Ngày 8/1/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, ra quyết định khởi tố vụ án mua, bán trái phép hóa đơn, khởi tố bốn bị can do Lê Thiện Nhật Thi, sinh năm 1989, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh cầm đầu. Các đối tượng này đã mua thông tin căn cước công dân của người dân để thành lập các công ty, doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn GTGT khống để trục lợi bất chính.
Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng trong đường dây đã thành lập hơn 80 công ty chỉ để thực hiện hành vi bán hóa đơn GTGT khống. Từ năm 2022 đến khi bị phát hiện, các đối tượng Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân... đã xuất bán hơn 20.000 hóa đơn GTGT cho các công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 80 mẫu hộp dấu của các công ty “ma”, hơn 70 căn cước công dân để sử dụng vào việc thành lập công ty, hơn 120 hồ sơ thành lập công ty “ma” cùng nhiều phương tiện, máy móc kỹ thuật liên quan.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu-Bộ Công an, hoạt động mua bán trái phép hóa đơn GTGT vẫn đang diễn biến phức tạp với chiều hướng gia tăng về số lượng và giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn. Hành vi phạm tội có sự tiếp tay của một số đối tượng là cán bộ nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuế.
Ngày 20/12/2024, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử vụ án Mua bán trái phép hóa đơn GTGT xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương với 55 bị cáo do Bùi Văn Bảo cầm đầu. Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo trong đường dây đã mua bán hóa đơn GTGT với số tiền gần 14.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính 100 tỷ đồng.
Cùng với hành vi phạm tội của các đối tượng chủ mưu, có sự tiếp tay của bốn cán bộ thuế gồm: Lê Thành Nhân, công chức Chi cục Thuế khu vực Quận 12-Hóc Môn; Trần Quốc Duy, công chức Chi cục Thuế khu vực Quận 7-Nhà Bè; Vương Quốc Hùng, cựu Phó đội trưởng Đội kiểm tra nội bộ-Chi cục Thuế Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và Bùi Thanh Liêm, cựu Phó đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 3, Chi cục Thuế khu vực Quận 7-Nhà Bè.
Theo cáo trạng, Bùi Văn Bảo và các đồng phạm đã thành lập 165 công ty “ma” để mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã liên hệ và hối lộ các cán bộ thuế nói trên với số tiền 15 tỷ đồng để bao che cho đường dây hoạt động. Xét tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 55 bị cáo với các mức án khác nhau, trong đó, bốn bị cáo là cán bộ thuế bị tuyên phạt từ 2-15 năm tù.
Theo các cơ quan chức năng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trong đó một phần nguyên nhân do hệ thống quản lý thuế còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng việc thu thập và phân tích dữ liệu về doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Ngoài ra, các đối tượng mua bán hóa đơn thường sử dụng mạng xã hội, diễn đàn và ứng dụng nhắn tin để tiếp cận khách hàng, khiến công tác quản lý trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Sự hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật trong việc sử dụng hóa đơn của nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, hoặc cố tình làm sai. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do áp lực doanh thu, đã lựa chọn mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa các chi phí, từ đó giảm thiểu tiền thuế phải nộp.
Để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn GTGT đang diễn ra, cơ quan thuế đã thực hiện nhiều giải pháp như xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về hóa đơn điện tử, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý các dữ liệu về hóa đơn điện tử; xác định người nộp thuế có yếu tố rủi ro gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra.
Cùng với đó, ngành thuế đã công khai danh sách những doanh nghiệp bị phát hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT; đồng thời phối hợp các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, cùng với các biện pháp nêu trên, các cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là cơ quan thuế cần tiếp tục tăng cường siết chặt công tác quản lý sử dụng hóa đơn để chống thất thu thuế; thực hiện tốt hơn nữa chương trình phối hợp giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành liên quan nhằm trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu, truy vết những người nộp thuế có dấu hiệu mua bán hóa đơn; nghiên cứu, bổ sung, cập nhật bộ tiêu chí rủi ro về hóa đơn, thống kê danh sách đơn vị có dấu hiệu rủi ro, đơn vị có vi phạm trong việc sử dụng hóa đơn để chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!