Quỳnh Nhai hiện có hơn 10.000 ha mặt nước lòng hồ, đây là lợi thế để huyện phát triển nuôi cá lồng và đánh bắt thủy sản. Với sản lượng thủy sản nuôi và đánh bắt lớn, các HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã từng bước phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, xây dựng thương hiệu cá sông Đà của Quỳnh Nhai.
Trên địa bàn huyện đang duy trì 275 ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có hơn 4.000 lồng nuôi cá trên lòng hồ, với 25 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản. Sản lượng thủy sản hằng năm đạt trên 1.800 tấn; trong đó, trên 1.200 tấn cá nuôi. Riêng từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản nuôi và đánh bắt đạt trên 500 tấn. Các loại thủy sản nuôi trên lòng hồ khá đa dạng, với nhiều loại cá như trắm, chép, diêu hồng, lăng, nheo…
Đặc thù của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là nước sạch, người nuôi thủy sản cũng luôn chủ động được nguồn thức ăn tự nhiên, giúp cá phát triển tốt, đảm bảo về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Nghề nuôi cá lồng đã được duy trì và phát triển từ nhiều năm nay nên bà con có kinh nghiệm, tính toán được thời gian và mực nước lên xuống của lòng hồ thủy điện, chủ động các phương án chăm sóc, phòng bệnh, di dời lồng cá đến nơi an toàn trong từng thời điểm.
Là một trong những HTX nuôi thủy sản được thành lập từ sớm, sau hơn 10 năm hoạt động, HTX thủy sản Hồ Quỳnh, xã Chiềng Ơn, cung cấp sản phẩm cá sông Đà Quỳnh Nhai cho khách hàng các tỉnh, thành phố của miền Bắc. Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện có 9 thành viên, nuôi hơn 400 lồng cá. Trước đây, HTX nuôi nhiều loại cá khác nhau để đa dạng sản phẩm. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, HTX chuyển hướng sang nuôi các loại cá lăng chất lượng cao theo quy trình an toàn. Mỗi lứa nuôi từ 18 tháng trở lên, sản lượng trên 300 tấn, tiêu thụ chủ yếu cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội và và một số tỉnh, thu nhập mỗi năm từ 200-700 triệu đồng/thành viên.
Theo kinh nghiệm của những người nuôi cá lồng nhiều năm tại Quỳnh Nhai, đa phần khách hàng ưa chuộng sản phẩm cá tươi. Do vậy, phần lớn sản lượng cá của các HTX xuất bán theo hình thức thu hoạch và vận chuyển trực tiếp đến nơi tiêu thụ. Do vậy, người nuôi thủy sản cũng phải có các “bí quyết”. Đàn cá nuôi trong lồng khi đến kỳ thu hoạch thường xuyên được kéo lưới lên cao, thu hẹp diện tích lồng để đàn cá liên tục quẫy đuôi, bơi lội, giống như “tập thể dục” để tăng sức đề kháng, vừa giúp thịt cá săn chắc, vừa giúp cá tăng khả năng chịu đựng môi trường nước hạn chế, nhiệt độ cao hơn mức bình thường, để khi vận chuyển, cá không bị chết ngạt, sản phẩm bảo đảm chất lượng.
Với mong muốn đa dạng hơn các sản phẩm từ thủy sản nuôi trên lòng hồ, một số HTX, hộ gia đình bước đầu thực hiện sơ chế, chế biến thủy sản. Ông Lò Văn Bình, Giám đốc HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng, chia sẻ: Cùng với bán cá tươi, năm vừa qua, HTX đã đầu tư kho đông lạnh để chế biến thêm các sản phẩm cá, tôm cấp đông, phi lê cá lăng, cá tép dầu khô… Cuối năm 2023, HTX được huyện tư vấn, hỗ trợ lập hồ sơ và đã được công nhận cá sông Đà cấp đông là sản phẩm OCOP 3 sao, giúp HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cũng với mong muốn đưa sản phẩm thủy sản Quỳnh Nhai đến với nhiều người dùng, chị Đào Thị Hiếu, xã Mường Giàng, đã nghiên cứu cho ra các sản phẩm được chế biến từ cá, tôm sông Đà, như: Chả cá, xúc xích cá, ruốc cá, giò cá, cá sấy khô... Năm 2022, chả cá sông Đà của gia đình chị được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, một số HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cũng đang phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản, như: Tôm chao, chả cá lá lốt, cá ngão rút xương, cá mương sấy khô, mắm tép…, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm từ cá, tôm cho khách hàng.
Ông Điêu Chính Hải, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Huyện chủ trương khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn phát triển nghề nuôi cá lồng, kết hợp với xây dựng các sản phẩm chế biến từ thủy sản. Huyện cũng tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các gian hàng, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủy sản đặc trưng của địa phương.
Từ sản phẩm đặc trưng của vùng lòng hồ, phát triển thành sản phẩm OCOP đã và đang giúp những người nuôi thủy sản tạo được uy tín cho sản phẩm cá sông Đà Quỳnh Nhai. Cùng với đó, các HTX, hộ nuôi cá lồng cũng luôn tích cực đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, nắm bắt nhu cầu thị trường để nâng cao chất lượng đàn cá, đa dạng sản phẩm chế biến từ thủy sản, giúp nghề nuôi cá lồng có cơ hội phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!