Chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch

Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch các loại cây ăn quả, như mận hậu, xoài, nhãn chín sớm và đang tích cực chăm sóc, nhằm phục hồi, bảo đảm cây sinh trưởng, phát triển tốt cho vụ sau.

Cán bộ xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu, hướng dẫn bà con chăm sóc diện tích xoài sau thu hoạch. 

Toàn tỉnh có hơn 84.700 ha cây ăn quả các loại. Trong đó, trên 19.500 ha xoài, nhãn; gần 14.500 ha sơn tra; hơn 11.400 ha mận; 5.600 ha chuối; gần 5.000 ha cây ăn quả có múi, còn lại là bơ, chanh leo, hồng giòn... Từ đầu năm đến nay, sản lượng thu hoạch quả các loại đạt 253.000 tấn.

Ngay sau thu hoạch, Sở NN và PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn các huyện, thành phố, đơn vị chuyên môn vận động nhân dân chăm sóc diện tích cây ăn quả. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố hướng dẫn các hộ nông dân chăm sóc diện tích cây trồng, nhất là các khu vực có sản phẩm quả mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ và sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về các biện pháp thâm canh, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các bước trong quy trình sản xuất quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ chăm sóc sau thu hoạch đến khi thu hoạch sản phẩm, đảm bảo năng suất và chất lượng.

Huyện Mộc Châu có hơn 3.200 ha mận hậu, trong đó khoảng 2.400 ha đã cho thu hoạch. Hằng năm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phân công cán bộ chuyên môn bám cơ sở, hỗ trợ bà con kỹ thuật chăm sóc mận hậu sau thu hoạch. Thực hiện quy hoạch vùng trồng mận công nghệ cao tại thung lũng mận Nà Ka cấp mã số vùng trồng; hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc mận hậu theo hướng hữu cơ.

Gia đình anh Lý Văn Đức, tiểu khu Tà Lọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu có 2 ha mận hậu; sản lượng vụ mận năm nay đạt 17 tấn, thu 130 triệu đồng. Anh Đức cho biết: Hiện nay, gia đình tôi đang tập trung tỉa cành, dọn và tạo tán cho mận. Sau đó, xới khoanh gốc, bón phân đợt 1 cho cây nhanh phục hồi. Đến tháng 9, gia đình tiếp tục bón phân đợt 2, phun bón lá và phun kích cho hoa mận nở sớm để rải vụ. Chúng tôi thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh hại, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời.

HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu sản xuất 14,5 ha xoài theo quy trình VietGAP, được cấp mã số vùng trồng trên giống xoài tượng da xanh. Hằng năm, sản phẩm xoài của HTX xuất khẩu sang các thị trường các nước Úc, Mỹ, Trung Quốc. Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, cho biết: Để đạt được tiêu chuẩn theo yêu cầu của các nước nhập khẩu, thành viên HTX chú trọng áp dụng kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, liên kết với các đơn vị thu mua để giám sát quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Áp dụng nghiêm các quy trình, kỹ thuật, nên diện tích xoài phát triển tốt, sản lượng gần 300 tấn quả/vụ; năm 2023, HTX thu 2,2 tỷ đồng từ vườn xoài.

Huyện Mường La có 5.850 ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn, chuối, sản lượng đạt hơn 24.000 tấn quả/năm. Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng NN và PTNT huyện, cho biết: Sau vụ thu hoạch, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã hướng dẫn bà con làm sạch cỏ xung quanh gốc để hạn chế cỏ cạnh tranh dinh dưỡng của cây và giảm sâu bệnh gây hại; tỉa bỏ các cành tán, cành sâu bệnh và cành trên đỉnh tán, tạo độ thông thoáng, bón phân để bổ sung dinh dưỡng cho cây phục hồi. Sau đó, phun phân bón lá giúp cho bộ lá mới ra đều, khỏe mạnh và sớm trổ bông, thường xuyên kiểm tra phát hiện sinh vật gây hại để kịp thời phòng trừ.

Chăm sóc cây trồng sau thu hoạch là yếu tố quyết định đến năng suất và chất lượng quả vụ tiếp theo. Với sự hỗ trợ của các ngành, địa phương, bà con nông dân cần áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng để tiếp tục có những vụ mùa bội thu.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới