Nơi ghi dấu những chiến công hào hùng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Ngã ba Cò Nòi là điểm nút giao thông quan trọng trong các mũi tiến quân, tiếp tế của quân ta cho chiến trường Điện Biên Phủ, nên thực dân Pháp bắn phá ác liệt, mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của kẻ thù. Những thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng bám trụ ngày đêm, không quản hy sinh xương máu, đảm bảo thông suốt tuyến giao thông huyết mạch, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

                                 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

           

Ký ức về Ngã ba Cò Nòi anh hùng

           

Trực tiếp làm nhiệm vụ tại Ngã ba Cò Nòi là lực lượng thanh niên xung phong của 5 đơn vị thuộc Đội 34 và 40. Thời kỳ địch bắn phá cao điểm, nơi đây có khoảng 1.000 thanh niên xung phong và các lực lượng khác tham gia. Những chàng trai thanh niên xung phong độ tuổi 20 năm ấy, nay đã ở tuổi xưa nay hiếm.

           

Cụ Hồ Ngọc Toàn, cựu TNXP kể về thời gian tham gia chiến đấu tại Ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn).

           

Ở tuổi 88, tuy mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ông Hồ Ngọc Toàn, nguyên là Tiểu đội trưởng thanh niên xung phong của Đội 40, Đại đội 408, vẫn vẹn nguyên những ký ức hào hùng của tuổi trẻ, hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Ông kể: Khoảng tháng 2/1954, khi ấy, tôi mới tuổi đôi mươi, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi cùng 9 thanh niên của xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) rời quê hương gia nhập Đội Thanh niên xung phong tham gia chi viện cho Tây Bắc. Sau gần 1 tháng hành quân đi bộ mới đến Cò Nòi, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ chi viện, tiếp tế nhân lực, lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. TNXP chủ yếu hoạt động vào ban đêm, vào những giai đoạn cao điểm có những ngày địch thả xuống hàng trăm tấn bom, mìn các loại, đã có hàng trăm TNXP ngã xuống. Lực lượng TNXP chúng tôi đã cử người trực ban ngày quan sát, đánh dấu các điểm thả bom để lực lượng công binh rà phá bom mìn; đêm xuống, tập trung lực lượng, cuốc, xẻng san gạt đường để các lực lượng khác đi qua. Vất vả, hy sinh không kể siết, nhưng tinh thần của TNXP luôn phấn chấn, lạc quan, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.

           

Ông Thái Hữu Hoành, cựu TNXP kể về 4 lần tham gia chi viện đảm bảo giao thông Ngã ba Cò Nòi thông suốt.

           

Còn ông Thái Hữu Hoành, năm nay 84 tuổi, nguyên thanh niên xung phong thuộc Đại đội 292 được phân công đảm bảo giao thông tại cầu Tà Vài (Yên Châu) và 4 lần được tăng cường chi viện cho Ngã ba Cò Nòi. Ông Hoành kể: Ngày 13/3/1954, khi nhận được lệnh cấp trên, 2 trung đội 1 và 2 hành quân đi bộ cấp tốc không ngừng nghỉ 28 km từ cầu Tà Vài (Yên Châu) lên Ngã ba Cò Nòi, đến nơi chứng kiến cảnh tượng đường sá bị băm nát, những hố bom chằng chịt. Chúng tôi nhanh chóng tham gia cùng các lực lượng khẩn trương phá mìn, san đất đá cho xe của bộ đội, dân công vượt qua. Rạng sáng ngày 14/4/1954, tôi và một số đồng chí tiếp tục được giao nhiệm vụ đi tìm kiếm di vật, các phần thi thể của thanh niên xung phong, cảm xúc thương xót, đau đớn khiến chúng tôi không cầm nổi nước mắt, càng căm thù, quyết tâm cùng đánh đuổi giặc ngoại xâm.

           

Những câu chuyện, ký ức được nghe kể lại từ chính những nhân chứng lịch sử tham gia tuyến lửa Ngã ba Cò Nòi dường như mới chỉ khắc họa được một phần sự hy sinh to lớn của quân đội và nhân dân ta. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ riêng tại Ngã ba Cò Nòi, đã có hơn 100 chiến sỹ và TNXP hy sinh, để lại xương máu nơi đất mẹ.

           

“Địa chỉ đỏ” giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ

           

Để tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ và lực lượng TNXP, hơn 20 năm qua, các bộ, ngành, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tỉnh Sơn La quan tâm đầu tư xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ TNXP Ngã ba Cò Nòi. Năm 2020, Di tích lịch sử tiếp tục được quan tâm trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, với tổng diện tích quy hoạch hơn 10 ha, gồm 3 khu chức năng chính: Chủ đề tưởng niệm, khu công viên chứng tích và đất giao thông. Đến nay, việc triển khai giai đoạn 1 Dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình: Nhà tưởng niệm, bia ghi công và một số hạng mục khác, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng; hoàn thành xác minh danh tính của 46 liệt sỹ thanh niên xung phong và Sổ vàng ghi công. Để quản lý, khai thác hiệu quả Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn đã thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi trực thuộc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện.

           

Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi.

           

Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, nhấn mạnh: Ngã ba Cò Nòi là một nét son, là điểm chốt của con đường vận chuyển chi viện cho Tây Bắc, vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Việc tôn tạo, tu bổ, nâng cấp, mở rộng Di tích để trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tuyên truyền, quảng bá, làm cho mọi người dân đến với Sơn La đều biết giá trị của Ngã ba Cò Nòi là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết.

           

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi và cảm thấy tự hào, vui mừng khi Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã được quan tâm đầu tư tu bổ ngày một khang trang, đẹp đẽ, uy nghiêm, xứng tầm với ý nghĩa lịch sử quốc gia, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, gắn với tham quan du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

           

Các hoạt động tổ chức thắp nến tri ân, thăm hỏi, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ, vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng... của Đoàn Thanh niên các cấp đã góp phần đẩy mạnh giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên. Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi đã trở thành “Địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đức hy sinh, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

           

Đồng chí Cầm Huyền Trang, Bí thư Tỉnh đoàn, chia sẻ: Thời gian tới, Tỉnh Đoàn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của Di tích lịch sử đến cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, để Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi thực sự là một địa chỉ đỏ, điểm đến ý nghĩa, là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, phối hợp với các ngành huy động, vận động nguồn lực xã hội hóa để triển khai Dự án tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi giai đoạn tiếp theo.

           

Những hố bom giờ đã được lấp đầy bằng con đường trải nhựa phẳng lỳ, những ngôi nhà san sát nhau, đồi núi phủ xanh bằng những vườn cây trái sai trĩu quả như càng khẳng định tinh thần bất diệt của thanh niên xung phong mãi trường tồn nơi vùng đất Cò Nòi anh hùng. Khu Di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xứng với tầm vóc và giá trị di tích lịch sử quốc gia; đáp ứng tâm nguyện của thanh niên xung phong, cán bộ, nhân dân địa phương, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho lớp lớp thế hệ trẻ mai sau.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Xã hội -
    Ngày 24/10, tại VOV Tây Bắc, tỉnh Sơn La, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho trên 30 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
  • 'Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 23/10, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11.
  • 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Khoa Giáo -
    Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập để trẻ vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
  • 'Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Kinh tế -
    Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây sắn cao sản, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng sắn làm nguyên liệu chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
  • 'Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Xã hội -
    Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.