Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, những năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các đối tượng được trợ giúp.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh phát tờ gấp tìm hiểu pháp luật cho trưởng bản, người có uy tín xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu. 

Đầu tháng 10 vừa qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho công chức xã, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, gồm: Co Mạ, Pá Lông, Co Tòng, Mường Bám, Long Hẹ, É Tòng. Cùng với phổ biến các văn bản luật, các báo cáo viên đã giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật.

Ông Vàng Sáu Dềnh, người có uy tín bản Từ Sáng, xã Pá Lông, chia sẻ: Được tham dự hội nghị, giúp chúng tôi nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu thêm về chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước. Nắm bắt các nội dung được tập huấn, tôi sẽ tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật ở cơ sở.

Còn anh Mùa A Chứ, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Co Mạ, cho hay: Với các nội dung, thông tin báo cáo viên Trung tâm chia sẻ, giúp tôi cập nhật, bổ sung một số kiến thức phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, nâng cao kỹ năng trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở đến với đồng bào. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai các chương trình, dự án trên địa bàn.

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Tư pháp, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho công chức cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các huyện, thành phố.

Ông Tòng Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thông tin: Để mỗi buổi truyền thông đạt hiệu quả, bảo đảm đúng đối tượng, địa bàn, Trung tâm TGPL đã gửi công văn gửi đến UBND huyện chỉ đạo phòng tư pháp, UBND các xã thuộc chương trình phối hợp với đoàn công tác, bố trí địa điểm, thời gian thực hiện truyền thông về TGPL. Quá trình truyền thông, Trung tâm thực hiện bằng cả tiếng phổ thông, tiếng dân tộc tại bản đặc biệt khó khăn để người dân biết và tiếp cận TGPL miễn phí. Việc tổ chức truyền thông TGPL tại cơ sở, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiểu thêm về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

9 tháng qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho hơn 1.200 lãnh đạo các xã, công chức tư pháp - hộ tịch, công an xã, trưởng bản, đoàn thanh niên, hội nông dân và người có uy tín trong cộng đồng thuộc ở các huyện Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu. Đồng thời, biên soạn, in ấn và phát gần 5.000 tờ gấp pháp luật, hơn 1.200 sổ tay trợ giúp pháp lý cho cán bộ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu.

Qua các hội nghị, nâng cao hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho công chức cấp xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người có liên quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, có khả năng cung cấp thông tin, giải thích về TGPL cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện TGPL đến với Trung tâm khi có vướng mắc pháp luật hoặc có vụ việc cần được TGPL; làm cầu nối giữa người dân và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh.

Đảm bảo triển khai hiệu quả các hoạt động TGPL theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức, phương thức truyền thông; tăng cường trợ giúp lưu động; đào tạo, bồi dưỡng, nghiệp vụ cho đội ngũ người thực hiện TGPL. Tổ chức các chuyên đề về TGPL kết nối cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đảm bảo quyền công dân trong tiếp cận và bình đẳng trước pháp luật, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới