Tư duy mở - hành động nhanh - kết quả thật

Cách đây 78 năm, ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ đã Quyết nghị thành lập Bộ Canh nông, tiền thân của Bộ Nông nghiệp và PTNT ngày nay. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng được hình thành từ đó.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan thăm gian hàng tại Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

78 năm qua, cùng với sự phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, ngành Nông nghiệp Sơn La đã không ngừng lớn mạnh và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng, ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Đặc biệt, sau hơn 30 năm đổi mới, bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, sự đồng lòng của nhân dân, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch, đặc sản; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản....

Tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tỉnh đã thành lập 4 ban chỉ đạo và 7 tổ công tác cấp tỉnh do Sở Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan thường trực để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngành đã tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; huy động và tranh thủ hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài phát triển kết cấu hạ tầng, đáp ứng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đến nay, tỉnh Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả; có 110 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; được cấp 281 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích trên 4.600 ha. Có 769 HTX, trong đó, trên 30% HTX có ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Lĩnh vực chăn nuôi, dần chuyển đổi từ chăn nuôi truyền thống sang phát triển theo quy mô trang trại, mô hình công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển gia súc, gia cầm chất lượng cao. Người nông dân bước đầu nắm bắt những tín hiệu của thị trường, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhất là, ý thức hợp tác được nâng lên khi tự nguyện liên kết thành HTX, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp..., mở rộng cơ hội phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, chất lượng, có trách nhiệm và đủ sức cạnh tranh, xuất khẩu sản phẩm.

Trên địa bàn đã hình thành nhiều mô hình doanh nghiệp, HTX liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 500 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR...  Toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.

 Với nỗ lực và quyết tâm của toàn ngành, hết năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 27.000 tỷ đồng; toàn tỉnh có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 97,5% tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Hoạt động xuất khẩu hàng hóa đạt tốc độ tăng trưởng cao, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 174,8 triệu USD. Trong đó, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 163 triệu USD (giá trị hàng hóa nông sản quả tươi đạt 20 triệu USD, hàng hóa nông sản chế biến đạt 143 triệu USD), với sản lượng nông sản tham gia xuất khẩu đạt trên 150.000 tấn...

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung triển khai thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường, trở thành động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Với phương châm “Tư duy mở - hành động nhanh - kết quả thật”, ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, các thành tựu quan trọng đã đạt được trong các thời kỳ phát triển, sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi. Toàn ngành tiếp tục đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, phát triển toàn diện nông, lâm nghiệp, thủy sản, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, mở rộng thị trường xuất khẩu, thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới