiện lắp đặt camera hệ thống xử lý nước thải, đến niên vụ 2021-2022, các đơn vị đã lắp đặt đầy đủ camera theo các vị trí yêu cầu và cài đặt phần mềm xem camera trên máy tính của Sở. Với giải pháp này, đã tạo chuyển biến tích cực về môi trường nước.
Ông Nguyễn Ngọc Khoát, Quyền Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thông tin: Năm 2021, tần suất xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường do hoạt động xả nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nước thải sơ chế nông sản chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực, vị trí và thời điểm nhất định trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố giảm đáng kể.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Văn Bá, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Sơn La, nói: Công ty đang vận hành 30 nhà máy và trạm cấp nước, công suất gần 50.000 m³/ngày đêm, phục vụ hơn 58.000 khách hàng. Từ năm 2017-2020, vào vụ mùa thu hái, sơ chế cà phê, Công ty luôn lo ngại về sự cố ô nhiễm nguồn nước dài ngày. Gần nhất là năm 2020, nhà máy cấp nước Bó Cá bị ô nhiễm phải tạm ngừng hoạt động 5 ngày; Trạm Nà Sản bị ô nhiễm nguồn nước phải ngừng hoạt động 7 ngày; Trạm Giếng Km 13, thôn 6, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn phải tạm ngừng 8 ngày. Tuy nhiên, năm 2021 không xảy ra sự cố về ô nhiễm nguồn nước.
Giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La vận hành Nhà máy công suất trung bình mỗi ngày 5.000 tấn mía cây/ngày đêm. Năm 2018, Công ty đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, công suất 2.000 m³/ngày đêm và đến năm 2020 đã hoàn thành đưa vào vận hành. Cùng với hệ thống xử lý nước thải 900 m³/ngày đêm được xây dựng trước đó, đã đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải hoạt động chế biến mía đường của nhà máy. Công ty còn lắp đặt trên 300 camera; trong đó, 11 camera kết nối và truyền dữ liệu hình ảnh tới nhà máy và Sở TN&MT 24/24 giờ.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giám sát hệ thống xử lý nước thải các nhà máy chế biến nông sản trên máy tính tại Phòng Quản lý môi trường.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Việc lắp đặt camera tại các khu vực thu gom, xử lý nước thải giúp Công ty và Sở TN&MT kiểm soát tốt hơn quá trình xử lý, xả thải ra môi trường, luôn đảm bảo trong quy chuẩn kỹ thuật cho phép.
Còn tại Nhà máy chế biến cà phê của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế, đã hoàn thiện lắp đặt toàn bộ camera theo yêu cầu tại khu vực xử lý nước thải sản xuất: Khu vực đưa cà phê tươi vào hệ thống chế biến; khu vực sau xưởng chế biến (suối Huổi Pưn); tại khu vực hồ chứa, khu vực hồ biogas số 1, số 2; khu vực hồ trung gian số 1, số 2, số 3... Ông Vương Bá Chung, quản lý Công ty nói: Công ty đã lắp đặt 11 mắt camera giám sát khu vực sản xuất và hệ thống xử lý nước thải, kết nối truyền hình ảnh về Sở TN&MT và UBND huyện Thuận Châu 24/24 giờ hàng ngày.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, dẫn chúng tôi tới Phòng Quản lý môi trường, nơi đặt máy tính kết nối với các camera để giám sát hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các nhà máy chế biến nông sản. Thông qua hệ thống camera, cán bộ quan sát, theo dõi sát sao quy trình vận hành, xử lý nước thải. Ngoài ra, camera còn kết nối trên điện thoại thông minh của lãnh đạo, chuyên viên Sở TN&MT, UBND cấp huyện và cấp xã.
Toàn bộ camera giám sát do các nhà máy chế biến nông sản bỏ kinh phí đầu tư, lắp đặt. Sở TN&MT là đơn vị thực hiện theo dõi giám sát, quá trình thực hiện nếu có dấu hiệu bất thường, toàn bộ dữ liệu sẽ được lưu trữ tại Sở TN&MT, quá trình này thực hiện thường xuyên trong suốt niên vụ sản xuất. Thông qua camera giám sát, niên vụ 2021-2022, Sở TN&MT đã 2 lần phát hiện, nhắc nhở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế về việc thu mua cà phê quả tươi không được vượt quá công suất 100 tấn/ngày đêm; giúp tìm ra nguyên nhân sự cố tuột mối nối đường ống nước thải tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La và chỉ sau 2 tiếng đã khắc phục xong sự cố, không gây thiệt hại về tài sản, hoa màu của gần 60 gia đình xung quanh khu vực nhà máy.
Tiếp tục mở rộng đối tượng giám sát
Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Hiện, tất cả đơn vị thuộc đối tượng tác động môi trường trên địa bàn huyện Mai Sơn đã lắp đặt camera giám sát hệ thống xử lý nước thải và thực hiện truyền dữ liệu về Phòng TN&MT huyện Mai Sơn; Phòng Quản lý môi trường, Sở TN&MT tỉnh 24/24 giờ. Đối với các cơ sở sơ chế nông sản quy mô hộ, nhỏ lẻ hiện nay, huyện đang tuyên truyền, vận động và khuyến khích các đơn vị thực hiện.
Sở TN&MT đang triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu về môi trường và đa dạng sinh học, sản phẩm của Dự án sẽ nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin của Sở TN&MT. Qua đó, cài đặt nhiều phần mềm xem camera giám sát của các cơ sở, giúp việc vận hành phần mềm thuận tiện hơn.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quyết liệt của tỉnh, trong đó có giải pháp lắp đặt camera giám sát hệ thống xử lý nước thải tại các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản quy mô tập trung, cùng với phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050 đang được hoàn thiện, đưa toàn bộ các cơ sở sơ chế, chế biến vào hoạt động tại các khu và cụm công nghiệp..., là giải pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!