Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá nông sản đa dạng hình thức, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, tìm kiếm và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Tín hiệu vui đầu mùa
Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 82.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, trong đó, diện tích cho thu hoạch ước đạt trên 63.200 ha, sản lượng ước đạt trên 378.530 tấn. Một số cây trồng chính có diện tích, sản lượng lớn: 6.524 ha chuối, sản lượng trên 59.500 tấn quả; 12.400 ha mận, sản lượng ước đạt 78.200 tấn; gần 19.700 ha xoài, sản lượng gần 77.800 tấn; 20.000 ha nhãn, sản lượng ước đạt 72.000 tấn; 972 ha na, sản lượng trên 7.100 tấn...
Bước vào vụ sản xuất năm nay, vùng chuyên canh cây ăn quả của tỉnh chịu ảnh hưởng bởi nắng nóng, khô hạn kéo dài, một số vùng xảy ra mưa đá... gây thiệt hại về cây cối, hoa màu. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, dù sản lượng một số loại quả có giảm, nhưng mẫu mã, chất lượng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn của đối tác tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chế biến, xuất khẩu các sản phẩm nông sản, cho biết: Ngay từ đầu năm, tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành UBND các huyện, thành phố tập trung theo dõi, nắm bắt, chỉ đạo sâu sát hoạt động sản xuất, chế biến; rà soát, quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo quy định của các đối tác; chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, bao bì tem nhãn, thùng xốp, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch...
Đến ngày 10/5, toàn tỉnh tiêu thụ khoảng 36.200 tấn quả các loại, giá trị đạt trên 755 tỷ đồng. Trong đó: Dâu tây đã tiêu thụ trên 7.350 tấn; chuối trên 15.000 tấn; mận chín sớm trên 10.350 tấn; nhãn chín sớm đã thu hoạch và tiêu thụ khoảng 42 tấn; xoài tiêu thụ khoảng 461 tấn. Phần lớn quả cây tươi được các doanh nghiệp, HTX thu mua cung cấp cho hệ thống các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở các tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Với sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ngành, các huyện, thành phố, tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh đến ngày 7/5, ước đạt trên 80 triệu USD, tăng 12,54% so với cùng kỳ năm 2023, đạt gần 41% kế hoạch của năm 2024. Trong đó, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu ước đạt trên 78,2 triệu USD, tăng 14,74% so với cùng kỳ năm 2023.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cập nhật tình hình thông quan, nhất là các sản phẩm nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, phòng kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố nắm tình hình sản xuất của các nhà máy, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản...
Riêng trong 2 ngày 4 - 5/5 vừa qua, Sở Công Thương kết nối, hỗ trợ Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Minh Khai, tỉnh Lào Cai và đối tác nhập khẩu Trung Quốc khảo sát vùng trồng, làm việc trực tiếp với các đầu mối sản xuất, thu gom sản phẩm xoài trên địa bàn các huyện: Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã.
Bên cạnh đó, tỉnh đang thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư gắn với phát triển vùng nguyên liệu, như: Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy của Công ty CP sản xuất và thương mại đầu tư VFI; Nhà máy đóng gói và chế hoa quả Solas của Công ty cổ phần Bảo Lâm Sơn La.
Niên vụ 2023-2024, Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Minh Khai dự kiến thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc 3-5 xe/ngày đối với sản phẩm xoài không có lỗi, trọng lượng 4-7 lạng/quả. Hình thức xuất khẩu chính ngạch, qua cửa khẩu tại tỉnh Lào Cai. Tại mỗi huyện, công ty hợp tác với 1 cơ sở thu gom, đóng gói, đủ năng lực làm đầu mối liên kết, đáp ứng đơn hàng.
Ông Trần Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Tiến Đạt, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, cho biết: HTX có 8 thành viên, quy mô sản xuất gần 40 ha cây ăn quả, trong đó, 30 ha mận hậu, còn lại là nhãn. Việc có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm, giúp HTX yên tâm sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Còn Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko, có trụ sở tại thành phố Hà Nội đã nhận các đơn hàng một số nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La trong niên vụ 2023-2024, như: 3.000 tấn mận hận tươi, 1.000 tấn mận hậu sấy dẻo, 3.500 tấn xoài tươi, 150 tấn lê tai nung, 150 tấn na Đài Loan, 100 tấn na sầu, 1.000 tấn chanh leo tím.
Bà Nguyễn Thị Lương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Từ đầu vụ đến nay, Công ty thu mua, tiêu thụ khoảng 1.500 tấn dâu tây tươi; 1.200 tấn dâu cấp đông, 50 tấn dâu tây sấy thăng hoa. Hiện nay, đang thu mua mận hậu cung cấp cho hệ thống các siêu thị. Dự kiến, trong tháng 6 tiếp tục đưa mận hậu Sơn La lên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Ngoài hỗ trợ xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ theo phương thức truyền thống, các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh xúc tiến nông sản đặc trưng của tỉnh Sơn La trên nền tảng mạng xã hội, như: Tiktok, Facebook, zalo. Tổ chức tuần lễ các sản phẩm nông sản và hàng hóa đặc trưng của tỉnh, kích hoạt gian hàng trên các sàn thương mại điện tử: Lazada, Shopee, PosMart…
Bà Nguyễn Thị Lương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Danko, thành phố Hà Nội, chia sẻ: Công ty đang xây dựng kế hoạch đưa tất cả nông sản chế biến, đóng gói của Sơn La ra thị trường. Tuy nhiên, các quy định về tem, nhãn mác, bao bì sản phẩm chế biến của nông sản Sơn La đa phần chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều sản phẩm chưa đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. Vì thế, công ty đề xuất với tỉnh, trong thời gian tới, để công ty tổ chức đào tạo kiến thức về tem, nhãn, mác, bao bì, công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX.
Quyết tâm đạt được các chỉ tiêu về tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm có sản lượng lớn thu hoạch trong quý II, như: Mận, xoài, nhãn... Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, HTX chủ động quản lý tốt quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Đối với UBND các huyện, thành phố lựa chọn hỗ trợ phát triển mỗi huyện 1-2 đơn vị thu gom, đủ điều kiện về cơ sở vật chất, như: Nhà xưởng, phương tiện vận chuyển, nguồn lực, nhân lực làm đầu mối đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến và đơn vị xuất nhập khẩu. Từ đó, hình thành mạng lưới liên kết các cơ sở thu gom, đóng gói sản phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh kết nối xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường Trung Quốc, các nước Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản, Trung Đông, góp phần đưa các sản phẩm quả cây của Sơn La chinh phục thị trường thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!