Trải qua các giai đoạn phát triển, tỉnh Sơn La luôn quan tâm đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, giúp các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích đất canh tác, khai hoang nhiều vùng sản xuất rộng lớn, thực hiện quy trình sản xuất thâm canh, luân canh, tăng vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Từ năm 1959-1962, nhiều công trình thủy lợi đã được xây dựng để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân; trong đó có hồ chứa nước Noong La, xã Chiềng Ngần (Thành phố) được xây dựng năm 1961, với dung tích khoảng 50.000 m³ nước, hồ có ý nghĩa lớn đối những người làm công tác thủy lợi thời kỳ đó, vì đã xây dựng thành công ở vùng chỉ “chờ nước trời”, tạo niềm tin cho nhân dân vào công tác khoa học thủy lợi, những người “thay trời làm mưa”. Qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, đến nay toàn tỉnh có 2.697 công trình thủy lợi, với 3.305 km mương dẫn nước; trong đó có 2.049 km mương kiên cố và đường ống phục vụ tưới tiêu nước cho hơn 99.000 ha cây trồng và thủy sản, cấp nước cho các khu vực dân cư.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ngành Nông nghiệp xác định thủy lợi là khâu đi đầu để phát triển các tiềm năng kinh tế nông nghiệp của tỉnh, các dự án thủy lợi được quy hoạch đúng hướng, mang tính bền vững, từng bước hoàn thiện. Để nâng cao trách nhiệm quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, Sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Chỉ đạo các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra đánh giá về công tác quản lý khai thác, kế hoạch cấp nước phục vụ sản xuất; công tác đảm bảo công trình thủy lợi, hồ chứa nước. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp về thủy lợi, góp phần phát huy và nâng cao năng lực cấp nước, cơ bản đảm bảo nước tưới cho phần lớn diện tích sản xuất vụ đông xuân và nước sinh hoạt cho nhân dân.
Các xã, phường, thị trấn duy trì 1.519 tổ, đội thủy nông cơ sở với hơn 3.400 thành viên, thực hiện vận hành, bảo vệ an toàn các công trình thủy lợi trong phạm vi phụ trách tưới, tiêu; gắn trách nhiệm quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; tích cực tham gia tu sửa, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát dọn cỏ, cây dọc tuyến kênh và đầu mối đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo vệ công trình, ngăn chặn, phòng, chống các hành vi xâm hại hoặc phá hoại công trình, hành lang công trình thủy lợi. Trung bình hàng năm, toàn tỉnh đã huy động được hơn 50.000 người ra quân làm thủy lợi, nạo vét được trên 1.400 km kênh mương; đào đắp gần 40.000 m³ đất đá các loại.
Từ năm 2017 đến nay, với các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, ngân sách tỉnh đã đầu tư nâng cấp sửa chữa 20 đập, hồ chứa nước cấp bách, xung yếu, như: Hồ Lái Bay, Noong Chạy, Nong La, huyện Thuận Châu; hồ Xa Căn, Huổi Nhả - Khơ Mú, Nà Bó, bản Củ 1, bản Củ 2, bản Ỏ, Xum Lo, hồ bản Giàn, hồ Sài Lương, huyện Mai Sơn; hồ bản Lụa, Noong Đúc, thành phố Sơn La... Việc kiên cố hóa hệ thống công trình thủy lợi không chỉ giảm chi phí về điện bơm nước, tiết kiệm nguồn nước tưới, tránh thất thoát gây lãng phí, mà bà con còn chủ động được kế hoạch sản xuất từng mùa vụ. Nếu như trước đây, các huyện Thuận Châu, Mai Sơn, Phù Yên chỉ sản xuất được 1 vụ/năm thì nay đã trồng 2 vụ/năm, thậm chí là 3 vụ/năm, hiệu quả kinh tế tăng cao hơn trước từ 10-20%...
Những ngày này, nhân dân các xã: Chiềng Dong, Chiềng Mai, Hát Lót, Mường Bon và Chiềng Mung, huyện Mai Sơn rất vui mừng, bởi dự án hệ thống thủy lợi Nà Sản đã hoàn thành, đảm bảo nguồn nước sản xuất các vụ trong năm. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La, cho biết: Công trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao cho tỉnh Sơn La, các sở, ban, ngành của tỉnh đã làm thủ tục và tạm bàn giao công trình cho Công ty quản lý, vận hành, khai thác, bảo vệ từ cuối năm 2021. Theo thiết kế, hồ chứa thủy lợi Chiềng Dong nằm trong hệ thống thủy lợi Nà Sản sẽ cấp nước tưới tự chảy cho 1.450 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho trên 10.000 người thuộc các xã trên cao nguyên Nà Sản.
Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi không chỉ chủ động tưới tiêu, mà còn thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, phát triển nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nước, nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!