Đồng bào dân tộc Mông đến sinh sống và lập nghiệp ở bản Rừng Thông, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn từ những năm 1990. Những năm qua, bà con luôn đoàn kết, yên tâm định canh, định cư, xây dựng bản ngày một phát triển.
Xây dựng cuộc sống ổn định
Đồng bào Mông ở bản Rừng Thông có gốc gác từ huyện Bắc Yên, Quỳnh Nhai và xã Tà Hộc của huyện Mai Sơn di cư về. Nghe theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng bào Mông ở bản Rừng Thông không còn du canh, di cư, không phá rừng làm nương, không trồng cây thuốc phiện, mà định canh, định cư, tích cực lao động sản xuất, xây dựng bản làng, ổn định cuộc sống.
Ông Giàng A Sáy, năm nay gần 80 tuổi, nhớ lại: Ngày về đây sinh sống, đồi núi hoang sơ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Khi bản được thành lập, có 56 hộ, khoảng gần 250 nhân khẩu, chúng tôi bảo nhau xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cần cù lao động, xây dựng quê hương mới giàu đẹp.
.jpg)
Theo các cụ cao niên ở đây kể, ngày mới về, cuộc sống khó khăn lắm; thu nhập chỉ trông chờ vào cây ngô, cây sắn trên nương, mùa màng phụ thuộc vào thời tiết; bữa no, bữa đói. Được cán bộ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật, đưa các loại cây có năng suất, chất lượng vào sản xuất; như có luồng gió mới, cuộc sống của bà con thay đổi từng ngày. Những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên thay thế cho những nếp nhà tranh vách nứa, diện mạo nông thôn khởi sắc. Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thi đua tham gia các phong trào, cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ông Mùa A Hờ cho hay: Gia đình tôi trồng 3 ha nhãn, xoài áp dụng kỹ thuật ghép mắt bằng giống năng suất, chất lượng cao, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, mang lại nguồn thu nhập cao hơn trước rất nhiều. Tính tổng thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Giàng A Sáng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Rừng Thông, phấn khởi nói: Hiện nay, bản có 80 hộ, 403 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Bà con thâm canh 85 ha đất nông nghiệp, trong đó 15 ha mía, hơn 30 ha ngô, 35 ha xoài, nhãn, mận hậu, na. Chăn nuôi trên 500 con gia súc và hơn 3.600 gia cầm các loại. Thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm. Bản không còn hộ nghèo.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Cùng chúng tôi đi trên con đường bê tông uốn lượn qua các đồi cây ăn quả, ông Giàng A Sáng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Rừng Thông, bảo: Khi chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn được triển khai, người dân đã đồng tình hưởng ứng, hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công để có được con đường khang trang này.

Với tinh thần "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm", Ban quản lý bản và những người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia đóng góp. Mỗi hộ gia đình, tùy theo khả năng của mình mà tự nguyện đóng góp tiền của, vật liệu xây dựng như cát, đá, xi măng. Những người không có điều kiện về kinh tế thì góp bằng ngày công lao động, cùng nhau san lấp mặt bằng, đào móng, trộn bê tông...
Ông Giàng A Sáy, là người có uy tín ở bản, chia sẻ: Khi tuyên truyền, vận động, phân tích cho bà con thấy được lợi ích thiết thực khi có đường bê tông. Tôi là đảng viên, gương mẫu làm trước, chặt bỏ gần 100 cây xoài, nhãn để hiến 2.000 m2 đất làm đường. Mọi người thấy vậy hưởng ứng làm theo.
Gia đình ông Giàng A Lầu là hộ tiêu biểu trong hiến đất làm đường. Ông tự chặt bỏ 50 cây xoài để hiến hơn 1.000 m2 đất. Ông Lầu nói: Muốn bản mình có đường đẹp, đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận tiện, buôn bán, phát triển kinh tế thì phải biết đặt lợi ích tập thể lên trên, hy sinh lợi ích cá nhân, cùng chung trách nhiệm với với cộng đồng.
Với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong bản đóng góp hơn 600 triệu đồng và hơn 600 ngày công lao động; 30 hộ dịch hàng rào, chặt bỏ hàng trăm cây xoài, nhãn và rau màu, hiến hơn 10.000 m2 đất, tháng 12/2023, tuyến đường nội bản Rừng Thông, xã Mường Bon, rộng 3,5 m; dài hơn 4 km đã được hoàn thành, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.
Ông Giàng A Tủa, bản Rừng Thông, phấn khởi nói: Từ khi tuyến đường hoàn thành, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng, cuộc sống của bà con đã thay đổi rất nhiều. Ai cũng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Con đường về bản là một minh chứng sinh động cho sức mạnh của sự đoàn kết và ý thức trách nhiệm cộng đồng, sự nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bà con. Bản còn được Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm; cuộc sống của nhân dân được cải thiện.
Nhân dân có điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể thao. Hiện nay, bản có 1 đội bóng đá nam, 1 đội bóng chuyền, 1 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, giao lưu biểu diễn phục vụ nhân dân các dịp lễ, tết. Bản có 4 nhóm liên gia tự quản, hoạt động tích cực nên 10 năm nay, bản liên tục đạt “4 không” về ma túy. 12 năm liên tục bản được công nhận danh hiệu “Bản văn hóa”; 62 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 100% số hộ thực hiện nếp sống văn minh trong việc hiếu, việc hỷ và lễ hội...
Khắc phục khó khăn, người dân bản Rừng Thông, xã Mường Bon tiếp tục phát huy đoàn kết, nỗ lực vươn lên, xây dựng bản ngày một giàu đẹp, văn minh hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!