Trường THPT Chu Văn Thịnh gặp khó khi thực hiện nấu ăn bán trú

Được thầy, cô quan tâm chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, được ở lại trường học tập, các em học sinh vùng cao huyện Mai Sơn đã yên tâm xuống núi học chữ, tỷ lệ học sinh chuyên cần đến lớp được nâng lên rõ rệt. Nhà trường có 95% học sinh là dân tộc thiểu số, tổ chức nấu ăn bán trú cho 440 học sinh và có trên 250 học sinh ở nội trú. Nhưng bất cập là nhà trường không được công nhận là trường bán trú.

Tiếp bước cho học sinh vùng cao đến trường

Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn) là một trong 5 trường THPT của huyện Mai Sơn (gồm 3 trường THPT, 1 trường PTDT nội trú liên cấp và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên). Nằm ở Trung tâm xã Chiềng Mai, Trường THPT Chu Văn Thịnh có nhiệm vụ thu hút học sinh khu vực các xã Phiêng Cằm, Phiêng Pằn, Chiềng Nơi và một số xã khác của huyện Mai Sơn, Sông Mã. Sau hơn 20 năm thành lập, Trường hiện có 31 phòng, lớp học kiên cố, 52 phòng ở cho học sinh bán trú, phòng học chức năng, sân tập thể dục thể thao, sân chơi, khuôn viên cây xanh; năm 2019, Trường vinh dự được công nhận trường chuẩn quốc gia. Toàn trường hiện có 1.219 học sinh đang học 3 khối lớp; trên 95% học sinh dân tộc thiểu số; 253 học sinh ở nội trú.

 

Trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn.

 

Địa bàn trải rộng, có nhiều học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, đi học xa nhà (có em nhà cách trường hơn 90 km). Nhiều phụ huynh có nguyện vọng cho con ăn bán trú tại trường. Được nhà nước hỗ trợ gần 500 triệu đồng từ nguồn mua sắm trang thiết bị nấu ăn bán trú, từ năm học 2014-2015, nhà trường tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Hằng tháng, những học sinh có nhà ở các xã, bản đặc biệt khó khăn cách xa trường, mỗi em được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP. Từ nguồn hỗ trợ này, nhà trường đã tổ chức nấu cơm 3 bữa/ngày, giúp học sinh có những suất ăn đảm bảo chất lượng, có thời gian học tập tốt hơn, phụ huynh cũng yên tâm hơn.

Dẫn chúng tôi đi thăm trường, thầy giáo Tòng Văn Tọa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Khác các trường THPT trên địa bàn tỉnh, Trường THPT Chu Văn Thịnh đang tổ chức nấu ăn bán trú cho 440 học sinh. Nhà trường đã thành lập Ban giám sát việc nấu ăn đảm bảo chế độ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phân công giáo viên giúp đỡ học sinh ôn luyện, bổ sung kiến thức. Nhờ việc tổ chức ăn, ở tập trung, việc huy động học sinh đến trường và duy trì sĩ số lớp được đảm bảo hơn trước đây, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm hẳn; chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể, tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước.

Em Vì Thị Nghiệp Giang, học sinh lớp 12 chia sẻ: Nhà em ở xã Phiêng Cằm, cách trường gần 60 km, cuối tuần mới về nhà một lần. Được ăn, ở tại trường, nên bố mẹ em rất yên tâm và em cũng học tập tốt hơn.

Những khó khăn, bất cập

Việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh tại Trường THPT Chu Văn Thịnh gặp không ít khó khăn. Mặc dù cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, nhưng nơi ở, khu bếp ăn bán trú không đủ đáp ứng với số học sinh của trường. Chứng kiến giờ cơm trưa, hàng trăm học sinh phải chia làm 2 ca để ăn cơm do không đủ chỗ ngồi, các em ở trọ bên ngoài ăn trước, học sinh ở bán trú tại trường ăn sau. Hiện, trường còn gần 200 học sinh có nhu cầu ở nội trú nhưng nhà trường không còn chỗ để bố trí. Các em phải tự thuê nhà dân khu vực xung quanh trường, không có người quản lý, nguy cơ học sinh mắc vào tệ nạn luôn rình rập.

Em Quàng Văn Nam, học sinh lớp 10, cho biết: Nhà em ở bản Púng, xã Chiềng Ve, cách trường 15 km nên đi về trong ngày rất vất vả. Đầu năm học, em đăng ký vào ở tại ký túc xá của trường nhưng không còn chỗ, nên em và 2 bạn khác thuê trọ tại bản Lốm, xã Chiềng Ban. Hằng ngày, đến giờ ăn cơm, em và các bạn ăn ở trường xong rồi về phòng trọ nghỉ, rất bất tiện.

Không chỉ các em học sinh thiệt thòi mà giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý học sinh với nhiều vấn đề phát sinh về an ninh, sức khỏe, những thay đổi của độ tuổi vị thành niên, đối mặt với tệ nạn xã hội... Yêu cầu trách nhiệm của cán bộ, giáo viên cao hơn, vất vả hơn. Thầy giáo Nguyễn Trung Thành, Phó Hiệu trưởng, băn khoăn: Dù có học sinh bán trú nhưng các giáo viên được phân công phụ trách việc quản lý nấu ăn bán trú và quản lý khu nội trú của học sinh không được hưởng các chế độ của trường bán trú. Nhà trường thành lập Ban giám sát quản lý học sinh do một đồng chí phó hiệu trưởng phụ trách, động viên tinh thần gương mẫu đi đầu của đảng viên, phân công các thầy cô giáo ở tại nhà công vụ hoặc nhà gần trường tham gia vào việc quản lý học sinh. Nhà trường phải tự cân đối chi tiêu để hỗ trợ làm ngoài giờ, nhưng số tiền cũng rất thấp, chỉ khoảng 200.000 đồng/người/tháng. Mặc dù học sinh bán trú đông, nhưng trường lại không còn cán bộ y tế học đường như trước, nhiều khi học sinh ốm đau, các thầy, cô phải tự đưa học sinh đi viện...

Cần có thêm chính sách

Mang câu chuyện về những khó khăn, bất cập của Trường THPT Chu Văn Thịnh trao đổi với ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, được biết: Theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú thì một trong những điều kiện thành lập trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) cần bảo đảm có ít nhất 50% học sinh của trường là người dân tộc thiểu số và ít nhất 25% học sinh (đối với trường PTDTBT tiểu học), 50% học sinh (đối với trường PTDTBT tiểu học và trung học cơ sở, trường PTDTBT trung học cơ sở) là học sinh bán trú và các tỷ lệ này ổn định. Thông tư cũng quy định: Đối tượng xét duyệt là cấp tiểu học và THCS mà không có cấp THPT.

 

Giờ ăn cơm của học sinh bán trú tại Trường THPT Chu Văn Thịnh (Mai Sơn).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có các trường: THPT Co Mạ, THPT Phiêng Khoài, THPT Yên Châu cũng đang gặp những khó khăn tương tự như Trường THPT Chu Văn Thịnh trong việc tổ chức bán trú cho học sinh. Để tháo gỡ khó khăn cho các trường và thu hút được học sinh vùng cao chuyên cần, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, ban hành chính sách xây dựng trường bán trú khối THPT ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như bậc tiểu học và THCS để đảm bảo được chế độ cho học sinh cũng như cho giáo viên làm công tác quản lý, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức của Bộ GD&ĐT.

Để giúp học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi trong học tập, nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương và các trường, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm, rà soát lại các chính sách phát triển giáo dục hiện hành, trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay.

 

Đình Thành - Nguyễn Yến

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La triển khai sơn kẻ vạch trên các tuyến đường

    Thành phố Sơn La -
    Đảm bảo an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị chào mừng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị trên địa bàn thành phố năm 2025, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, từ đầu tháng 5, thành phố Sơn La đã đầu tư thực hiện Dự án sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc các tuyến đường giao thông trên địa bàn. 
  • 'Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La thảo luận tại tổ

    Thời sự - Chính trị -
    Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại tổ đối với dự thảo, gồm: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
  • 'Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Tôn vinh nghề điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Điều dưỡng viên không chỉ hỗ trợ đắc lực bác sĩ trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, mà còn là cầu nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân. Cùng với tình yêu nghề, lương tâm nghề nghiệp, họ còn nhẫn nại, lắng nghe và thấu hiểu bệnh nhân. Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5 là dịp để xã hội tôn vinh đội ngũ điều dưỡng - những người đã và đang góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
  • 'Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Họp Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU ngày 4/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu xây dựng Đề án kết thúc hoạt động của Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố; thành lập Đảng bộ cấp xã trực thuộc Tỉnh ủy; sắp xếp, tinh gọn cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ từ tỉnh đến cơ sở (Tổ nghiên cứu Đề án theo Quyết định số 1324-QĐ/TU), đã chủ trì cuộc họp.
  • 'Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng

    Sức khỏe -
    Ngày 12/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Hội Điều dưỡng tỉnh tổ chức Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc tế điều dưỡng (12/5/1965 - 12/5/2025); trao giải Cuộc thi “Sáng tạo góc truyền thông Giáo dục sức khỏe” tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 13/5/2025

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường sau có cường độ ổn định và suy yếu. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có cường độ thay đổi. Thời tiết: Mây thay đổi, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Ngày nắng.
  • 'Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Đẩy nhanh tiến độ đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 12/5, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì họp báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động tỉnh Sơn La đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2025. Tham dự có đại diện các sở, ngành của tỉnh.
  • 'Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    Nghị quyết số 480/NQ-HĐND

    INFOGRAPHIC -
    Ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề thứ 30, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND đã quyết nghị thông qua Nghị quyết số 480/NQ-HĐND về việc gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án sang năm 2025 đối với 3 dự án sử dụng ngân sách Trung ương không đáp ứng thời gian bố trí theo quy định tại Điều 57, Luật Đầu tư công năm 2024.