Xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông hiệu quả

Bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng nhiều mô hình, dự án khuyến nông, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.

Thành viên HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn chăm sóc vườn chanh leo.

Năm 2022, HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn là một trong những đơn vị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình “Trồng thâm canh chanh leo theo tiêu chuẩn VietGAP". Tham gia mô hình, HTX được hỗ trợ giống, phân bón và được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn khâu xử lý, khắc phục; kỹ năng phòng tránh sâu bệnh hại trên cây chanh leo. 

Thăm khu vườn trồng chanh leo, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan, anh Lò Văn Sam, Giám đốc HTX, chia sẻ: Được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, nên nhiều loại bệnh phổ biến như đốm mắt cua, bệnh vết loang dầu và bệnh phấn trắng được xử lý kịp thời. Hiện nay, với 50 ha chanh leo, HTX thu hoạch hơn 35 tấn quả/ha/năm, giá bán 48.000 đồng/kg hàng loại 1 xuất khẩu; 15.000 đồng/kg hàng loại 2 và 5.000-6.000 đồng/kg hàng loại 3, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 250-300 triệu đồng/ha.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn thành viên HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu kỹ thuật chăm sóc xoài

Ngoài mô hình trồng chanh leo, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn triển khai mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, với quy mô 10 ha trên địa bàn huyện Yên Châu. Các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bao quả xoài, tạo tán, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại xoài bằng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và sử dụng các loại thuốc BVTV trong danh mục được phép sử dụng, trong đó, ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, thảo mộc.

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, cho biết: Từ khi tham gia mô hình, các thành viên HTX đã áp dụng kỹ thuật cho quả muộn hơn 1 tháng so với xoài chính vụ, quả xoài được bao trái cẩn thận, chăm sóc đúng quy chuẩn kỹ thuật. Dự kiến, cuối tháng 8, chúng tôi sẽ thu hoạch, hiện đã có thương lái trả giá cao hơn gấp 3-4 lần giá xoài chính vụ.

Mô hình xoài của HTX Phương Nam áp dụng kỹ thuật cho thu hoạch muộn hơn 1 tháng so với xoài chính vụ.

Năm 2022, từ nguồn vốn của Trung ương và ngân sách tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 12 mô hình, dự án. Điển hình như mô hình trồng dứa an toàn tại các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố; mô hình ghép giống nhãn chín sớm, rải vụ thu hoạch phục vụ tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, tại huyện Sông Mã, Mường La;  thâm canh cây ăn quả có múi an toàn, theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện Phù Yên; mô hình nuôi cá Lăng Nha trong lồng bè tại các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai... Đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình hợp tác khuyến nông trên địa bàn, như: Thâm canh cây mắc ca; trồng cây che bóng nhằm hạn chế thiệt hại do sương muối, nâng cao hiệu quả canh tác cây cà phê chè tại các tỉnh Tây Bắc...

Xây dựng mô hình, nhân rộng các chương trình, dự án khuyến nông là phương thức hiệu quả trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân, giúp họ trực tiếp mắt thấy, tai nghe và dễ làm theo. Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố, UBND các xã, thị trấn khảo sát, lựa chọn các mô hình gắn với nhu cầu thực tế của nông dân, phù hợp với định hướng phát triển, tái cơ cấu của ngành Nông nghiệp. Đối với mỗi mô hình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm bám sát cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện, tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và cho các hộ khác đến tham quan, học tập để nhân rộng mô hình.

Tiếp tục phát huy vai trò khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ triển khai các mô hình áp dụng giống mới có năng suất, chất lượng cao, quy mô lớn, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, tập quán sản xuất của nông dân từng địa phương, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới