Xuất khẩu rau quả trước cơ hội bứt phá

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước đạt mức kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2022. Năm 2024, ngành hàng rau quả đứng trước nhiều cơ hội bứt phá mới trong sản xuất và xuất khẩu, với mục tiêu đạt kim ngạch khoảng 6,5 tỷ USD, kỳ vọng sớm tiến tới “con số trong mơ” là 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành “cường quốc” xuất khẩu rau quả.

Sơ chế dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh TRUNG LÊ)
Sơ chế dừa tươi phục vụ xuất khẩu tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh TRUNG LÊ)

Bài 1: Khai thác tiềm năng sản phẩm, thị trường

Rau quả Việt Nam hiện đang được xuất khẩu đi nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó các thị trường trọng điểm, gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Australia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… Khai thác tốt thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới, đồng thời phát huy hết thế mạnh của từng chủng loại rau quả là cơ sở để tăng cao kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1/2024 đạt khoảng 458,741 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng 12/2023 và tăng 89,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm thắp lên nhiều hy vọng tăng trưởng cho ngành rau quả.

Phát huy giá trị các mặt hàng chủ lực

Ông Đặng Phúc Nguyên-Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là con số kỷ lục của mặt hàng này từ trước đến nay. Kết quả này có được từ sức bật của các vùng trồng sầu riêng trọng điểm khi mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp ngày một nhiều lên, kéo theo nhiều cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất hàng sang thị trường hơn 1 tỷ dân này.

Hiện Trung Quốc chỉ có một số ít địa phương trồng được sầu riêng như Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam và sản lượng không nhiều, trong khi nhu cầu về trái sầu riêng rất lớn, là cơ hội cho Việt Nam khai thác hiệu quả hơn nữa.

Theo thống kê, ước tính đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng đã tăng nhanh chóng, bình quân mỗi năm tăng gần 25%, với tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn; trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên hơn 52.000 ha (khoảng 47%), Đồng bằng sông Cửu Long 33.000 ha (khoảng 30%), Đông Nam Bộ 21.000 ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác.

Tính đến tháng 8/2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk Vũ Đức Côn cho biết: Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm 2023 ước tính hơn 200.000 tấn. Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%.

Việt Nam cũng là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu chuối lớn trên thế giới. Tiềm năng xuất khẩu của trái chuối tươi và chế biến còn rất lớn vì loại trái cây này cho thu hoạch quanh năm. Vài năm gần đây, Trung Quốc có xu hướng tăng nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam do thuận lợi về vị trí địa lý.

Bên cạnh đó, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và lao động tăng trong khi dịch bệnh xuất hiện khiến cây trồng này kém hiệu quả. Thị trường Nhật Bản cũng gia tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam. Riêng sản phẩm chuối khô của Việt Nam đang dẫn đầu thị phần nhập khẩu vào Nhật Bản khi chiếm gần 60%.

Bên cạnh sầu riêng, chuối, thì dừa được đánh giá là một sản phẩm tiềm năng bứt phá trong năm 2024. Ông Lê Thanh Hòa-Phó Cục trưởng Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đây là mặt hàng có khả năng bước vào nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ đô-la của Việt Nam khi từ đầu tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) đã chính thức phê duyệt nhập khẩu dừa non Việt Nam.

Việt Nam thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 200.000 ha dừa, với sản lượng khoảng 2 triệu tấn. Sắp tới, khi dừa được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì loại trái cây này được dự báo sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ.

Là địa phương trọng điểm về trồng dừa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết: Tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị cây dừa phục vụ thị trường xuất khẩu với diện tích gần 23.747 ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt hơn 230.000 tấn.

 

Hiện tại, có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa. Ngoài ra, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt hơn 18.000 ha, với diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 180 doanh nghiệp và gần 2.400 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, trong đó có hơn 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất gần 45.000 tấn cơm dừa nạo sấy; 85 triệu lít nước cốt dừa; 44 triệu lít nước dừa đóng lon; 39.000 tấn chỉ xơ dừa; 12.700 tấn than hoạt tính.

Làm tốt công tác mở cửa thị trường

Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch hơn 3,6 tỷ USD, tăng 138,7% so với năm 2022, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu tăng, như: Hàn Quốc đạt gần 226 triệu USD, tăng 25%; Mỹ gần 228 triệu USD, tăng 4%; Hà Lan hơn 147 triệu USD, tăng 26%; Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hơn 59 triệu USD, tăng 19% so với năm 2022… Sự tăng trưởng đa dạng về thị trường đã chứng tỏ sản lượng, chất lượng rau quả của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn thị hiếu và yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, ngoài các sản phẩm rau quả chủ lực đang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng, thì các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm trái cây có múi, dừa, sầu riêng cấp đông, ớt...

Đây đều là những loại rau quả có diện tích, sản lượng lớn trên cả nước. Nếu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ có giá trị thúc đẩy hơn nữa sản xuất và kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung của Việt Nam thời gian tới.

Bên cạnh thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam cũng đang tiếp cận hiệu quả các thị trường lớn khác. Ngay trong ngày đầu tháng 1/2024, lần đầu tiên, 7 tấn xoài tượng da xanh An Giang đã được xuất khẩu sang Australia và Mỹ. Lô xoài tượng da xanh được xuất khẩu trên hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T.

“Đây là sự hợp tác tuyệt vời giữa Vina T&T Group và người trồng xoài huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Các lô xoài tượng đều đã được cấp mã số vùng trồng, mở ra cơ hội mới cho trái xoài Đồng bằng sông Cửu Long vươn ra thương trường quốc tế”-Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng chia sẻ.

Tại thị trường Australia, sầu riêng cũng được ghi nhận có tốc độ tiêu thụ tốt trong mấy năm trở lại đây. Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa cho rằng: “Sầu riêng Ri6 của Việt Nam xuất khẩu sang Australia không thua kém gì về chất lượng so với sầu riêng Trung Quốc hay Malaysia nên được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, nhất là cộng đồng người Việt Nam và Trung Quốc tại nước này.

Có những thời điểm nhiều đơn vị “tranh nhau” phân phối sầu riêng Việt Nam, do đó nếu các nhà xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam giữ ổn định được chất lượng sản phẩm thì còn nhiều khả năng mở rộng tiêu thụ tại Australia”. Tại thị trường Anh, trái sầu riêng Ri6 cũng đã có mặt từ đầu tháng 5/2023. Với ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có sức cạnh tranh cao so với sầu riêng từ các nước khác tại thị trường Anh.

(Còn nữa)

Trong giai đoạn 2018-2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả có sự chững lại và đi ngang. Thống kê cho thấy, năm 2018, xuất khẩu rau quả đạt 3,81 tỷ USD; năm 2019 đạt 3,74 tỷ USD; năm 2020 đạt 3,26 tỷ USD; năm 2021 đạt 3,55 tỷ USD; năm 2022 đạt 3,36 tỷ USD. Đến năm 2023, xuất khẩu rau quả có sự bứt phá ngoạn mục khi tăng tới 69,2% so với năm 2022, trở thành ngành hàng có mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Với con số 5,69 tỷ USD, rau quả cũng vượt qua gạo và cà-phê, trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ sau lâm sản và thủy sản.

(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới