Với ưu điểm ít sâu bệnh, giảm công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện Yên Châu đã tận dụng quỹ đất vụ đông mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, cách làm này đã góp phần tăng giá trị kinh tế, đảm bảo nguồn lương thực dự trữ quanh năm cho đàn gia súc.
Gia đình ông Lò Văn Trường là hộ đi đầu của bản Chiềng Sàng 2, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, về trồng ngô sinh khối, với hơn 5.000 m² cho thu nhập ổn định hằng năm. Ông Trường cho biết: 6 năm trở lại đây, được cán bộ huyện, xã tuyên truyền vận động và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô sinh khối, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích vụ đông sang trồng ngô sinh khối và được Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hợp đồng thu mua ổn định với giá 1.000-1.200 đồng/kg, chúng tôi rất yên tâm sản xuất. Trung bình mỗi vụ, gia đình thu hoạch khoảng 15 tấn, thu về gần 17 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay, nông dân xã Chiềng Sàng đã mở rộng diện tích trồng gần 70 ha ngô sinh khối, chủ yếu trên đất lúa 2 vụ, tập trung tại bản Chiềng Sàng 2, Chiềng Sàng 1, Búng Mo, Mai Ngập và bản Đán 1, Đán 2. Nhờ tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, cây ngô sinh khối trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân đạt từ 27-30 tấn/ha; trong đó, trên 40% diện tích ngô được Công ty Giống bò sữa Mộc Châu thu mua từ 1.000-1.200 đồng/kg; còn lại, bà con dự trữ thức ăn chăn nuôi trâu bò.
Còn tại xã Chiềng Khoi, với điều kiện quỹ đất chăn thả đại gia súc ngày càng thu hẹp, nhiều hộ dân đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi trang trại tập trung, do đó người dân đã tập trung trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò. Bà Lò Thị Phương, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoi, cho hay: Hiện nay, cả xã có gần 2.500 con trâu bò; trong đó, hơn 30 hộ nuôi gia trại, trang trại từ 10 con trở lên. Cùng với diện tích cỏ voi, xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi, tận dụng diện tích ruộng vụ đông, đất bìa rừng trồng ngô sinh khối và được bà con các bản: Tủm, Mé, Hiêm, Pút, Nà Đông tích cực hưởng ứng... Đến nay, toàn xã đã trồng hơn 60 ha ngô sinh khối. Cách làm này đã góp phần gia tăng giá trị kinh tế đối với cây ngô, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ quanh năm cho đàn gia súc.
Gia đình anh Lừ Văn Dương, bản Tủm, xã Chiềng Khoi đầu tư 120 m² xây dựng chuồng trại, nuôi 20 con bò; ngoài 130 m² cỏ voi trồng quanh năm, vào vụ đông, gia đình anh còn trồng thêm 3.000 m² ngô sinh khối để ủ chua dự trữ thức ăn quanh năm cho đàn bò. Anh Dương nói: Được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ xã, huyện đã giúp tôi có kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản ngô sinh khối, do đó, đàn bò luôn khỏe mạnh và tăng cân nhanh, mỗi năm gia đình xuất bán từ 10-12 con bò, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Trồng ngô sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng ngô lấy hạt như dễ chăm sóc, thời gian trồng đến thu hoạch ngắn, khoảng 75 - 90 ngày tùy theo từng giống và không dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, vì thế đã giảm được chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường.
Để mở rộng diện tích ngô sinh khối, hằng năm, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền người dân tận dụng diện tích đất vụ đông trồng ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, ủ chua thức ăn cho đàn đại súc; tổ chức cho các đoàn tham quan mô hình trồng ngô sinh khối tại huyện Mộc Châu. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng các giống ngô phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng, thu hoạch, chế biến và bảo quản để ngô sinh khối trở thành nguồn thức ăn thô xanh chủ động, chất lượng cao, an toàn cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi các xã: Tú Nang, Chiềng Sàng, Chiềng Đông được Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết đứng ra thu mua ngô cho bà con. Hiện, toàn huyện có 760 ha ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi đại gia súc và được Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết thu mua, tập trung ở các xã: Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Khoi, Tú Nang, Chiềng On, Chiềng Tương… Năng suất ước đạt từ 30-35 tấn/ha.
Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 32.000 con gia súc, trong đó có 7.000 con trâu, 25.000 con bò, nhu cầu thức ăn xanh cho gia súc rất cao, đặc biệt là giúp các hộ chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông, Phòng đang tiếp tục tuyên truyền người dân mở rộng diện tích ngô sinh khối; tập trung phát triển đàn gia súc theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Đặc biệt, phát triển đàn gia súc ở các xã vùng cao như: Mường Lựm, Chiềng On, Chiềng Tương, Tú Nang có tiềm năng phát triển nuôi bò nhốt chuồng.
Có thể thấy, việc chuyển đổi sang trồng ngô sinh khối làm nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi và bán nguyên liệu cung cấp cho Công ty Cổ phần bò sữa Mộc Châu đã và đang là hướng phát triển sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Yên Châu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!